Mâu thuẫn chủng tộc: Giấc mơ nào cho nước Mỹ?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nước Mỹ luôn tự hào là miền đất hứa, là nơi để mọi người thuộc mọi màu da, chủng tộc tự do thực hiện Giấc mơ Mỹ (American Dream). Thế nhưng, nạn phân biệt chủng tộc vẫn là một “căn bệnh” trầm kha khiến nhiều người đặt ra câu hỏi: liệu giấc mơ Mỹ về bình đẳng có thành hiện thực?

Nước Mỹ luôn tự hào là miền đất hứa, nơi mà truyền thuyết Giấc mơ Mỹ (American Dream), một niềm tin về sự thành công trong cuộc sống qua sự làm việc siêng năng và tự ý chọn lựa. Năm 1960, nhà hoạt động nhân quyền da màu nổi tiếng Martin Luther King Jr có bài diễn văn nổi tiếng “I have a dream” (Tôi có một giấc mơ) trước hàng nghìn người tại Washington với khát vọng về một xã hội tự do, bình đẳng và bác ái cho mọi người. Thế nhưng 55 năm sau, nạn phân biệt chủng tộc vẫn là một “căn bệnh” trầm kha của nước Mỹ, đặt ra câu hỏi: liệu giấc mơ Mỹ về bình đẳng giữa các chủng tộc có thành hiện thực?

Mâu thuẫn chủng tộc: Giấc mơ nào cho nước Mỹ? - Ảnh 1

Một năm sau vụ thanh niên da màu tại TP Ferguson, bang Missouri, Mỹ, bị một nhân viên cảnh sát bắn chết, các cuộc nổ súng hướng vào những người da màu vẫn liên tục xảy ra, làm gia tăng mâu thuẫn sắc tộc vẫn luôn âm ỉ trong nội tại xã hội Mỹ. Dường như nỗi ám ảnh mang tên phân biệt chủng tộc vẫn còn đeo bám nước Mỹ. Nhiều người đã ví von rằng, về vấn đề kỳ thị chủng tộc, dường như Mỹ vẫn còn bị “mắc kẹt’ ở những năm 70 của thế kỷ trước.

Vết thương chưa lành

Mâu thuẫn sắc tộc và kỳ thị người da màu luôn là vấn đề gây nhiều tranh cãi trong chính trị và xã hội Mỹ. Vấn đề này từng là ngòi nổ cho cuộc nội chiến Hoa Kỳ kéo dài từ năm 1861 - 1865.

Sau khi Abraham Lincoln chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 1860 và ra chủ trương bãi bỏ chế độ nô lệ, mâu thuẫn đã lên đến đỉnh điểm khi 11 tiểu bang ở miền Nam nước Mỹ (ủng hộ chế độ nô lệ) đã tuyên bố ly khai khỏi Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và lập ra Liên minh miền Nam; 25 tiểu bang còn lại ủng hộ Chính phủ Liên bang miền Bắc. Cuộc phân tranh Nam - Bắc kéo dài 4 năm và chấm dứt khi quân miền Nam đầu hàng năm 1865, đánh dấu việc chế độ nô lệ bị đặt ra ngoài vòng pháp luật trên toàn lãnh thổ nước Mỹ.

Đã 150 năm trôi qua kể từ khi cuộc nội chiến kết thúc, nhưng sự kỳ thị, phân biệt chủng tộc vẫn là nguyên nhân gây ra chia rẽ trong xã hội Mỹ. Trong những ngày cuối năm này, nước Mỹ chứng kiến làn sóng biểu tình rộng khắp trong cả nước liên quan tới hàng loạt vụ cảnh sát da trắng bắn chết những nạn nhân da màu mà phần lớn đều không có vũ trang. 

Tháng
8/2014, thanh niên da màu Michael Brown bị cảnh sát bắn chết ở thị trấn Ferguson thuộc bang Missouri, mở đầu cho một chuỗi các hành động bạo lực, biểu tình xảy ra liên tiếp trong một năm sau đó, như cứa sâu thêm vào vết sẹo chưa bao giờ lành trong xã hội Mỹ. Chỉ cùng trong tháng 8/2014, đã có thêm 2 người da màu bị cảnh sát bắn chết. Trong đó, một trong hai người này là thiếu niên da màu T. Rice, mới 12 tuổi, bị cảnh sát bắn chết khi nhầm tưởng thiếu niên này cầm súng thật đe dọa người đi đường tại một trung tâm giải trí ở Cleveland.

