Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mải mê với việc thiện

Chia sẻ Zalo

KTĐT -Vốn là nữ hộ sinh của Viện Bảo vệ Bà mẹ và trẻ sơ sinh (nay là Bệnh viện Phụ sản Trung ương), sau khi nghỉ mất sức vì lý do sức khỏe, năm 1989, bà Lê Thị Thu Yến mở một hiệu may tại gia.

KTĐT -Vốn là nữ hộ sinh của Viện Bảo vệ Bà mẹ và trẻ sơ sinh (nay là Bệnh viện Phụ sản Trung ương), sau khi nghỉ mất sức vì lý do sức khỏe, năm 1989, bà Lê Thị Thu Yến mở một hiệu may tại gia. Đó cũng là quãng thời gian bà phải đối mặt với hàng loạt bệnh tật như thoái hóa xương cột sống, thoái hóa đốt sống cổ, thoái hóa khớp gối, rối loạn tiền đình, rồi bị liệt chân trái sau một vụ tai nạn giao thông. Trong những tháng ngày mòn mỏi tự học để tự cứu mình khỏi bệnh tật và để từ những cơ cực vất vả của bản thân, bà liên tưởng đến thân phận những người khuyết tật. "Lương y như từ mẫu", lời dạy của Bác cứ vang mãi trong đầu, rồi bà nung nấu cháy bỏng suy nghĩ: Sau khi trị được bệnh, phải làm điều gì đó để giúp đỡ những người khuyết tật.

Việc đầu tiên sau khi rời khỏi giường bệnh, bà rong ruổi trên các ngõ ngách khắp Hà Nội để tìm hiểu nghề nào phù hợp với người khuyết tật, và quan trọng hơn, đem lại cho người khuyết tật thu nhập khả quan cùng một tương lai rộng mở. Tình cờ, bà Yến đọc được những dòng tin về một lớp học đồ họa trên báo và bà bị sức hấp dẫn của thế giới đồ họa chinh phục với niềm tin "tin học mang lại nhiều cơ hội nghề nghiệp nhất cho người khuyết tật". Sau sự tò mò ban đầu, bà theo đuổi tin học, học cả về phần mềm đồ họa, cách làm phim, dựng video clip, cũng như các kỹ năng lập dự án và tổ chức sự kiện. Năm 2005, bà Yến tham gia cuộc thi Thắp sáng niềm tin với sản phẩm dự thi là các đĩa mềm về "Thiết kế thời trang", "Dạy ứng dụng tin học cho người khuyết tật", "Nhạc lý cơ bản cho người khuyết tật". Ý tưởng chủ đạo trong các tác phẩm này được Ban giám khảo cuộc thi đánh giá cao.


Cũng tại cuộc thi này vào một năm sau đó, bà thuyết phục thành công nghệ sĩ ghita Văn Vượng cùng tham gia với sản phẩm là đĩa CD Dạy ghita cho người khiếm thị để đem về một giải Khuyến khích. "Điều quan trọng nhất, sau những cuộc thi này tôi càng tin tưởng rằng, công nghệ tin học thực sự hữu ích cho người khuyết tật trong mọi lĩnh vực"- Bà Yến tâm sự.


Năm 2005, bà Lê Thị Thu Yến thành lập Trung tâm Dạy nghề và tạo việc làm nhân đạo Hải Yến bằng nguồn kinh phí của bản thân và gia đình. Đối tượng dạy học của Trung tâm đều là những người khuyết tật, và được đào tạo ở 3 nghề: nấu ăn, cắt may và tin học. Chỉ trong 5 năm, Trung tâm đã đào tạo nghề cho hàng chục trẻ khuyết tật, giúp các trẻ này khi ra trường có việc làm ổn định, thậm chí có người trở thành giáo viên tin học tại Trung tâm Tin học B&T hay trở thành chủ nhà hàng nấu ăn. Tiếp đó, năm 2010, để tạo điều kiện cho những người khuyết tật có tài năng và ham muốn học hỏi công nghệ thông tin nhưng có hoàn cảnh khó khăn, bà Yến thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Nhân Đạo Hải Yến, với cơ sở 1 tại 449 Trương Định - quận Hoàng Mai - Hà Nội, và đầu tư 33 dàn máy phục vụ việc dạy tin học. Cùng trong thời gian này, bà tham gia nhiều tổ chức hoạt động xã hội khác như: Trung tâm Sống độc lập, Hội Người Khuyết tật quận Hoàng Mai, tổ chức Vì cộng đồng... Rung động trước tấm lòng nhân ái cũng như sự hoạt động hiệu quả của bà, các thành viên tổ chức Vì cộng đồng đã ghi danh bà Yến vào danh sách bình chọn giải thiện nguyện Chim én - một giải thưởng vinh danh những cá nhân và nhóm hoạt động vì cộng đồng có uy tín hiện nay.


Sau khi đã trải qua tất cả những khó khăn về sức khỏe, vật chất và tinh thần, giờ đây có sự giúp đỡ của cộng đồng và gia đình, tôi dồn hết thời gian và sức lực của mình vào những việc làm thiện nguyện. Đó là tâm niệm của đời tôi - Phút trải lòng của người phụ nữ giàu nghị lực, đầy ắp tình yêu thương làm việc thiện, thật đáng trân trọng.