Tất cả các đội tuyển đều gấp rút chuẩn bị cho cuộc chiến "săn" vàng này.
Mồ hôi thánh thót
Cái nắng nóng oi ả của những ngày đầu hè không ngăn được quyết tâm luyện tập của các HLV, VĐV. Trong nhà thi đấu, đội tuyển Pencak Silat miệt mài tập luyện, mồ hôi ướt đầm lưng áo. Ở một góc, các võ sĩ nội dung biểu diễn tập luyện nhịp nhàng bên cạnh các đồng đội đang tung những đòn dứt khoát vào các bao đấm, đá. Cả đội chia thành các nhóm nhỏ tập luyện cần mẫn, những tiếng hét lớn cùng các động tác mạnh liên tục phát ra. Khổ nhất là các võ sĩ đang thực hiện ép cân, trời nắng nóng vẫn phải mặc thêm áo khoác tập luyện, mồ hôi không ngừng túa ra.
Chăm chú theo dõi, uốn nắn từng động tác cho các học trò rồi lại mải mê ghi chép, HLV đã gắn bó hơn 10 năm cùng những thành công của Pencak Silat Việt Nam trên trường quốc tế Huỳnh Ngọc Minh Tiến chia sẻ: "Đối thủ chính của Pencak Silat Việt Nam tại SEA Games này chính là Indonesia. Sau khi thua Việt Nam ở nội dung đối kháng, nước này đã tập trung lấy hết HCV ở nội dung biểu diễn. Gần đây nhất, ở Giải vô địch thế giới tổ chức vào tháng 1 vừa qua tại Thái Lan, có sự tham gia của 46 quốc gia và vùng lãnh thổ, Pencak Silat Việt Nam dù chỉ giành một HCV nội dung biểu diễn nhưng đã đứng đầu ở đối kháng với 6 HCV. Thế nên, đến kỳ SEA Games này, Indonesia sẽ đặt quyết tâm cao để giành tối đa số HCV. Đáng tiếc là một số hạng cân thế mạnh của Pencak Silat Việt Nam đã bị cắt bỏ nên chúng ta khá bất lợi trong các cuộc tranh chấp. Nhưng không vì thế mà đội từ bỏ quyết tâm đạt thành tích cao nhất".
Nếu ở nhà thi đấu dành cho việc tập luyện của các môn đối kháng luôn nhộn nhịp, liên tục phát ra các tiếng đấm, đá thùm thụp thì ở trường bắn, không gian lại tĩnh lặng vô cùng. Tại đây, các xạ thủ hàng đầu Việt Nam như Hoàng Xuân Vinh, Quốc Cường, Thu Hà... đang "cân não" từng giây, từng phút để ngắm bắn. Không đầm đìa mồ hôi như các môn đối kháng nhưng sự căng thẳng, tập trung thể hiện rõ trên nét mặt của các xạ thủ. HLV trưởng đội tuyển Bắn súng Việt Nam Nguyễn Thị Nhung cho biết: "Tại SEA Games 27, Bắn súng đã giành được 7 HCV, một HCB, 2 HCĐ, xếp thứ nhất. Tuy nhiên, tại SEA Games 28, Bắn súng Việt Nam gặp khó khăn do Ban tổ chức cắt giảm một số nội dung thế mạnh của Việt Nam là súng ngắn bắn nhanh, súng ngắn ổ quay, súng ngắn tiêu chuẩn, súng trường 3x40m nam, súng trường di động nam, nữ. Dự kiến, Bắn súng Việt Nam sẽ tham dự đủ các nội dung của SEA Games 28 với 35 VĐV nhằm mục tiêu giành khoảng 3 - 4 HCV, xếp hạng nhất toàn đoàn".
Tình yêu mặn nồng
Trên sân tập Điền kinh, dù nắng gay gắt nhưng các VĐV vẫn miệt mài tập luyện. Trong số các VĐV, nổi bật lên chàng trai có vóc dáng chuẩn như siêu mẫu Quách Công Lịch và cô gái vàng Nguyễn Thị Huyền. Cả hai đang miệt mài tập luyện. Đây đã là năm thứ ba cho mối tình biết cảm thông, chia sẻ từ nỗi nhớ xa nhà đến những lúc ốm đau hay tập luyện căng thẳng. Lịch giờ đã là VĐV số 1 ở đường chạy 400m nam, còn Huyền cùng với Quách Thị Lan là 2 chủ lực trên đường chạy 400m, 400m rào nữ cho mục tiêu chinh phục đấu trường ASIAN Games và Olympic của thể thao Việt Nam.
