Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mâu thuẫn giữa các quy định

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Bộ trưởng Bộ VHTT&DL vừa ký ban hành Thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định 79/2012/NĐ-CP về biểu diễn, trình diễn thời trang, thi người đẹp và người mẫu. Từ 15/3, Thông tư có hiệu lực, song Thông tư đã thể hiện nhiều quan điểm mâu thuẫn với Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm trong lĩnh vực VHTT&DL vừa được đưa ra lấy ý kiến.

Chế tài xử lý "vênh" nhau

Một trong những điểm được làm rõ của Thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định 79 là trách nhiệm của Hội đồng nghệ thuật do Cục Nghệ thuật biểu diễn hoặc Sở VHTT&DL các tỉnh, thành thành lập.

Theo quy định mới, Hội đồng nghệ thuật không chỉ thẩm định, tư vấn về nội dung, hình thức cũng như chất lượng chương trình, mà còn có trách nhiệm nhận định, đánh giá kết luận về hành vi thiếu văn hóa, trang phục, hóa trang không phù hợp với thuần phong mỹ tục.

Biên bản kết luận của Hội đồng nghệ thuật là một trong những căn cứ cho phép biểu diễn hoặc xử lý sai phạm.Công chúng đang khấp khởi mừng trước quyết tâm chấn chỉnh những vi phạm trong biểu diễn nghệ thuật bằng Dự thảo Nghị định xử phạt mang đầy tính răn đe.
 
 
Mâu thuẫn giữa các quy định - Ảnh 1
 
Diễn xuất và trang phục phản cảm của nghệ sĩ trên sân khấu cần phải bị xử phạt nặng.
 

Theo Dự thảo Nghị định, nếu biểu diễn, tổ chức biểu diễn có nội dung truyền bá tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục Việt Nam, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự nhân phẩm của cá nhân; hay người biểu diễn, tổ chức biểu diễn tác phẩm có nội dung khiêu dâm, kích động bạo lực, biểu diễn tác phẩm bị cấm... sẽ bị phạt từ 20 - 50 triệu đồng.

Những người vi phạm các quy định này còn bị cấm diễn từ 6 tháng đến 2 năm. Tuy nhiên, trong quy định mới của Thông tư hướng dẫn Nghị định 79 lại chỉ quy định "biên bản kết luận của Hội đồng nghệ thuật là một trong những căn cứ cho phép biểu diễn hoặc xử lý sai phạm".

Như vậy, ngành văn hóa đang tự bó mình vào thế khó khi xử lý sai phạm.Theo ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL TP Hồ Chí Minh: "Hội đồng nghệ thuật chỉ mang tính chất tư vấn, còn xử phạt như thế nào là trách nhiệm của Thanh tra.

Trong khi đó, đến tận bây giờ vẫn chưa có tiêu chí cụ thể để đưa ra quy chế hoạt động của Hội đồng nghệ thuật. Mỗi Sở đưa ra một tiêu chí khác nhau. Bộ VHTT&DL hay Cục NTBD phải có hướng dẫn các Sở chứ không thể để mỗi nơi mỗi phách như hiện nay được". Đó là chưa kể, hầu hết vi phạm trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn thời gian gần đây đều do công chúng và truyền thông phát hiện, chứ không phải Thanh tra văn hóa. Nghĩa là, trách nhiệm xử phạt mới chỉ giao cho Thanh tra còn khó hoàn thành, nay để xử phạt còn phải thêm ý kiến của Hội đồng nghệ thuật, thì việc xử phạt lại càng rườm rà.

 Vẫn còn tranh cãi

Theo quy định của Nghị định 79, trong thời hạn 2 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Sở VHTT&DL có trách nhiệm trả lời bằng văn bản đồng ý hay không đồng ý việc tổ chức chương trình biểu diễn. Còn theo quy định mới, thời hạn trả lời được nâng lên thành 4 ngày.

Tuy nhiên, theo NSND Mai Tư, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Thanh Hóa: "Một Phó Giám đốc Sở không phải chỉ ăn lương và ngồi cấp phép. Một hồ sơ ít nhất phải qua 3 cán bộ xem xét mới đến Phó Giám đốc Sở phê duyệt.

Chính vì vậy, thời hạn cho việc trả lời hồ sơ ít nhất cần một tuần". Đó là chưa kể, Sở VHTT&DL ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vẫn chưa đồng thuận, về quy định không cần giấy tiếp nhận biểu diễn của một chương trình khi đến địa phương biểu diễn.

Ông Nguyễn Trực, Trưởng phòng Quản lý nghệ thuật, Sở VHTT&DL Hà Nội bày tỏ: "Rất nhiều chương trình do các tỉnh, thành cấp phép, khi tiếp nhận chúng tôi đã phải yêu cầu sửa đổi nhiều nội dung chương trình để phù hợp với sự tiếp nhận biểu diễn của khán giả Thủ đô".

Như vậy, một Nghị định và một Thông tư hướng dẫn có tầm bao quát nhất đối với ngành văn hóa đã được ban hành, nhưng vẫn đang còn nhiều mâu thuẫn, khiến người thực hiện lúng túng và việc chấn chỉnh sai phạm gặp khó.