Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mất mát lớn của nước Pháp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ánh sáng trên Tháp Effel – biểu tượng của Kinh đô ánh sáng đã tắt và “đêm trắng” thứ hai sau vụ tấn công tại tòa soạn tạp chí châm biếm Charlie Hedbo dài thêm với những hoạt động tưởng niệm các nạn nhân vẫn diễn ra trên khắp nước Pháp và nhiều thành phố khác trên thế giới.

Thế nhưng trong bầu không khí nghẹt thở của nỗi đau, sự bất bình, trong bối cảnh an ninh được thắt chặt cao độ, nỗi sợ hãi vẫn tăng lên khi máu tiếp tục rơi, súng tiếp tục nổ trên đường phố Paris.

 Trong ngày quốc tang đầu tiên để tưởng niệm các nạn nhân vụ tấn công, an ninh đã được thắt chặt trên toàn lãnh thổ nước Pháp nhưng 1 nữ cảnh sát đã thiệt mạng, một nhân viên môi trường đã bị trọng thương sau khi bị một người đàn ông gốc Phi, 52 tuổi tấn công tại phía nam ngoại ô Paris. Trước đó, một vụ nổ tại nhà thờ Hồi giáo ở Villefranche-sur-Saone, miền Đông nước Pháp được xác định là kẻ giấu mặt ném bóng và lựu đạn. Vậy là tâm chấn từ thủ đô Paris đã lan ra ngoại ô và trên khắp nước Pháp với những quan ngại về khả năng sẽ bùng phát các vụ việc tương tự.

Sự ra đi của những người nổi bật

Trong số 12 người bị thiệt mạng, sự ra đi cùng lúc của 8 nhà báo kỳ cựu, những cây biếm họa sắc sảo, những nhà hùng biện tài năng và 2 sĩ quan tận tụy được nhận định là sự mất mát lớn chưa từng có của làng báo, làng truyện tranh và ngành cảnh sát Pháp. Những thành viên ban biên tập của Charlie Hebdo như Jean Cabut, Georges Wolinski, Philippe Honoré… với góc nhìn sắc sảo đã củng cố vị thế của tranh biếm họa với tư cách là một thể loại báo chí độc đáo. Trước khi gia nhập và hợp tác với Charlie Hebdo, nhiều người trong số họ như Cabut và Wolinski đã là những huyền thoại của làng truyện tranh nước Pháp từ những năm 1960 của thế kỷ trước. Với những đóng góp to lớn của mình, năm 2005, nhà báo Wolinski đã được trao huân chương Bắc đẩu bội tinh – giải thưởng danh giá nhất nước Pháp.
Nhân viên cứu hỏa khiêng người bị thương ra khỏi hiện trường vụ nổ súng tại trụ sở tuần báo trào phúng Charlie Hebdo ở Paris, ngày 7/1.
Nhân viên cứu hỏa khiêng người bị thương ra khỏi hiện trường vụ nổ súng tại trụ sở tuần báo trào phúng Charlie Hebdo ở Paris, ngày 7/1.
Sự tiếc thương và khâm phục cũng được dành cho sĩ quan Franck Brinsolaro– người gánh vác trách nhiệm nặng nề bảo vệ Tổng thư ký tòa soạn Stephane Charbonnier. Dù biết nguy hiểm luôn rình rập khi tòa soạn Charlie Hebdo từng bị đánh bom và lượng thư đe dọa trả thù tăng lên mỗi ngày, viên cảnh sát 49 tuổi này vẫn luôn theo sát người cần được bảo vệ Charbonnier. Còn viên cảnh sát 42 tuổi theo đạo Hồi Ahmed Merabet– người đã lập tức tiếp cận hiện trường khi nhận được tin báo cũng đã thiệt mạng bởi phát súng oan nghiệt của hung thủ - một người cũng theo đạo Hồi.

Bất ổn chính trường

Từ tòa thánh Vatican, Giáo hoàng Francis đã nhấn mạnh, dù vụ tấn công tại Paris là hành động khủng bố đơn độc hay có tổ chức thì nó cũng là lời cảnh báo về sự gia tăng của những hành vi tàn ác. Tại Mỹ, thông điệp bằng cả tiếng Anh và tiếng Pháp của Ngoại trưởng John Kerry nhận định, vụ việc tại Pháp nhắc nhở thế giới phải có những hành động phù hợp để bảo toàn và phát huy các giá trị của tự do. Thế nhưng vụ việc kinh hoàng tại Paris một lần nữa khiến người Pháp phải đau đầu bởi nó làm thay đổi quan điểm về cộng đồng người Hồi giáo nhập cư và làm lung lay thước đo giá trị của Tự do, Bình đẳng, Bác ái – những mục tiêu được pháp điển hóa trong tuyên ngôn độc lập của nước Pháp. Những lo ngại về nguy cơ mất an toàn mà cộng động người Hồi giáo có thể gây ra đã nhen lên và phong trào đòi hạn chế người nhập cư được các đảng theo đường lối cực hữu hậu thuẫn có cơ hội bùng phát. Marine Le Pen – nữ ứng viên đầy tham vọng trong cuộc đua vào Điện Elyssé năm 2017 đã tận dụng cơ hội này để chỉ ra rằng, người nhập cư đã gây ra không ít vấn đề kinh tế và xã hội phức tạp cho nước Pháp.