Cả Huyền và Lịch đều hối hả tập luyện cho mục tiêu giành HCV SEA Games 28. Sau những giờ tập luyện căng thẳng, cả hai lại cùng nhau bước vào căng tin ăn trưa, và dù nhiều khi tập luyện quá mệt mỏi đến mức chẳng buồn ăn nhưng họ vẫn động viên nhau cố ăn hết khẩu phần để có được thể lực tốt nhất. Sau gần 3 năm yêu nhau, Lịch và Huyền đã trải qua những thời điểm thử thách cho tình yêu. Ấy là khi Lịch đi tập huấn tại Bulgaria trong khi Huyền ở nhà một mình, rồi khi Huyền sang Mỹ tập huấn, Lịch lại vò võ tập luyện một mình tại Nhổn. Nhưng vượt lên trên tất cả, họ đã gắn bó với nhau và cùng mơ ước đến chiếc HCV lấp lánh tại SEA Games 28.
Và cuộc chiến “săn” vàng trên đất khách
Trong số các VĐV xuất sắc của thể thao Việt Nam được đầu tư đặc biệt cho mục tiêu “săn” vàng không chỉ ở kỳ SEA Games này, Ánh Viên là cái tên nổi nhất. Cô gái này đã trải qua cái Tết thứ tư xa nhà và một cuộc sống xa xôi vạn dặm trên đất Mỹ. Ánh Viên ở quá xa, người ta chỉ "gặp" cô qua những thông số rất tốt về thành tích khi cô thi đấu. Hiện tại, thành tích của Viên vượt trội hơn hẳn các đối thủ ở 6 nội dung là 200m ngửa, 200m và 400m hỗn hợp, 200m bướm, 400m và 800m tự do. Ở giải Arena Series Musa tổ chức tại Mỹ từ 15 – 18/4, Ánh Viên mới phá kỷ lục quốc gia 200m tự do với thành tích 2 phút 1 giây 80; đồng thời giành HCĐ nội dung sở trường 400m hỗn hợp với 4 phút 42 giây 60. Người về nhất là Katina Hosszu (4 phút 36 giây 37) và thứ nhì là Caitlin Leverenz (4 phút 40 giây 29), đều là những cao thủ tốp đầu thế giới hiện tại.
Một cái tên cũng rất nổi nữa là Hoàng Quý Phước, không giống như Ánh Viên, kình ngư này đã lên đường tập huấn tại Nhật Bản từ đầu năm và những thông số về thành tích của Phước không dễ để truy cập. Rất có thể đây là tính toán chiến thuật của các nhà chuyên môn nhằm tránh cho Phước bị ảnh hưởng về tâm lý như lần tập huấn ở Mỹ trước đó. Phước sẽ là một ẩn số đầy thú vị ở SEA Games này và sẽ là một đối thủ đáng gờm cho bất cứ VĐV nào trong khu vực ở nội dung 200m tự do, 100m tự do, 400m tự do, 200m bướm...
Với môn Điền kinh, sự thành công trong vài năm trở lại đây cũng gắn liền với tên tuổi của VĐV Quách Thị Lan. Cô là em gái của VĐV Quách Công Lịch. Không giống như Ánh Viên có HLV đi cùng sang đất Mỹ, Lan vừa được đưa sang Mỹ và đã ở lại một mình chuyên tâm tập luyện. Ở trung tâm huấn luyện thể thao đặt tại bang Florida, Lan không có ai là người thân ngoài các chuyên gia Mỹ đã giúp cô giành tấm HCB của ASIAN Games 2014. Nhưng như Lan chia sẻ, cô cần được đi để thấy mình lớn hơn, để được tập luyện và thi đấu nâng cao thành tích. Sát SEA Games 28, cô mới trở về tham dự Đại hội và các đối thủ của cô ở nội dung 400m, 400m rào hãy cứ chờ đấy...
Hai anh em Quách Công Lịch, Quách Thị Lan tập luyện cùng nhau khi Lan chưa sang Mỹ.
|