Malaysia đang tiến tới đạt được những chỉ số quốc tế, mặc dù chỉ với tốc độ chậm, nhưng rõ ràng đang có những thay đổi tích cực và điều này đã được nhiều cơ quan thăm dò dư luận độc lập nước ngoài công nhận. Theo kết quả thăm dò dư luận về Chỉ số hòa bình (GPI), do Viện Kinh tế và Hòa bình có trụ sở tại Sydney tiến hành, Malaysia là quốc gia hòa bình nhất ở Đông Nam Á và an toàn thứ tư trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, sau New Zealand, Nhật Bản và Australia. Chỉ số này còn cho thấy Malaysia là nước an toàn thứ 19 và hòa bình nhất trong số 153 nước trên toàn cầu. Chỉ số hòa bình được bình xét dựa trên 23 chỉ số về chất lượng cũng như số lượng của các nguồn riêng rẽ, bao gồm các nhân tố chủ quan và khách quan từ mức chi phí quốc phòng cho tới mối quan hệ với các nước láng giềng và tôn trọng nhân quyền. Những chỉ số này được một ủy ban quốc tế gồm các viện sỹ, thương gia, các nhà hoạt động từ thiện, thành viên các tổ chứ hòa bình, bình chọn trong năm, bắt đầu từ ngày 15/3/2010. Ủy ban này đã sử dụng những số liệu mới nhất từ một loạt các nguồn riêng rẽ trong đó có Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế, Ngân hàng thế giới, một số văn phòng của Liên hợp quốc, Viện hòa bình và Đơn vị tình báo kinh tế. GPI của Malaysia đã được cải thiện trong năm năm liền và tăng ba bậc, chiếm lĩnh vị trí thứ 19, vượt trước cả Singapore, nước Đông Nam Á được xếp hạng cao nhất trong GPI năm ngoái. Chỉ số hòa bình của Malaysia thể hiện sự ổn định về chính trị, quan hệ với các nước láng giềng được cải thiện, chủ yếu là với Singapore và Trung Quốc. Báo cáo về năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCR) của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) có trị sở tại Thụy Sỹ, cũng đã xếp Malaysia đứng thứ 21 trong năm nay, tăng so với vị trí 26 hồi năm ngoái. Trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Malaysia đứng thứ sáu, vượt hai bậc so với năm ngoái, trong khi Singapore giữ vị trí dẫn đầu, tiếp sau là Nhật Bản, Hong Kong, Đài Loan và Australia. Malaysia đã đạt mức điểm 5,08 so với 4,88 trong năm ngoái, trên thang điểm 7 là tối đa. GCR này cho thấy rằng sở dĩ các nước đạt được mức điểm cao hơn là do môi trường chung trên toàn cầu được cải thiện. Theo một cuộc thăm dò của Trường Đại học Hồi giáo quốc tế Malaysia về các vấn đề hiện nay của quốc gia, sáu vấn đề chính mà người Malaysia lo ngại nhất trong năm 2010 và 2011 chính là kinh tế, chính trị, các vấn đề xã hội, đoàn kết và nhập cư bất hợp pháp. Tội phạm vẫn là lo ngại lớn nhất nhưng tỷ lệ phạm tội đã giảm mạnh trong năm nay, từ 33% trong năm ngoái xuống còn 21%.