Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mải kéo "toa tàu" Eurozone, "đầu tàu" Đức chạy chậm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong thời gian qua, Đức bị chỉ trích khá nhiều vì thặng dư thương mại duy trì ở mức cao trong thời gian dài, bởi thặng dư lớn cũng đồng nghĩa với việc nhiều thành viên yếu hơn trong khu vực sẽ chịu thua thiệt.

Mặc dù là một trong những động lực hỗ trợ đà phục hồi của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) gồm 17 nước thành viên, song kinh tế Đức có dấu hiệu chững lại khi sản lượng công nghiệp giảm sút và xuất khẩu tăng không đáng kể trong tháng 10/2013.

 
Ảnh minh họa. (Nguồn: dailymail)
Ảnh minh họa. (Nguồn: dailymail)
 
Trong bối cảnh Đức phải đối mặt với nhiều chỉ trích rằng nước này hành động chưa đủ mạnh để đưa các nước Eurozone thoát khỏi tình cảnh khó khăn hiện nay, các số liệu thương mại công bố ngày 9/12 cho thấy nhập khẩu của Đức từ Eurozone tăng 3,4% trong tháng 10/2013, trong khi xuất khẩu sang khu vực này giảm 0,1%.

Trong thời gian qua, Đức bị chỉ trích khá nhiều vì thặng dư thương mại duy trì ở mức cao trong thời gian dài, bởi thặng dư lớn cũng đồng nghĩa với việc nhiều thành viên yếu hơn trong khu vực sẽ chịu thua thiệt.

Tuy nhiên, Cục Thống kê liên bang Đức (Destatis) ngày 9/12 cho hay thặng dư thương mại của nền kinh tế lớn nhất châu Âu này (đã điều chỉnh theo mùa) giảm từ 18,7 tỷ euro trong tháng 9/2013 xuống còn 16,8 tỷ euro trong tháng 10/2013, do nhập khẩu tăng mạnh hơn xuất khẩu.

Cụ thể, trong tháng 10/2013, xuất khẩu hàng hóa của Đức đứng ở mức 92,9 tỷ euro, tăng nhẹ so với 92,7 tỷ euro trong tháng 9/2013. Trong khi đó, nhập khẩu tăng mạnh hơn, tăng 2,8% lên 76,1 tỷ euro.

Từ Brussels, Ủy ban châu Âu (EC) nói rằng nước này sẽ theo sát tình hình thặng dư tài khoản vãng lai của Đức. Tuy nhiên, theo nhà kinh tế Johannes Gareis thuộc Natixis, số liệu thương mại trong tháng 10/203 sẽ làm giảm sức ép lên 'đầu tàu kinh tế Đức' trong việc phải hành động nhiều hơn nữa để tái cân bằng Eurozone.

Trong khi đó, theo số liệu sơ bộ của Bộ Kinh tế Đức, sản lượng công nghiệp trong tháng 10/2013 giảm 1,2% sau khi đã giảm 0,7% trong tháng 9/2013.

Nhà kinh tế Jonathan Loynes thuộc Capital Economics nhận định điều này cho thấy động lực tăng trưởng chủ chốt của kinh tế Đức không chỉ chững lại mà còn đi theo chiều ngược lại và có thể sẽ giảm trong quý 4/2013.

Lĩnh vực xuất khẩu vốn có tiếng là siêu cạnh tranh của Đức cũng đang chật vật tăng trưởng trong bối cảnh nhu cầu nước ngoài yếu và tỷ giá đồng euro cao.

Tuy nhiên, một số nhà kinh tế khác tỏ ra lạc quan rằng tình hình sản lượng công nghiệp yếu kém sẽ sớm đảo chiều và chờ đợi kinh tế Đức sẽ khởi sắc vào cuối năm.

Nhà kinh tế Gareis thuộc Natixis cho hay GDP của Đức ước đoán sẽ tăng trưởng 0,3% trong quý cuối cùng của năm nay.