Mập mờ chi phí và lợi nhuận

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người tiêu dùng mới chỉ vui mừng được ít ngày khi giá xăng dầu trong nước giảm, thì nhiều thông tin cho biết, doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu đang có đề xuất điều chỉnh chi phí định mức cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Người tiêu dùng mới chỉ vui mừng được ít ngày khi giá xăng dầu trong nước giảm, thì nhiều thông tin cho biết, doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu đang có đề xuất điều chỉnh chi phí định mức cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Việc DN đề nghị tăng thêm chi phí định mức không phải là mới nhưng luôn là vấn đề nóng bởi nó ảnh hưởng trực tiếp tới cả người dân và DN.

Chưa bằng lòng với lợi nhuận

Chi phí định mức kinh doanh xăng dầu hiện bao gồm các khoản thù lao hoa hồng đại lý, cước vận chuyển hàng từ cảng về kho, chi phí quản lý vận hành của DN… Tổng chi phí định mức kinh doanh xăng dầu được Bộ Tài chính cho phép là 500 đồng/kg dầu mazut và 860 đồng/lít xăng, (con số này từ 2013 đã được nâng lên thêm 260 đồng so với mức 600 đồng được quy định trước đó). 
Ảnh mang tính chất minh họa.Nguồn: Internet.
Ảnh mang tính chất minh họa.Nguồn: Internet.
 
Đại diện nhiều DN cho biết, con số 860 đồng/lít như quy định hiện hành của Bộ Tài chính đến nay đã không còn phù hợp, các chi phí hao hụt, chi phí quản lý tài chính… vẫn chưa được tính vào cơ cấu giá cơ sở để điều hành giá xăng dầu. Nếu cộng chi ly các khoản phí thì tổng số tiền DN đầu mối phải chi ra cho mỗi lít xăng lớn hơn nhiều, thực tế hiện nay phải từ 1.200 đồng trở lên. Nếu đề xuất này được chấp thuận thì giá cơ sở mỗi lít xăng dầu sẽ phải thêm 400 đồng.  Đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho hay, đã nhận được báo cáo thực tế chi phí kinh doanh định mức của các DN kinh doanh xăng, dầu. Hiện, Cục đang cho rà soát tổng thể trước khi đưa ra mức cụ thể. 

"Liệu chi phí kinh doanh định mức là 860 đồng/lít đối với xăng dầu hiện nay đã đúng? Tại sao DN luôn kêu mức này là không phù hợp, kinh doanh khó khăn, nhưng thực tế DN lại có lợi nhuận như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) chẳng hạn, 6 tháng đầu năm lãi trước thuế 856 tỷ đồng?" - Chuyên gia Ngô Trí Long đặt câu hỏi.

Thiếu công khai minh bạch 

Căn cứ để tính giá cơ sở cho mặt hàng xăng dầu bao gồm 3 hạng mục chính: Giá bình quân thế giới, các loại thuế, chi phí và lợi nhuận định mức của DN. Dù kêu ca giảm lợi nhuận vì chi phí định mức Bộ Tài chính quy định quá thấp, nhưng hiện nay, trên thị trường xăng dầu đang diễn ra một nghịch lý, đó là thù lao hoa hồng cho các đại lý đang bị "phá giá". Cụ thể, trong cơ cấu chi phí định mức 860 đồng/lít, Bộ Tài chính cũng ấn định mức thù lao được phép chi trả cho tổng đại lý, đại lý bán lẻ xăng dầu tối đa là 50%, tức mức cao nhất là 430 đồng/lít xăng. Thế nhưng, mặc dù kêu lỗ, mức phí ấn định mà cơ quan quản lý đưa ra lỗi thời, khiến lợi nhuận bị ảnh hưởng, nhưng DN vẫn "lén lút" chi trả hoa hồng cho đại lý cao hơn. 

Chưa hết, định mức hao hụt tự nhiên về xăng dầu hiện nay do các DN đầu mối tự xây dựng, ban hành và thực hiện, cơ quan Nhà nước không thẩm định nên việc quản lý chi phí này trong giá vốn hàng bán còn mang tính chủ quan. Do đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, đề xuất tăng chi phí định mức sẽ chỉ hợp lý khi DN đã thực hiện tiết kiệm, giảm chi phí và thực hiện đúng quy định trích hoa hồng…

Cách đây vài ngày, giá xăng bán lẻ đã được điều chỉnh giảm 600 đồng/lít. Nhiều ý kiến cho rằng, giá xăng lẽ ra phải giảm sâu hơn. Báo cáo mới nhất của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam - Vinpa tới các cơ quan phòng, chống buôn lậu cho thấy, gần đây hoạt động buôn lậu xăng dầu lại bùng phát ở nhiều vùng biển: Thanh Hóa, Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu và các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Câu trả lời là do giá dầu diesel trong nước đã quá cao so với giá dầu diesel ở các nước xung quanh dẫn đến hành vi nhập lậu ngược trở lại Việt Nam để kiếm lời. Chính Vinpa cũng phải thừa nhận tình trạng buôn lậu xảy ra do "chênh lệch giá quá lớn từ 3.000 - 5.000 đồng/lít (dầu diesel)". Do đó, thay vì làm các kiến nghị khẩn cấp tới cấp này, cấp kia đề nghị  tăng cường lực lượng chống buôn lậu, đề nghị tăng chi phí định mức, Vinpa nên đề nghị các công ty nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu đầu mối trong nước tiếp tục giảm giá dầu diesel và các loại giá xăng dầu khác nếu còn quá chênh với giá xăng dầu trong khu vực.
 
​Cần minh bạch chi phí kinh doanh định mức và lợi nhuận DN gồm các chi phí cố định và chi phí biến đổi để có thể đánh giá sự biến động của các chi phí mà DN phải thực hiện. Khi đưa ra mức cụ thể cần phải khảo sát, đánh giá cơ sở khoa học và thực tiễn, không đưa ra mức theo chủ quan của cơ quan quản lý hoặc theo sự đề nghị của các DN. Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long