KTĐT - "Bà chỉ mong một điều duy nhất đó là “mong gia đình ông Ba, cơ quan pháp luật xem xét, tha chết cho Nghĩa. Tha chết cho nó để tôi được sống, để con gái tôi sống mà nuôi con nhỏ", Mẹ Nghĩa nói trong nước mắt.
Bà Chuân nặng nề lê từng bước chân đến trước di ảnh của chồng. Ngọn đèn leo lét trước di ảnh người chồng mới mất không giúp xua đi cảm giác lạnh lẽo trong ngôi nhà nhỏ.
Hoang lạnh căn nhà
Hai ngày trước phiên tòa xét xử phiên phúc thẩm đối với bị cáo Nguyễn Đức Nghĩa trong vụ “xác chết không đầu”, chúng tôi tìm về nhà bà Phạm Thị Chuân, mẹ đẻ của Nghĩa. Gần 2 tuần sau cái chết đột ngột của ông Nguyễn Đức Hùng, căn nhà số 112 ngõ Điện Nước, Trường Chinh, Kiến An (Hải Phòng) vốn đã im ắng từ khi Nghĩa vào tù nay càng thêm quạnh quẽ, lạnh ngắt.
Cánh cổng khép hờ, cửa nhà đóng kín mít, có cái gì đó rất u ám và lạnh lẽo. Bà Chuân tập tễnh lê từng bước ra mở cửa. Gian nhà ngoài vốn là phòng khách với chiếc tủ, bộ bàn ghế giản dị nay được thay bằng bàn thờ ông Hùng.
Thật đau lòng vì lần gần đây nhất, khi chúng tôi về đây, ông Hùng còn cứng rắn, vững vàng trước sóng gió gia đình thì lần này, khi trở lại, chỉ còn lại di ảnh của ông sau khói nhang nghi ngút. Thắp nén nhang, cầu mong linh hồn ông mau siêu thoát, chúng tôi đã phải rất cố gắng cầm lòng khi nói chuyện với bà Chuân.
Sau ngần ấy biến cố và tai họa, bà Chuân gần như suy kiệt. Cuộc trò chuyện của chúng tôi liên tục bị ngắt quãng bởi những tiếng khóc nấc nghẹn của người đàn bà đang gánh trên mình nỗi đau mất chồng và nỗi ám ảnh trước án tử của người con trai duy nhất trong nhà…
Bà Chuân nghẹn ngào vì không được nhìn chồng lần cuối, không được đưa chồng đi vì những vết thương trên người sau tai nạn giao thông. Giờ vết thương trên đầu bà đã được tháo chỉ, nhưng vết thương ở đầu gối chân phải vẫn chưa lành khiến việc đi lại rất khó khăn.
"Nỗi đau thể xác mà tôi đang gánh trên mình đây, giá như đau đớn hơn gấp trăm lần mà giúp tôi thấy lại hình bóng anh Hùng, lại được thêm một lần được ôm Nghĩa trong lòng, tôi cũng xin đành. Quá khứ đã không ngừng ám ảnh, nhưng tôi sợ nghĩ về tương lai. Hai người đàn ông trong gia đình cứ lần lượt mà rời xa tôi...", bà Chuân khẽ lau vội những giọt nước mắt lăn dài.
Bà Chuân giờ đây không thể ngồi ngay ngắn để nói chuyện (Ảnh: NP) |
“Từ trước tới nay, tôi chẳng phải lo lắng chuyện gì lớn lao, chỉ đi làm về rồi cơm nước cho chồng con. Có chuyện gì thì đã có anh Hùng lo lắng, gánh vác. Vậy mà, chỉ vì lo lắng, suy nghĩ chuyện của con mà ông ấy ra đi. Giờ tôi chẳng còn phương hướng nào cả, chẳng biết dựa vào đâu. Trong đầu như người mất trí…”, bà Chuân đang nói bỗng khóc òa gọi ông Hùng.
Bà cho biết, cô con gái của bà đã ở bên bà cả tuần, mẹ con động viên nhau. Bà Chuân “sẽ chẳng thể sống nổi nếu giờ Nghĩa bị bắn, tôi cũng chẳng thể sống nổi, tôi cũng đi theo ông ấy, vậy thì gia đình tan nát chẳng còn gì. Khi ấy chắc con gái tôi cũng chẳng sống nổi nữa…”.
Cầu nguyện cho con được tha chết
Tuần vừa rồi bà cũng lên thăm Nghĩa nhưng cán bộ trại giam không cho. “Có lẽ họ nói khéo, bảo là hôm nay đông người thăm rồi, gia đình nhà Nghĩa hoãn lại. Chắc vì họ sợ Nghĩa biết tin bố nó mất thì nó làm liều”.
Giờ đây, bà Chuân từng phút giây phải chịu đau đớn, cố bấu vào hi vọng mong manh rằng con mình sẽ được giảm án, tha tội chết. Sau cái chết của chồng mình, bà đã viết thư xin tòa xem xét giảm án cho con. Lá thư của bà đã tạo được không ít sự cảm thông, chia sẻ của dư luận xã hội. Nhưng cũng không ít tranh luận và cho rằng cái chết của ông Hùng không liên quan tới việc xét xử Nghĩa.
Bà Chuân cũng biết điều đó, “tôi biết, rằng việc nào đi việc đó. Nhưng ông ấy cũng chỉ vì lo nghĩ chuyện của nó mà chết. Mọi người hãy tha thứ cho nó để cứu lấy tôi”, bà Chuân òa khóc.
Ngày mai, tòa sẽ mở phiên phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo của Nghĩa, bà Chuân sẽ phải cố gắng lên Hà Nội tham dự phiên tòa, bà không thể đi một mình, mọi người trong gia đình bà sẽ đưa bà đi. “Cố gắng lên với nó, để nó thấy còn có người nhà ở bên, tránh cho nó nghĩ quẩn. Không biết đến lúc lên đó rồi có giữ nổi tin này nữa không. Nghĩa mà biết thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra nữa”.
Bà chỉ mong một điều duy nhất đó là “mong gia đình ông Ba, cơ quan pháp luật xem xét, tha chết cho Nghĩa. Tha chết cho nó để tôi được sống, để con gái tôi sống mà nuôi con nhỏ. Và tôi mong rằng xã hội hãy tha cho Nghĩa! Tôi biết, tội ác của nó là đã rõ ràng. Nhưng hãy tha cho nó con đường sống để tôi còn mục đích để sống”.
Chúng tôi động viên, an ủi bà Chuân, rồi nghiêng mình bên di ảnh ông Hùng ra về. Bấy giờ cũng là lúc xế chiều, nhìn những người hàng xóm của bà Chuân đang vui vầy bên những đứa trẻ, lại nhìn khuôn viên nhà bà Chuân mà thấy chạnh lòng.