KTĐT - Hôm qua, tại Hà Nội, diễn ra hội thảo về kinh tế vĩ mô và chính sách tài chính tiền tệ năm 2011. Nhiều chuyên gia cho rằng, cần mạnh tay chống tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế. Dự kiến doanh nghiệp sẽ dễ thở hơn từ quý III, khi lãi suất giảm.
Năm 2011: Lạm phát bao nhiêu?
Hội thảo do Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (Vacod) tổ chức. Trước nỗi lo lãi suất cao, tỷ giá chênh lệch nhiều của doanh nghiệp, cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Đức Thúy, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, chia sẻ: “Cần phải nhìn nhận chống lạm phát không có nghĩa thắt thật chặt chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, để cho doanh nghiệp không sống nổi”.
Theo ông Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, doanh nghiệp hiện nay rất quan tâm lạm phát năm nay cỡ bao nhiêu? Theo tính toán, điều chỉnh tỷ giá làm CPI tăng 1,1%, xăng làm tăng 0,54% còn giá điện làm tăng 0,71%. Cộng lại các mặt hàng tăng giá làm CPI tăng trên 2,2%. Tuy nhiên, bên cạnh yếu tố tăng giá cũng có yếu tố giảm giá. Năm 2011 dự báo giá lương thực giảm giúp CPI giảm 2,5 - 3%. Bù vào khoản tăng giá của điện xăng dầu tỷ giá.
Như vậy lạm phát năm nay phụ thuộc rất lớn vào cung tiền. Chính phủ đã điều chỉnh từ 28% năm ngoái xuống dưới 20%, tín dụng cũng đưa từ 30% năm ngoái xuống dưới 20% trong năm nay.
“Quý I chúng tôi dự kiến CPI ở mức 4,4 - 4,5% do thông thường quý I chiếm khoảng 50% mức lạm phát cả năm. Chúng ta có thể tin rằng lạm phát năm nay sẽ dưới 10% chứ không lên đến mức gần 12% như năm ngoái.
Lạm phát có tính tâm lý nên trong quý II, III Chính phủ phải kiên trì chính sách thắt chặt tiền tệ. Như vậy phải từ quý III trở đi lãi suất mới giảm được. Năm nay Chính phủ giảm rất mạnh đầu tư công. Đây cũng là yếu tố khiến lượng vốn trên thị trường sẽ dồi dào hơn vào cuối năm”- Ông Nghĩa đánh giá.
Còn theo ông Thuý, lạm phát năm ngoái lên 11,75%. Năm nay mục tiêu đề ra là giữ lạm phát dưới 7%. Mục tiêu này rất khó nếu không muốn nói là không thể. “Có những tính toán nghiêm túc cho rằng có thể lạm phát năm 2011 ở mức 10%, thậm chí cao hơn chút ít”, ông Thúy nói.
Tình trạng đô la hóa ngày càng lớn
Theo ông Nghĩa, tình trạng đô la hóa đang ngày càng lớn. Ủy ban giám sát tài chính đang đệ trình Chính phủ một đề án chiến lược chống đô la hóa.
Hiện không có quốc gia nào để tình trạng đô la hóa như Việt Nam. Theo định nghĩa của IMF là chừng nào ngân hàng đồng ý nhận tiền gửi bằng ngoại tệ và cho vay bằng ngoại tệ thì có nghĩa là bị đô la hóa.
Ngoại tệ trên thị trường tự do lũng đoạn được là vì nó có thể gửi ở ngân hàng trong tình hình bình thường. Khi cần đầu cơ thì nó được rút ra khỏi ngân hàng, khi không cần đầu cơ thì nó gửi ngân hàng một cách chắc chắn. Lực lượng tín dụng này ngày càng lớn, tới hàng chục tỷ USD và thậm chí quay trở lại thao túng thị trường.
Ông cho rằng năm ngoái mặc dù cung tiền khá là mạnh nhưng dồn vào khu vực công, công trình trọng điểm rất nhiều. Một phần trong đó có thể dùng cho việc đảo nợ từ gói kích thích kinh tế. Năm nay chắc sẽ giảm và chúng ta có cơ hội giảm lãi suất. Chúng ta có thể hình dung thị trường chứng khoán đến lúc đó mới có thể phục hồi, lãi suất mà không giảm thì thị trường chứng khoán sẽ khó phục hồi.
Theo ông Thúy, để gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp, NHNN cần linh hoạt cho phép các ngân hàng nhỏ, thế chấp bằng chính vốn điều lệ, vốn tự có để vay vốn. Hiện mỗi ngân hàng có khoảng vài nghìn tỷ đồng tiền vốn nên việc cho các ngân hàng này vay vài chục tỷ đồng trong một tuần, 10 ngày hay 1 tháng là làm được. Đến hạn ngân hàng không trả được thì số tiền nợ đó chuyển thành phần vốn đầu tư cổ phần của nhà nước vào ngân hàng đó. Như vậy tình hình sẽ ổn ngay.
“Chúng tôi đã đề nghị tăng tỉ lệ dự trữ bắt buộc từ 3% lên 10%. Tất cả các ngân hàng phải gửi vào ngân hàng nhà nước 10% số tiền huy động được. Cùng đó bỏ quy định ngân hàng huy động chỉ cho vay 80% số tiền huy động được. Quy định này sẽ biến các ngân hàng thành hồ tích trữ nhỏ và có thể dùng số vốn đó để hỗ trợ cho những anh thiếu thanh khoản, không để ngân hàng lớn ăn trên lưng ngân hàng nhỏ”, ông Thúy nói.
Ông Nghĩa cho rằng trong bối cảnh lãi suất cao, nguồn vốn thu hẹp, các doanh nghiệp phải điều chỉnh giảm sản lượng ở mức hòa vốn hoặc là có lãi ít để duy trì lao động, duy trì khấu hao, chi phí vật tư thiết bị. Lấy điểm hòa vốn làm trọng tâm để điều chỉnh. Mục tiêu là làm thế nào sống sót trong ngắn hạn và phát triển trong dài hạn.