Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ma túy “ảo”: Lối tắt đến ma túy thật

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ham muốn trải nghiệm cảm giác “lạ đời”, nhiều thanh thiếu niên đang tìm đến iDosing - một loại nhạc được mệnh danh là “ma túy hitech”, “ma túy không khói”…

KTĐT - Ham muốn trải nghiệm cảm giác “lạ đời”, nhiều thanh thiếu niên đang tìm đến iDosing - một loại nhạc được mệnh danh là “ma túy hitech”, “ma túy không khói”…

Phê hơn… “đập đá”

Chỉ 1 ngày sau khi đăng tải trên diễn đàn xã hội những câu hỏi xung quanh trào lưu iDosing, tôi đã nhận được hàng chục chia sẻ bình luận về loại nhạc gây ảo giác này. Một bạn gái tên Thu Trang cho biết: “Cảm giác ban đầu là... giật mình. Tiếp theo là sự luân chuyển qua lại với những tốc độ kết hợp âm thanh làm ta cảm nhận đang trên 1 cuộc đua mà ở đó tràn ngập màu đỏ, ánh vàng của lửa.

Dường như con đường ấy đang dẫn ta tới 1 nơi rất bí hiểm, khó lường... Sau đó, ta như rơi từ trên cao xuống vực sâu, giữa những đám lửa cháy bừng, như đang giận dữ... Có thể nói đó là "hỏa ngục"...”. Theo nhận xét của công dân mạng này: iDosing phê hơn cả “đập đá”, nó có thể giúp người nghe có được nhiều cảm xúc mãnh liệt. Cũng ù tai, chóng mặt, cũng quay cuồng, đờ đẫn, lúc òa khóc, lúc lại hoan vui…

Bảo Nam - một iDoser (người sử dụng “ma túy ảo”) cũng cho rằng: Trào lưu này mang đến những “làn gió lạ”, lần đầu nghe sẽ buồn nôn, khó chịu. Nghe vài lần lại thấy ham, đặc biệt khi đã quen thì chỉ muốn đeo tai nghe, nhắm nghiền mắt để tận hưởng cảm giác bồng bềnh, lênh đênh.

Trên diễn đàn của sinh viên một trường ĐH nằm trên địa bàn Hà Nội còn chia sẻ kinh nghiệm sử dụng iDosing: Cảm giác đích thực đạt được là khi “ma túy ảo” được kết hợp với rượu mạnh hoặc shisha. Sẽ có muôn vàn cung bậc cảm xúc khác nhau nhưng thăng hoa phiêu bồng sẽ là đích mà người nghe không muốn dừng lại. Không cần vũ trường, không cần quán bar, chỉ cần iDosing cũng đủ cho bạn đạt được những cảm giác như sử dụng ma túy. Cũng tại diễn đàn này, trả lời câu hỏi: Nghe iDosing có bị nghiện? Một thành viên trên diễn đàn đã phản hồi: “Với những ai có thâm niên nghe loại nhạc này sẽ khó thoát khỏi sự lôi cuốn kỳ lạ của nó”.

Có tiền là có … “ma túy ảo”

Trước những hoài nghi của tôi về “nguồn cung” loại  nhạc gây ảo giác, một học sinh giấu tên trường THPT Việt Đức cho biết: Nếu iDosing được coi là ma túy thì đây sẽ là loại ma túy phổ biến và dễ sử dụng nhất. Bởi hiện nay, chỉ cần 1 tài khoản internet, 1 máy nghe nhạc Mp3 là người nghe đã có thể tải và  thưởng thức hàng trăm bản iDosing khác nhau. Tuy nhiên do hầu hết chỉ là những bản sao có chất lượng trung bình nên để sở hữu những bản “khủng” thì phải dày công săn lùng các clip gốc trên Youtube hoặc phải… bỏ tiền trả phí download.

Ảnh minh họa

Theo địa chỉ các trang web mà bạn trẻ này cung cấp, tôi bắt đầu xâm nhập vào thị trường kinh doanh iDosing. Trên một trang web những album “ma túy ảo” được chào bán với tên gọi vô cùng hấp dẫn như: Gió địa ngục, Bàn tay Thượng đế… Tại đây, ngoài việc bán trọn gói các bản nhạc, iDosing còn được chia nhỏ thành các “liều” tiêu chuẩn được niêm yết giá và đặt tên giống một số chất gây nghiện. Cụ thể, để sở hữu các “liều”  Caffeine, Cocain (là những loại nhẹ nhất), người nghe phải trả từ 3 - 5 USD. Mức giá có thể lên đến hàng chục thậm chí hàng trăm USD nếu người nghe muốn tải về những bản nhạc hot hoặc những album dẫn đầu bảng xếp hạng được gắn tên Heroin hoặc Metcalin…

Trên một trang web khác đang thu hút được đông đảo thanh thiếu niên truy cập, các bản “ma túy ảo” cũng được phân chia theo tiết tấu, chất lượng các file. Điểm khác biệt ở đây là cách đặt tên iDosing phụ thuộc vào độ phê của từng bản nhạc. Thoạt nhìn đã thấy có khoảng 20 loại tên iDosing được phân loại theo các mức cảm xúc và giá bán khác nhau. Nếu các bản “tra tấn” hoặc “chết chóc” có giá trung bình khoảng 30 USD, thì một bản “hủy diệt”, loại 320 kbps, thời lượng hơn 50 phút được bán tại đây có giá 219 USD.

Bản chất thật của iDosing

Về cơ bản, iDosing là loại nhạc stereo có tần số biến đổi không ngừng giữa hai vế  (Binaural beat). Nghĩa là khi nghe loại nhạc này, tai trái và tai phải của chúng ta sẽ tiếp nhận âm thanh với những tần số khác nhau. Sự chênh lệch này tạo ra những kích thích lên vỏ não, khiến người nghe có cảm nhạc âm nhạc đang di chuyển  trong đầu. “Ma túy ảo” iDosing có xuất xứ từ Mỹ, nhưng lại đang phải chịu rất nhiều chỉ trích của dư luận nước này.

Theo các chuyên gia tâm lý, về lâu dài “ma túy số” sẽ tác động đến não của người sử dụng. Từ đó có thể làm thay đổi tâm lý và hành vi. Mức độ tổn thương càng trở nên nghiêm trọng nếu người nghe nhạc đang ở độ tuổi phát triển. Tiếp xúc với âm thanh có tần số giữa hai tai không ổn định có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý, sức khỏe. Do đó, ở một số người nghe iDosing, biểu hiện buồn nôn, chóng mặt, thậm chí đột quỵ do loạn tiết tấu là hoàn toàn có thể xảy ra.

Mới đây, người phụ trách thông tin khối các trường học công ở Mustang, tiểu bang Oklahoma, miền Nam Hoa Kỳ đã cảnh báo: Chúng tôi chưa bao giờ gặp một chuyện như thế và chưa bao giờ phải đối mặt với thứ gì gây ra những ảnh hưởng sinh lý đối với học sinh như vậy.

Hiện tại dù chưa ghi nhận những trường hợp tử vong vì sử dụng “ma túy ảo” nhưng sự bành trướng nhanh chóng của trào lưu này kéo theo nỗi lo sợ của các bậc phụ huynh đang khiến dư luận phải hoài nghi: Phải chăng iDosing là “đường tắt” dẫn dắt giới trẻ đến với ma túy thật?

Theo một bác sỹ khoa tâm thần, bệnh viện Bạch Mai, ngay cả khi chưa được xem là chất gây nghiện thực sự thì việc đưa loại nhạc này vào sử dụng một cách phổ biến cũng cần có sự thẩm định kỹ lưỡng. Phải làm gì để các bạn trẻ có cái nhìn đúng đắn về một cơn sốt đã vượt qua giai đoạn manh nha? Rất cần những động thái cấp bách từ các cơ quan chuyên trách.