Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mang âm nhạc truyền thống đến với giới trẻ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giữa trưa hè oi nóng, hơn 30 bạn trẻ thuộc thế hệ 9x trải chiếu học chèo ở giảng đường trường Đại học Sân khấu Điện ảnh.

Dù dự án "Chèo 48h" là hoạt động ngoại khóa, không có kinh phí tài trợ, nhưng tất cả đều "vượt khó" để đến với nghệ thuật chèo, hứa hẹn một buổi biểu diễn hấp dẫn của những diễn viên nghiệp dư vào 20 giờ ngày 9/8.

“Say” chèo

Trong thời buổi không mấy người còn mặn mà xem diễn chèo, nhiều nghệ sĩ cũng đã rời bỏ chèo, việc có hơn 30 bạn trẻ say mê học bộ môn nghệ thuật truyền thống này quả là điều hiếm gặp. Họ cùng sinh hoạt chung trong dự án có tên gọi "Chèo 48h". Qua các hoạt động tìm hiểu, thực hành về kỹ thuật cơ bản của chèo dân gian, thực hành kỹ thuật hát chèo, hoặc sự trải nghiệm thực tế nét đẹp văn hóa của người dân làng chèo tại xã Phong Châu, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, những sinh viên thế hệ 9x này đi từ tò mò đến cùng nhau khám phá nghệ thuật chèo.
Giữa trưa hè oi nóng, hơn 30 bạn trẻ thuộc thế hệ 9x trải chiếu học chèo ở giảng đường trường Đại học Sân khấu Điện ảnh.
Các bạn trẻ tích cực luyện tập chuẩn bị cho đêm Ga la “Chèo 48h”.
 
Theo nghệ sĩ Khương Cường - thành viên sáng lập dự án: "Tham gia dự án này chủ yếu là sinh viên của các trường đại học tại Hà Nội. Ngoài ra, nhiều du học sinh ở nước ngoài không trực tiếp sinh hoạt các buổi ngoại khóa của dự án nhưng cũng tham gia vào hoạt động quảng bá". Quan sát các bạn trẻ chăm chú tiếp thu lời giảng, ai cũng nghĩ "Chèo 48h" là lớp học chuyên ngành chính khóa của nhà trường. Nhưng thực tế, "Chèo 48h" là dự án phi lợi nhuận với sứ mệnh mang chèo dân gian đến gần hơn với giới trẻ, đưa các bạn trẻ đến với một loại hình văn hóa dân tộc đặc sắc thông qua các hoạt động tương tác hấp dẫn, mới lạ, hòa hợp giữa dân gian và hiện đại. 

Theo bạn Nguyễn Thị Ngọc Minh, sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội, sở dĩ chiếu chèo miễn phí này giữ chân được bạn trẻ là bởi: "Chèo là bộ môn nghệ thuật giàu tính dân tộc, mang tính quần chúng và được coi là loại hình sân khấu của hội hè. Chèo chủ yếu miêu tả cuộc sống nông thôn bình dị của người dân nông thôn. Vì vậy, tôi tham gia học chèo để được hiểu biết nghệ thuật đặc sắc này, qua đó góp phần lưu giữ văn dân gian của dân tộc".

Chung tay vì nghệ thuật truyền thống

Dù được đỡ đầu bởi nhóm National Chèo Ographics, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển bền vững Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, và tổ chức "Tôi 20", nhưng “Chèo 48h” lại là dự án không có kinh phí tài trợ: Dự án gần như không có tiền. Để có được địa điểm cho các nghệ sĩ của Nhà hát Chèo Việt Nam, giảng viên của trường Đại học Sân khấu Điện ảnh giảng chèo, thành viên của dự án đã phải đi “gõ cửa” khắp các đình, chùa Hà Nội nhằm xin chỗ trải chiếu chèo miễn phí. Tuy nhiên, vì công tác an ninh của nhà chùa, chiếu chèo lại chuyển về giảng đường trường Đại học Sân khấu Điện ảnh với giá thuê ưu đãi.

Dự kiến, vào đêm Gala “Chèo 48h" diễn ra vào lúc 20 giờ ngày 9/8 tại đình Kim Ngân (42 Hàng Bạc, Hà Nội), hơn 30 diễn viên nghiệp dư sẽ diễn các trích đoạn kinh điển trong nghệ thuật chèo như: "Xã trưởng - Mẹ Đốp", "Hề mồi thắt lưng xanh"… Và những nghệ sĩ nổi tiếng của làng chèo như NSƯT Thanh Ngoan, NSƯT Xuân Hinh, NSƯT Quang Vinh... sẽ có mặt để trợ giúp các bạn trẻ. Chương trình Gala “Chèo 48h" mong muốn sẽ là hoạt động khởi đầu cho chuỗi sự kiện về âm nhạc truyền thống trong thời gian tới, thu hút sự quay trở về của giới trẻ với nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Toàn bộ tiền vé thu được từ chương trình Gala “Chèo 48h" và tiền ủng hộ sẽ được sử dụng để góp phần xây dựng Quỹ phát triển âm nhạc truyền thống.

Sẽ không chỉ dừng lại ở chèo, từ năm 2015, Dự án phát triển âm nhạc truyền thống này sẽ mở rộng ra các loại hình nghệ thuật dân gian như xẩm, quan họ, hát ru... Nói như nghệ sĩ Khương Cường: "Hy vọng với tấm lòng thiện nguyện của những người tham gia, dự án có thể phát triển để lưu lại trong giới trẻ một chút những loại hình nghệ thuật được coi là hồn cốt của dân tộc".