KTĐT - Xưa nay, BTV Đan Lê vẫn có tiếng là kín kẽ. Nhiều người nghĩ Lê là người của công chúng thì “đáng ra” phải biết PR, lăng xê bản thân, và cởi mở với truyền thông, xuất hiện trên báo nhiều hơn...
- Trước đây, thấy Đan Lê từng tham gia trong một nhóm nhạc, có vẻ thiên về nghệ thuật – giải trí, nhưng rồi Lê xuất hiện ở công việc truyền hình, có sự rẽ sang ngang ở đây chăng?
- Tôi nghiệm ra có khá nhiều điều trong cuộc sống mà mình rơi vào thế thụ động, chuyện ca hát là một trong số đó. Từ nhỏ tôi vốn nhút nhát và thiếu hoạt bát, các thầy cô giáo trong trường đã hướng tôi tham gia vào hoạt động đoàn thể. Dần dần tình yêu nghệ thuật trong tôi lớn lên cùng với khả năng văn nghệ bộc lộ rõ nét hơn. Tôi được nhà trường cử đi hết cuộc thi này đến liên hoan khác và âm nhạc cứ cuốn tôi đi một cách tự nhiên cho đến khi có những người tưởng nhầm tôi là ca sỹ. (Cười)
Khi vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền, lúc đầu tôi đăng ký học chuyên ngành báo viết chỉ với một suy nghĩ đơn giản “ra trường dễ xin việc hơn”. Ngày đầu tiên vào lớp chuyên ngành báo viết, thầy giáo chủ nhiệm liền gọi lại hỏi sao không sang lớp truyền hình. Khi nghe tôi trình bày, thầy bảo: “Thôi được rồi thầy sẽ gọi điện về nhà cho phụ huynh em nói chuyện, còn bây giờ em sang lớp truyền hình ngồi ngay!”. Đến bây giờ tôi cảm thấy lựa chọn truyền hình là đúng đắn và luôn nhớ ơn lời khuyên của thầy.
- “Hình như” chính mẹ Lê cũng là người có lời khuyên đầy tinh tế, nhạy cảm dành cho Lê: “Khi nào hát hay được như Thanh Lam thì con hãy nghĩ đến việc theo nghề ca hát”?
- Những gì tôi có được ngày hôm nay, phần lớn là nhờ sự dìu dắt, định hướng của mẹ. Ngày xưa có lúc (có lúc thôi) tôi thích đi hát vì thấy vui, nên muốn thi vào trường nhạc, nhưng mẹ đã đưa ra những lời khuyên, những phân tích mà tôi thấy chính đáng. Bây giờ tôi có được một nghề nghiệp phù hợp với khả năng, khiến tôi đam mê và tôi cũng đã đạt được niềm vui thích song song là ca hát, đóng phim.
- Mẹ Lê – một người phụ nữ có nhan sắc, đã một mình lặn lội thân cò nuôi chị em Lê suốt mấy chục năm qua, tôi nghĩ, cũng là một người thầy rất quan trọng!
- Cũng một phần. Gia đình thiếu vắng hình bóng của người đàn ông từ lúc tôi mới 10 tuổi. Chính vì thế mà nét tính cách của tôi mạnh mẽ, cứng rắn, mang hơi hướng tính cách của người con trai. Có những thứ mà mình cần và buộc phải mạnh mẽ vì hoàn cảnh như thế. Như chuyện đơn giản nhất là mẹ tôi rất sợ điện, vì thế khi học nghề trong trường phổ thông, lúc các bạn nữ đồng trang lứa học đan lát, thêu thùa, làm hoa giấy... thì tôi đi học điện. Tôi cũng chẳng thích thú gì nhưng học nghề điện thì tôi có thể sửa cầu chì, nối dây điện, sửa được các thứ lặt vặt trong nhà mà không phải nhờ đến hàng xóm.
- Lê đã giúp được mẹ tốt việc đó chứ?
- Dĩ nhiên. Và kể cả bây giờ, nếu cần tôi vẫn làm những việc đó rất bình thường.
- Nghe nói, mẹ Lê vẫn một mình sau từng ấy thời gian, Lê chắc hẳn cũng mong mẹ có một bờ vai dựa vào, san sẻ cuộc sống bớt hiu quạnh, rồi em gái Lê cũng trưởng thành, lấy chồng...?
- Chị em chúng tôi luôn mong mẹ tìm được người đàn ông mà mẹ cảm thấy vui khi ở bên cạnh, để mẹ có được sự bù đắp, yêu thương. Ông trời sinh ra cái gì cũng phải có đôi có cặp, phụ nữ phải có đàn ông thì mới xây nên tổ ấm. Có thể duyên số chưa tới hoặc thời gian, tâm sức mẹ đã dành hết cho hai đứa con nên giờ này vẫn lẻ bóng.
- Hỏi thật, Lê có bao giờ thấy mình thua thiệt khi thiếu thốn những điều – tưởng – như – bình – thường ấy?
- Tôi không lạc quan nhưng luôn cố gắng nhìn nhận mọi thứ theo chiều tích cực. Có thể tôi thiệt thòi – chiếu theo góc nhìn nào đó, nhưng cũng vì sự thiếu thốn đó mà tôi cứng cỏi hơn, tự lập hơn, biết chủ động hơn trong cuộc sống. Tôi luôn tìm ra những điểm “được” hoặc cố gắng tìm đến với những điểm “được” trước mọi tình huống.
- Chính thái độ sống mạnh mẽ, cứng cỏi cũng đã giúp Lê bình tĩnh giải quyết những scandal trên trời rơi xuống rất “cừ”!
- Tôi cũng chẳng phải làm gì nhiều, bản chất vấn đề như thế nào thì tôi trả lại nó như thế ấy. Con đường của tôi không trải đầy hoa hồng, hoàn toàn thuận lợi như một số người vẫn hình dung đâu. Tôi có những vấp váp, tôi gặp những thất bại, và cũng nếm đủ ghập ghềnh. Ngày hôm nay tôi chưa có gì nhiều, chỉ dám nói là đã tạm trưởng thành và chính những biến cố trong cuộc sống đã khiến tôi lớn dần lên.
Truyền hình là ưu tiên số một
- Dấu ấn về hình ảnh cô gái dự báo thời tiết vẫn sâu đậm, Lê nhỉ?
- Tôi rất vui vì cho đến thời điểm này vẫn được nhiều người trìu mến gọi là “cô gái dự báo thời tiết” dù tôi không làm chương trình này đã gần 2 năm nay rồi. Việc làm người dẫn dự báo thời tiết đã đưa tôi đến gần với khán giả hơn, được nhiều người biết đến hơn và góp phần tạo thuận lợi cho công việc sau này. Chúng tôi may mắn khi là những người “đầu tiên” và chúng tôi được nhớ đến vì đã biết nắm giữ cơ hội đó.
- Hình ảnh Đan Lê dẫn chương trình trong bão lũ, đứng giữa đường phố, mặc áo mưa, xung quanh là gió là mưa, là cây cối đổ sập, là bóng người tất tả chạy... Đan Lê cất lên lời dẫn kiên quyết và dõng dạc. Có bài báo đã từng ví Lê với hình ảnh “hoa trong bão”, Lê có nghĩ mình là cô gái dũng cảm?
- Đơn giản vì tôi nghĩ truyền hình là nghề nghiệp của tôi – nghề nghiệp thì phải dấn thân, cống hiến, biết hy sinh và cố gắng làm cho tốt.
- Dấn thân trong công việc có khi nào là suy nghĩ đơn thuần quá không khi mà ở xã hội hiện đại, người ta đưa lên bàn cân để đong đếm bất cứ vấn đề gì…
- Lúc nào mà cũng cân nhắc thiệt hơn thì khó làm việc lắm. Giống như khi đọc một cuốn sách, có thể bạn chưa sử dụng kiến thức đó ngay nhưng nó vẫn ở trong đầu mình, rồi sẽ có lúc cần đến. Làm việc cũng thế, cứ làm đi, mỗi lần sẽ có thêm bài học, thêm kinh nghiệm, khiến mình trưởng thành hơn, chững chạc hơn... như thế chắc chẳng thiệt đâu.
- Từng được nhận bằng khen của Đài THVN nhưng rồi Lê sang VTC làm việc, chuyện thuyên chuyển cơ quan là điều rất bình thường với những người trẻ, nhưng với Lê, lại bị phủ bao nhiêu đồn thổi…
- Chẳng cứ người trẻ hay người già, khi cần người ta vẫn phải chuyển nơi công tác để công việc được thuận lợi hơn. Tôi cũng vậy, tôi đến VTC với mong muốn được làm những việc phù hợp hơn và có nhiều cơ hội để phát triển trong tương lai.
- Và Lê vẫn chịu cái bóng quá lớn về thương hiệu “cô nàng dự báo thời tiết” đến mức năm ngoái có một tác giả bài báo đã cho rằng Lê “lặn mất tăm” trong khi Lê đang dẫn, làm chương trình ở VTC?
- Tôi không bận lòng tới những điều đó, công việc của tôi đã chiếm quá nhiều thời gian rồi. Tôi có những mối lưu tâm để dành sức lực hơn là việc cứ chăm chăm xem người ta có nhớ mình không, có biết mình không, hay mình có nổi tiếng không? Danh tiếng hời hợt thì chỉ như cái bong bóng xà phòng, rồi sẽ tan vèo trong không khí mà chẳng ai biết cũng chẳng ai hay. Việc tôi, tôi cứ làm thôi, khua chiêng gõ mõ làm gì cho thêm mệt.
- Tôi thấy Lê rất gắn bó với thời tiết, thức dậy từ 4h sáng để đến trường quay tập trung đi làm thời sự bão lũ, viết về những cơn bão trên blog cá nhân, bạn cũng từng ví bão qua rồi mới thấy được nỗi đau… nhưng sang VTC làm công việc tương đối khác biệt, bạn có hụt hẫng không?
- Thời gian đầu thì tôi nhớ, gần một năm sau cảm giác chơi vơi khi bão về mới qua đi. Công việc mới cuốn tôi vào guồng quay rất nhanh, cho tôi cơ hội đến nhiều vùng miền, được tìm hiểu, được trải nghiệm để làm giàu vốn văn hoá của mình hơn.
- Bây giờ Lê tổ chức sản xuất chương trình “Nước non ngàn dặm” kiêm MC, một người trẻ làm sản xuất một chương trình du lịch – chắc hẳn không chỉ giới thiệu cảnh đẹp, còn nói được lịch sử - văn hóa – con người nơi ấy nữa, điều gì là khó khăn với bạn?
- Tuổi trẻ chính là thuận lợi và cũng là hạn chế của tôi. Tuổi trẻ đầy khát khao, nhiệt huyết, luôn muốn cống hiến và khẳng định mình, nhưng kinh nghiệm và vốn sống lại có mặt hạn chế. Và đã làm nghề thì cố gắng phát huy được càng nhiều ưu điểm, hạn chế được càng nhiều nhược điểm thì càng tốt.
- Thế còn sức khỏe…
- Tôi nghĩ mình có thừa sức khỏe và nghị lực để làm công việc đó.
-Chồng Lê có “lăn tăn” gì không nhỉ?
- Đó là một trong những phiền toái. Hoạt động của giới giải trí là những hoạt động bề nổi, và người ta thì dễ bị thu hút và ấn tượng bởi những thông tin bề nổi dạng này. Tôi đã từng và vẫn sẽ tham gia vào các sự kiện mang tính giải trí (dù với những vai trò khác nhau) nên không thể tránh khỏi việc bị nhầm lẫn được.
Kết hôn là duyên số
- Một người bạn của tôi đã nói rằng, mặc dù không quen biết Lê nhưng khi biết tin Lê lấy một người làm truyền hình, đã rất ngưỡng mộ! Anh ấy cho rằng một cô gái đẹp, nổi tiếng, thì cô ấy “cứ phải” có bóng đại gia kia?
- Có người muốn được “che phủ” bởi của cải là vật chất, tiền bạc. Tôi có nhu cầu được trao đổi những câu chuyện trong đời sống, có nhu cầu nể phục người chồng của mình bởi sự hiểu biết, nên thứ “của cải” mà tôi cần là tri thức, sự trải nghiệm và một tâm hồn đồng điệu. Kết hôn là duyên số. Tôi đã may mắn khi gặp được đúng người mà tôi mong muốn, người bạn đời và cũng là đồng nghiệp.
- Có vẻ Lê đang rất mãn nguyện với cuộc hôn nhân của mình?
- Cuộc đời chẳng ai nói hay được. Ngày hôm nay tôi đang có hạnh phúc trong tay và chúng tôi sẽ cố gắng nắm giữ nó. Nhưng nếu ngày mai, ông trời không cho tôi được như thế nữa thì ngày mai cứ đến đi rồi hẵng tính.
- Đúng rồi, có lần thấy 2 giờ sáng Lê vẫn “online” và kể rằng chồng cũng đang kè kè 1 laptop bên cạnh!