Tiếp theo đó, vụ việc 5 cảnh sát vây bắt một người đàn ông da màu ở New York chỉ vì bị tình nghi bán thuốc lá lậu lẻ (1 USD/điếu) và khống chế người này khiến ông tắt thở làm cộng đồng da màu phẫn nộ lên án cảnh sát luôn có tâm lý coi họ là đối tượng chống đối và có cách ứng xử khắt khe hơn đối với người da trắng. Chỉ trong vòng một năm, 461 người Mỹ bị cảnh sát bắn chết theo cách được coi là hợp pháp, trong đó đa số nạn nhân là người Mỹ gốc Phi. Sự kỳ thị chủng tộc cũng đã hằn sâu vào ý thức của một bộ phận lực lượng cảnh sát vốn đa số là người da trắng khi họ luôn có định kiến rằng người da màu đồng nghĩa với “thành phần nguy hiểm”. Tình hình căng thẳng hơn khi trong nhiều trường hợp, những sĩ quan cảnh sát da trắng gây ra cái chết của những người da màu đều được miễn đưa ra xét xử.

Đóng góp nhiều, nhận chẳng bao nhiêu?

Kể từ thời điểm đó cho đến nay, các cuộc biểu tình khắp nước Mỹ vẫn chưa dừng lại. Gần đây nhất, thêm hai thanh niên da màu đã bị thiệt mạng bởi cảnh sát. Giới chuyên gia nhận định những vụ việc trên đây chỉ là một phần trong câu chuyện về nạn phân biệt chủng tộc chưa có hồi kết ở Mỹ.

Mâu thuẫn chủng tộc: Giấc mơ nào cho nước Mỹ? - Ảnh 2

Mặc dù người da màu đã có một số đóng góp nhất định cho xã hội, các quyền bình đẳng của người da màu đã có nhiều cải thiện nhưng vị thế của họ trong xã hội có vẻ vẫn chỉ là nhóm “bên lề” xã hội. Xét về văn hóa, cộng đồng người Mỹ gốc Phi đã có đóng góp to lớn vào việc đem lại các giá trị văn hóa riêng biệt cho văn hóa Mỹ. Âm nhạc Mỹ gốc Phi là một trong những ảnh hưởng văn hoá Mỹ gốc Phi lan toả rộng nhất ở nước Mỹ ngày nay cũng như trong dòng nhạc phổ thông trên khắp thế giới. Hip hop, R&B, Jazz, soul là các loại hình âm nhạc Mỹ đương đại khác đều sản sinh từ cộng đồng da đen. Âm nhạc Mỹ gốc Phi cũng gây ảnh hưởng và nối kết với hầu hết các loại hình nhạc phổ thông trên thế giới. Cũng có rất nhiều các ca sĩ, diễn viên nổi tiếng người Mỹ gốc Phi có sức ảnh hưởng lớn tới thế giới như ông hoàng nhạc Pop Michael Jackson, huyền thoại âm nhạc Diana Ross...

Thế nhưng, đi ngược lại những điều này, người da đen vẫn là một cộng đồng tụt hậu về kinh tế, giáo dục và xã hội nếu so sánh với người da trắng. Dù cho người da màu đã được hưởng nhiều quyền lợi bình đẳng với người da trắng như quyền giáo dục, quyền bầu cử, đặc biệt là kể từ khi Đạo luật dân quyền được cố Tổng thống John F Kenedy ban hành, cộng đồng da màu đã có nhiều cơ hội phát triển nhưng cuộc sống của người da màu tại Mỹ vẫn khá chật vật.

Tại nước Mỹ, người da đen chỉ có được những công việc ở mức trung bình như các công việc dọn dẹp, phục vụ tại các khách sạn, quán bar. Số lượng người da đen làm trong các văn phòng hay công ty lớn, dù có, vẫn chỉ là số ít. Đa phần người da màu thường khó xin việc và nếu có thì họ cũng chỉ được trả mức lương thường thấp hơn so với người da trắng. Dù chiếm 37% lực lượng lao động Mỹ, hơn 2/3 trong cộng đồng người Mỹ gốc Phi vẫn chỉ có thể kiếm được những việc làm giản đơn và lương của họ cũng thường thấp hơn so với người da trắng. Hệ lụy là thu nhập của nhóm này thấp hơn rất nhiều so với tiềm năng, dẫn đến các nhu cầu cơ bản về giáo dục, nhà ở cũng vấp phải nhiều khó khăn. Các vấn đề nan giải trong chính trị, kinh tế, xã hội đối với người Mỹ gốc Phi là việc khó tiếp cận các chương trình chăm sóc sức khoẻ, giáo dục, cảnh sát, tư pháp. Bên cạnh đó là các vấn nạn về nghèo khổ và bị lạm dụng. Năm 2004, có 24,7% gia đình người Mỹ gốc Phi được xem là sống dưới mức nghèo.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần