KTĐT - Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), lượng thép xây dựng sản xuất và tiêu thụ trong tháng 11 đã hồi phục trở lại, đạt mức 300.000 - 350.000 tấn, tăng trên 10% so với tháng trước.
Nguyên nhân khiến thị trường thép xây dựng trong nước “nóng”trở lại được nhận định trước hết là do tháng 11 là tháng khô ráo, thuận tiện cho xây dựng; đồng thời đang là thời điểm các dự án chạy nước rút, đẩy nhanh tiến độ thi công để hoàn thành kế hoạch năm. Ngoài ra, việc đồng USD mất giá so với các ngoại tệ khác khiến giá vàng, dầu mỏ và các nguyên liệu, trong đó có thép, phôi thép bị đẩy lên. Trong tháng 11, giá phôi thép và thép phế liệu nhập khẩu đã tăng thêm 10 USD/tân so với tháng trước, hiện phôi thép ở mức 500 - 510 USD/tấn; thép phế liệu 300 - 312 USD/tấn. Hiện giá bán thép trên thị trường trong nước đã trở lại mức giá của 2 tháng trước, khoảng 11 - 11,5 triệu đồng/tấn (chưa tính 5% thuế VAT).
Tuy nhiên, cùng với việc thị trường thép trong nước nóng lên, lượng thép nhập khẩu cũng đột ngột tăng. Nếu trong 10 tháng đầu năm, lượng thép nhập khẩu là 4,466 triệu tấn thì tính đến thời điểm giữa tháng 11 đã lên gần 6 triệu tấn, tương ứng 3,4 tỷ USD, trong khi cả năm 2008 chỉ nhập 4,273 triệu tấn.
Theo ước tính của VSA, nếu kể cả lượng sản xuất trong nước gần 5 triệu tấn và sản lượng trong tháng 12 ước tính 300.000 tấn, thì lượng thép lưu thông trên thị trường Việt Nam năm nay vượt trên 11 triệu tấn, cao hơn rất nhiều so với năm 2007 (năm đỉnh điểm tiêu thụ với 10,2 triệu tấn). Nếu so với nhu cầu dự tính 7 - 8 triệu tấn thép trong năm nay, tổng lượng nhập và sản xuất nói trên dư khoảng 3 - 3,5 triệu tấn so với nhu cầu. Điều này khó có thể xảy ra vì sức chứa lưu kho bãi không đủ đáp ứng ở mức cao như vậy. Đáng chú ý, lãnh đạo VSA cho biết, hầu hết thép nhập khẩu là thép cuộn; bởi thép cây có dập thương hiệu nhà sản xuất nên hàng ngoại nhập khó cạnh tranh với hàng Việt Nam, còn thép cuộn không dập được nhãn mác nên người tiêu dùng khó phân biệt, tạo điều kiện để thép ngoại tràn vào