Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mánh khóe tinh vi trên thị trường nhà đất

Chia sẻ Zalo

KTĐT - "Qua rồi thời kỳ phát triển sôi động với nguồn lợi khổng lồ, giới đầu tư kinh doanh bất động sản đang từng ngày lộ rõ mánh khóe lừa đảo. Ở đó người tiêu dùng trở thành "con mồi" của những thủ đoạn lừa đảo tinh vi từ chủ đầu tư" - LS Trần Đình Triển, trưởng phòng Luật sư Vì Dân nhận định.

Có thể nói chưa lúc nào người dân vướng phải các dự án ma, dự án trên giấy lại trở nên bức xúc như lúc này. Họ là người trực tiếp phải oằn lưng gánh hậu quả khi mua căn hộ, hợp đồng góp vốn tại dự án chung cư. Chỉ khi sự việc được cơ quan báo chí phanh phui, người tiêu dùng tá hỏa đi tìm chủ đầu tư thì đã quá muộn.

 

Thiếu quy hoạch, quản lý kém

Thực tế trong một giai đoạn ngắn khoảng 3 năm từ 2007 đến 2010 tình hình bất động sản ở Hà Nội tăng giá. Nhu cầu nhà ở người dân ngày một tăng, ước muốn có một ngôi nhà tại Hà Nội nhiều người đổ xô đi tìm các dự án chung cư nhà ở. Chỉ cần ở đâu có thông báo bán căn hộ chung cư, góp vốn mua căn hộ giá gốc là nhiều người tìm mọi cách mua bằng được thậm chí chịu mua giá chênh để rồi chính họ phải gánh hậu quả.

 
Mánh khóe tinh vi trên thị trường nhà đất - Ảnh 1
 
Dự án huy động vốn rồi bỏ hoang gây nhức nhối cho khách hàng.
 

Là người tham gia nhiều vụ việc bảo vệ quyền lợi người dân, người tiêu dùng bị lừa đảo trong các dự án bất động sản. LS Trần Đình Triển, trưởng văn phòng Luật sư Vì Dân (Hà Nội) đã trao đổi với phóng viên xung quanh chủ đề bất động sản - những mánh khóe lừa đảo.

 

Nhận định đầu tiên của LS Trần Đình Triển về thị trường bất động sản hiện nay chính là: "Dự án ma, dự án trên giấy là cái giá phải trả do khâu quản lý, quy hoạch kém, trong đó người dân là người phải chịu hậu quả".

 

LS Triển cho rằng, từ lâu chúng ta đang thiếu quy hoạch tổng thể, mang tính lâu dài hoặc có quy hoạch nhưng không nhất quán có thể thay đổi điều chỉnh quy hoạch bất thường. Chưa nói đến dự án chung cư, một dự án mang tính cộng đồng phục vụ dân sinh như Công viên Tuổi trẻ Thủ đô (Hai Bà Trưng - Hà Nội), sau khi thu hồi đất những hạng mục trong dự án bị "băm" ra làm nhà hàng, bãi trông xe khiến người dân bức xúc.

Bên cạnh việc thiếu quy hoạch tổng thể, theo LS Trần Đình Triển nguyên nhân dẫn đến người dân bị lừa trong các dự án bất động sản là do cơ quan quản lý nhà nước không quan tâm đúng mức khâu tiền dự án. Cụ thể là việc xem xét tình hình thực tế các doanh nghiệp khi những đơn vị này xin giấy phép đầu tư tại các dự án.

"Đây là khâu dễ xảy ra tiêu cực, với doanh nghiệp nhỏ sau khi phải lo tiền để dự án được phê duyệt đến khi dự án được cấp phép thì tiền đã không còn" - Luật sư Triển cho biết thêm.

 

Cũng theo LS Trần Đình Triển, do việc quản lý kém, khâu phê duyệt dự án có nhiều yếu tổ tiêu cực. Đơn vị quản lý không xem xét thực tế tiềm lự tài chính của doanh nghiệp, đến khi doanh nghiệp được cấp phép đầu tư xây dựng, thiếu tiền nên một loạt các mánh khóe lừa đảo tinh vi được sử dụng.

 

Tinh vi chiêu lừa đảo

 

Do thiếu vốn, doanh nghiệp không thể tiếp tục chạy theo dự án nên tìm mọi cách xoay xở tài chính. Theo LS Triển, những doanh nghiệp kiểu này sẽ sử dụng hai cách: Một là "bán lúa non", hai là tìm cách lừa đảo người tiêu dùng bằng hợp đồng vốn góp, hợp đồng mua căn hộ giá gốc hoặc vay ngân hàng. Nếu số tiền đó doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vào dự án thì có lẽ không có các dự án trên giấy, dự án treo.

 

Thực tế, sau khi có được tài chính từ việc huy động vốn trái phép của người dân, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản lại dùng tiền chạy theo các dự án khác. Về vấn đề này Luật sư Triển cho biết: "Những doanh nghiệp này nợ lần khách hàng từ dự án này sang dự án kia đến khi kinh tế chững lại, nguồn tiền hết thì một loạt sai phạm trong dự án bị tiết lộ, người tiêu dùng mới biết mình bị lừa".

 

Để người tiêu dùng tin tưởng đóng tiền qua những hợp đồng mua nhà hay góp vốn, các doanh nghiệp tung đội ngũ "cò" với cam kết mua đúng giá gốc dựng lên viễn cảnh về dự án khi hoàn thành.

Điều đó dễ thấy ở các dự án, trước khi khách hàng ký kết hợp đồng mua nhà, góp vốn được doanh nghiệp mời chào với các chiêu tham quan nhà mẫu, tham quan công trường thi công rầm rộ. Nhưng ngay sau khi khách hàng ký hợp đồng, doanh nghiệp thu được tiền thì dự án lại như bãi hoang không bóng công nhân.

 

Mánh khóe lừa đảo của các doanh nghiệp bất động sản còn nằm ở nội dung các bản hợp đồng. Khi người mua có nhu cầu về nơi ở lớn, tin tưởng nhà đầu tư nghĩ mình mua được giá gốc nên đóng tiền đều đặn theo điều khoản hợp đồng. Trong điều khoản hợp đồng mua bán nhà, các doanh nghiệp thường lách luật. Trong đó nghĩa vụ đóng tiền của khách hàng chỉ rõ trong từng tháng, từng năm nhưng lại thiếu tiến độ thi công. Nên xảy ra trường hợp có người đóng đến 70% giá trị căn hộ nhưng dự án với chỉ xong phần móng rồi bị bỏ hoang.

 

Người tiêu dùng là nạn nhân chính của những chiêu lừa đảo của các doanh nghiệp bất động sản. Bên cạnh đó là các ngân hàng, "cán bộ ngân hàng cấu kết doanh nghiệp bất động sản lách luật cho vay, khi cho vay tiền các ngân hàng lại không kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn vay của các doanh nghiệp có đúng mục đích dẫn đến nợ xấu, đọng vốn ngân hàng cũng khó khăn" - Luật sư Trần Đình Triển phân tích.