Kinhtedothi - Việc các mạng xã hội đang góp phần “tuyên truyền” tư tưởng cực đoan của các phần tử Hồi giáo lại một lần nữa được đặt ra khi có thông tin một kẻ khủng bố đã chỉ đạo thực hiện các vụ tấn công Jakarta từ nước ngoài sau khi đăng các tư liệu hướng dẫn cách thức thực hiện các vụ đánh bom trên một trang blog.
Cảnh sát trưởng Jakarta Tito Karnavian cho hay, một chiến binh khủng bố ở nước ngoài bị cảnh sát buộc tội chỉ đạo các chân rết của mình tại Indonesia tiến hành các cuộc tấn công vào thủ đô nước này. Vụ bạo lực diễn ra vào giữa ngày 14/1 đã tăng mức báo động khủng bố lên cao tại đất nước đông người theo đạo Hồi nhất thế giới. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã nhận trách nhiệm vụ tấn công tại Jakarta.
Theo thông tin từ cơ quan tình báo, một cá nhân tên là Bahrun Naim, dựa trên các phương tiện truyền thông đã chỉ đạo các phần tử tại Indonesia thực hiện các cuộc khủng bố. Naim, được cho là sống tại Syria, đã bị bắt giữ bởi chính quyền Indonesia trong năm 2010 vì tàng trữ trái phép vũ khí và bị kết án tù giam. Tên này sau đó rời Indonesia đến Syria, và là một phần tử lãnh đạo cấp cao của IS. Naim đã tạo ra một chi nhánh của IS có tên là Katibah al Nusantara với mục đích đoàn kết tất cả các nhân tố hỗ trợ IS trong khu vực Đông Nam Á, bao gồm Indonesia, Malaysia và Philippines. Phát ngôn viên cảnh sát Anton Charliyan cũng cho biết, trước đó, Naim đã gửi tiền về Indonesia để tài trợ cho các cuộc tấn công khủng bố.
Theo một nguồn tin chống khủng bố của Indonesia, có khả năng Naim cũng điều hành một blog có nội dung về IS. Blog viết bằng ngôn ngữ Indonesia về cách tiến hành các cuộc tấn công khủng bố, làm thế nào để tránh các cơ quan tình báo, cách chế tạo súng ngắn và cách thức tiến hành chiến tranh du kích ở các TP.
Thông tin vụ tấn công được chỉ đạo từ nước ngoài tiếp tục dấy lên lo ngại rằng, các phương tiện truyền thông xã hội đang vô tình “tiếp sức” cho chủ nghĩa khủng bố. Gần đây nhất, chị Tamara Fields, bang Florida (Mỹ) có chồng bị thiệt mạng trong tay các chiến binh IS tại Jordan đã đệ đơn kiện mạng xã hội tiếng tăm Twitter vì cho phép các chiến binh IS tự xưng sử dụng mạng xã hội này để xây dựng chiến dịch tuyên truyền, kiếm tiền từ các hoạt động phi pháp và tuyển mộ thành viên. "Nếu không có Twitter, sự phát triển của IS trong vài năm trở lại đây và các nhóm khủng bố đáng sợ nhất trên thế giới sẽ không thể thực hiện được" - Tamara Fields viết trong đơn khiếu nại.
Quả thực, trong thời gian qua, các phương tiện truyền thông như Facebook, YouTube và Twitter được các chiến binh IS sử dụng như một cách truyền bá tư tưởng, lên kế hoạch tấn công và tuyển mộ binh sĩ mà gặp phải rất ít trở ngại. Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) James Comey cho hay, việc sử dụng mã hóa là một trong những “mánh” chủ yếu của những kẻ khủng bố nhằm “che mắt” cơ quan điều tra. Đơn cử là việc những tên khủng bố tại Paris (Pháp) đã sử dụng phần mềm WhatsApp và Telegram, 2 phần mềm mã hóa có khả năng bảo vệ riêng tư của người dùng cao và rất khó giải mã, để liên lạc và che dấu tung tích.
Đây không phải là lần đầu tiên, câu hỏi về trách nhiệm xã hội được đặt ra đối với các công ty công nghệ khi nhiều mạng xã hội, phần mềm nhắn tin vô tình trở thành công cụ hữu dụng của những kẻ cực đoan. Rất nhiều ý kiến đồng tình cho rằng, các công ty công nghệ phải có sự kiểm soát chặt chẽ hơn đối với người dùng mạng xã hội, còn chính phủ các nước phải có sự đầu tư mạnh hơn cho việc ngăn chặn các thông tin cực đoan trên mạng xã hội.
Mạng xã hội Twitter bị kiện vì trở thành công cụ “truyền bá” tư tưởng cực đoan.
|