Trên chính trường vốn nhiều bất ổn, nỗ lực truy bắt hung thủ, thắt chặt an ninh của chính phủ lại càng thêm rối bởi các chỉ trích từ những đảng phái đối lập. Sau vụ tấn công làm 12 người thiệt mạng tại Paris năm 1995 của phần tử khủng bố Algeria và vụ ném bom do lực lượng Hezbollah thực hiện năm 1986, lực lượng an ninh, mật vụ Pháp đã thực hiện rất tốt nhiệm vụ của mình khi phá được nhiều âm mưu khủng bố trong thời gian qua. Tuy nhiên, hành động được cho là có kế hoạch chi tiết do các đối tượng từng tham gia tổ chức cực đoan thực hiện giữa ban ngày đã khiến dư luận hoài nghi về mức độ hiệu quả của lực lượng an ninh nước này.

Tổng thống Hollande cũng phải đối mặt với bài toán nan giải để tìm ra cách thức tiếp cận vấn đề nhập cư, nhất là mức độ nhạy cảm của cộng đồng người Hồi giáo. Tất nhiên, phần lớn cộng đồng người Hồi giáo khoảng 6 triệu người đều thể hiện sự bất bình trước vụ tấn công vừa qua và cuộc biểu tình hòa bình được dự định tổ chức vào cuối tuần này là minh chứng cho thấy cộng đồng người Hồi giáo mong muốn được sống bình yên trong lòng nước Pháp.

Vượt qua sợ hãi, tiếp nối di sản

Trong một phút im lặng để tưởng niệm nạn nhân diễn ra tại nhà thờ Đức bà, Paris hay tại các trụ sở, tòa soạn, cơ quan thường trú của những tập đoàn truyền thông, hãng tin lớn nhỏ hôm 8/1, hành động giơ cao cây bút đã được thực hiện như một sự vinh danh lòng quả cảm của những biên tập viên của tạp chí và bày tỏ sự ủng hộ đối với tự do ngôn luận.

Kể từ khi thành lập, tạp chí Charlie Hebdo đã gặp không ít rắc rối với các thế lực chính trị trong và ngoài nước bởi những bức tranh có nội dung châm biếm về những vấn đề nóng của nước Pháp cũng như toàn cầu. Sau khi đăng tải biếm họa về nhà tiên tri Muhammed – đề tài vốn được coi là cấm kỵ của thế giới Hồi giáo, tạp chí Charlie Hebdo không chỉ nhận được nhiều lời đe dọa trả thù mà còn bị đánh bom năm 2011. Với mục tiêu theo đuổi tự do ngôn luận Tổng thư ký tòa soạn Charbonnier trước sức ép công khai hay bí mật từ các thế lực khác nhau luôn khẳng định: “Tôi không sợ bị trả thù.Có thể bạn sẽ nghĩ tôi kiêu ngạo nhưng tôi thà chết đứng còn hơn sống quỳ gối”.

Tiếp nối mục tiêu của Charbonnier, Tổng Biên tập Gerard Biard – người may mắn thoát khỏi cuộc tấn công định mệnh này và những nhân viên khác đang cố gắng vượt qua đau thương để  1 triệu ấn bản 46 – di sản của bộ máy biên tập kỳ cựu kịp ra mắt vào tuần sau. Tất nhiên, nỗi lo sợ bị tấn công, trả thù từ các đối tượng khủng bố vẫn còn đó nên cơ quan an ninh Pháp đã huy động thêm hơn 800 binh lính để bảo vệ các mục tiêu nhạy cảm, trong đó có trụ sở của các hãng truyền thông, các nhà xuất bản. Đặc biệt, an ninh tại tư gia của nhà văn Michel Houllebecq– tác giả cuốn sách nổi tiếng “Hạt cơ bản” đã được nâng lên mức báo động cao nhất. Không ai dám chắc chuyện gì sẽ xảy đến với cha đẻ của cuốn sách bàn về người Hồi giáo ra mắt đúng ngày tòa soạn Charlie Hebdo bị tấn công trong bối cảnh sự bất bình của người Pháp sẽ kích động một số phần tử cực đoan.

Việt Nam chia sẻ nỗi đau với nước Pháp

Trong 2 ngày qua, lãnh đạo nhiều nước trên thế giới, đại diện các tổ chức quốc tế đã gửi điện, ra thông điệp chia buồn với chính phủ và người dân Pháp về vụ tấn công khủng bố tại tòa soạn báo Charlie Hebdo. Ngày 8/1, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã điện chia buồn và thăm hỏi gửi Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng điện chia buồn, thăm hỏi gửi Thủ tướng Pháp Manuel Valls, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng có điện chia buồn gửi Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Laurent Fabius.

Tại cuộc họp báo thường kỳ, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cũng cho biết: “Việt Nam lên án các hoạt động khủng bố dưới mọi hình thức và cho rằng vụ tấn công khủng bố vào tòa soạn báo Charlie Hebdo tại Paris ngày 7/1 là một hành động dã man, không thể chấp nhận được. Việt Nam xin gửi lời chia buồn và cảm thông sâu sắc đến chính phủ, Nhân dân Pháp và gia đình những người bị nạn và tin tưởng rằng những kẻ chủ mưu sẽ sớm bị trừng trị thích đáng”.