Các biện pháp kích thích tài chính của Chính phủ Malaysia gồm các kế hoạch chi tiêu để thúc đẩy các lĩnh vực xây dựng, nông nghiệp và dịch vụ nhằm hỗ trợ tăng trưởng. Chính phủ cũng có thể sẽ mở rộng tự do hóa các loại hình dịch vụ như chăm sóc y tế, giáo dục và công bố biện pháp khuyến khích ngành dầu khí. Năm 2010, tốc độ tăng trưởng kinh tế Malaysia vọt lên 7,2% - mức cao nhất trong vòng 10 năm qua. Tuy nhiên, tỷ lệ lạm phát tại nước này trong tháng 6/2011 lại leo lên 3,5% - mức cao nhất trong 27 tháng qua. Thêm vào đó, tình trạng sa sút trên quy mô toàn cầu có thể khiến kế hoạch giảm thâm hụt ngân sách của chính phủ Malaysia năm 2012 bị "trệch đường ray." Để làm dịu tác động của giá cả leo thang, ông Najib dự kiến sẽ công bố các chương trình trợ cấp, như chế độ thưởng cho 1,3 triệu công chức, phát tem thực phẩm và phiếu mua vật dụng cho các hộ gia đình có thu nhập dưới 3.000 ringgit (936,125 USD)/tháng. Chuyên gia kinh tế Gundy Cahyadi thuộc OCBC Bank cho biết đã có dấu hiệu cho thấy hoạt động xuất khẩu của Malaysia sa sút do nhu cầu thị trường co lại. Năm 2010, xuất khẩu đóng góp 89% cho GDP của Malaysia. Chuyên gia này dự đoán sức tăng trưởng kinh tế của Malaysia năm nay chỉ có thể đạt 3,8%, trong khi con số dự báo ban đầu là 4,7%. Malaysia cần đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình 6%/năm để hiện thực hóa mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2020./.