Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lưu ý khi mua hàng giảm giá, khuyến mãi cuối năm

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Với hàng ngoại nhập có nhiều loại giá giảm nhưng thực chất không rẻ. Chẳng hạn chiếc túi xách giá gốc 8,3 triệu đồng, giảm giá 40% vẫn còn khoảng 5 triệu.

KTĐT - Với hàng ngoại nhập có nhiều loại giá giảm nhưng thực chất không rẻ. Chẳng hạn chiếc túi xách giá gốc 8,3 triệu đồng, giảm giá 40% vẫn còn khoảng 5 triệu.

Đẩy hàng tồn ra “bán hạ giá”, giảm giá một vài mặt hàng mới… thực ra là chiêu mà các cửa hàng áp dụng để lôi kéo khách đến mua sắm. 
 
Hàng giảm giá không hoàn toàn là hàng dỏm kém chất lượng, nhưng cũng chưa hẳn là hàng tốt 100%. Nhiều nghệ thuật bán hàng như cách trưng bày, cách niêm yết giá, cách giới thiệu của người bán... làm tăng nhu cầu về “hàng giá rẻ” cho khách mua.
 

Không khuyến mãi không thể bán được hàng, đó chính là lý do mà hiện nay gần như tất cả các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng… đều có hàng giảm giá. Nhưng nếu quan sát kỹ, có thể thấy trong tổng số 40.000 mặt hàng của các siêu thị lớn, hay 20.000 mặt hàng của các siêu thị nhỏ đang bày bán, chỉ có 100 – 600 mặt hàng khuyến mãi.

Đáng chú ý hơn, hiện nay nhiều đơn vị kinh doanh đang đặt hàng giá rẻ để làm hàng khuyến mãi. Cô Lê Thị Ngọc từng mua nhiều áo sơmi, áo kiểu công sở của nhãn hiệu S. bán tại một siêu thị ở quận 6. Nếu so với mức giá bình quân đang bán tại các cửa hàng thời trang trên đường phố, giá bán trong siêu thị này luôn rẻ hơn trên 10%. Nhưng kiểu dáng, chất liệu, màu sắc thì sản phẩm trong hệ thống cửa hàng S. giống nhau, còn trong siêu thị hoàn toàn khác biệt. Tương tự như bà Mỹ Linh mua quần kaki, áo thun giảm giá trong siêu thị ở quận 10, nhận ra sản phẩm giặt mau xuống màu, chất liệu vải khác với hàng bán bên ngoài. Cô Ngọc đã hỏi nhân viên ở cửa hàng S. và được trả lời rằng do siêu thị chọn mẫu được thiết kế riêng cho hệ thống của họ nên sản phẩm mỗi nơi mỗi khác. Hàng trong shop giá cao vì mẫu chọn lọc kỹ, còn ở siêu thị là hàng đại trà…

Qua tìm hiểu thực tế, mới thấy rõ ràng tuy sản phẩm của cùng một nhãn hiệu, hoặc của cùng một nhà cung cấp, chúng chỉ được đảm bảo rằng được sản xuất theo quy trình như nhau, còn nguyên phụ liệu và mẫu mã không đồng nhất do đáp ứng được mức chiết khấu cho kênh siêu thị bình quân 20 – 25% cộng với điều kiện giá bán lẻ phải rẻ hơn hoặc tối đa là bằng giá bên ngoài, đồng thời đảm bảo cho hệ thống bán lẻ ở cửa hàng và sạp chợ không bị mất khách, đa phần các nhà cung cấp chọn cách tìm nguyên liệu thay thế phù hợp với mức giá.

Giá càng rẻ, chất lượng càng không hoàn hảo như ban đầu. Điều này thể hiện rõ nhất trong các loại thực phẩm, mỹ phẩm bán giảm giá. Đa phần hàng phải “xôn”, phải giảm là hàng cận hạn sử dụng (date) hoặc dòng sản phẩm không được ưa chuộng. Nhiều sản phẩm cận date thì chất lượng sản phẩm đã thay đổi do điều kiện bảo quản không đúng cách.

Với hàng thời trang “xôn” đang tràn ngập đường phố như áo gối, chăn drap giường, giày dép, váy áo thời trang… thoạt nhìn mẫu mã đẹp, mang tính thời trang nhưng xem kỹ chất liệu vải, phụ liệu thì đó là hàng sử dụng nguyên liệu rẻ tiền, may bằng các phụ liệu kém bền. Những mặt hàng này luôn được bán theo kiểu “giảm giá, khuyến mãi” quanh năm.

Với hàng ngoại nhập có nhiều loại giá giảm nhưng thực chất không rẻ. Chẳng hạn chiếc túi xách giá gốc 8,3 triệu đồng, giảm giá 40% vẫn còn khoảng 5 triệu. Trong khi đó cùng loại bán ở nước ngoài, nếu mua bằng tiền đôla thì quy đổi vẫn chỉ khoảng 4,5 triệu.

Những điều cần chú ý khi mua hàng giảm giá, khuyến mãi

– Chú ý xem kỹ thời hạn sử dụng với thực phẩm, hoá mỹ phẩm. Xem xét kỹ bao bì vì những chỗ thủng hoặc han gỉ bao bì ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sản phẩm bên trong.

– Chú ý điều kiện bán hàng, điều kiện bảo quản hàng hoá (nhiệt độ, vệ sinh nền sàn, độ ẩm...) của nơi bán vì nó ảnh hưởng khá mạnh đến chất lượng sản phẩm.

– Hạn chế mua những thực phẩm có hạn sử dụng dài, cho dù thời hạn còn 2 – 3 tháng, vì sản phẩm có thể bị biến đổi phẩm chất do bảo quản không đúng cách.

– Không nên mua thực phẩm, hoá mỹ phẩm đã bị biến đổi màu sắc, mùi vị, thể trạng (chảy lỏng bề mặt, dạng thỏi bị mềm dẻo...).

– Mua hàng tiêu dùng như quần áo, giày dép... cần chọn lựa kỹ lưỡng vì hàng giảm giá thường có khiếm khuyết trong sản xuất hoặc hết mốt hoặc không đủ kích cỡ...