Để làm rõ vấn đề này, phóng viên đã về địa phương tìm hiểu sự việc.
Chủ trương đúng…
Qua tìm hiểu, năm 2002, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) có chủ trương quy hoạch những vùng đất nông nghiệp kém hiệu quả để xây dựng khu trồng cây ăn quả năng suất cao. Theo đó, UBND huyện Quốc Oai đã chấp thuận cho UBND xã Đại Thành quy hoạch hàng chục héc ta đất tại xứ đồng vùng trũng để trồng nhãn, trong đó có hơn một héc ta tại xứ đồng Sau Gia, thôn Độ Chàng. Tại thời điểm này, nhiều hộ bỏ tiền ra mua, đổi để dồn ruộng về xứ đồng Sau Gia thành thửa lớn rồi đổ đất, nâng nền trồng nhãn, bưởi. Đến nay, nhiều cây nhãn gốc có đường kính 20cm và đã cho thu hoạch được 4 vụ. Bên cạnh đó, nhiều hộ đã xây tường bao xung quanh và nhà tạm để ở nhằm bảo vệ nhãn và tài sản.
Thực hiện Kế hoạch số 78/KH-UBND, ngày 28/8/2012 của UBND huyện Quốc Oai về công tác DĐĐT đất nông nghiệp, ngày 15/6/2013, UBND xã Đại Thành trình phương án DĐĐT 73,5ha đất nông nghiệp trồng cây lâu năm và cây ngắn ngày của 913 hộ ở 3 thôn: Đại Tảo, Tình Lam, Độ Chàng. Nội dung phương án nêu rõ: Đối với những xứ đồng đang trồng nhãn, sau khi có kết quả bốc thăm, các hộ phải thỏa thuận với nhau về kinh phí san lấp mặt bằng cũng như giá trị cây nhãn đã trồng. Trường hợp không thỏa thuận được sẽ vận dụng khung giá bồi thường, hỗ trợ theo quy định. Đối với những hộ đang nhận khoán đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, đất ao xen kẹt và ở gần khu dân cư nếu có nhu cầu được giao đất khẩu của gia đình về vị trí đang nhận khoán thì có đơn gửi Ban chỉ đạo DĐĐT để xem xét. Còn đối với các hộ chuyển nhượng đất chưa đúng quy định vẫn được thực hiện, nhưng sau khi DĐĐT phải hoàn thiện thủ tục theo quy định.
Sau khi phương án được UBND huyện chấp thuận, UBND xã tiến hành các bước họp dân cùng các tiểu ban DĐĐT của 3 thôn thống nhất kế hoạch thực hiện và đã được người dân nhất trí cao. Đến nay, thôn Tình Lam và Đại Tảo đã hoàn thành DĐĐT được hơn 56ha. Riêng thôn Độ Chàng với 17ha đang vướng mắc hơn một héc ta của 20 hộ dân tại xứ đồng Sau Gia với lý do người dân chưa thỏa thuận được việc hoán đổi vị trí cũng như xác định giá trị tài sản trên đất.
Tìm cách làm hợp lý
Ông Nguyễn Quốc Chính, thôn Độ Chàng cho rằng: “Chủ trương DĐĐT là đúng và phù hợp với nguyện vọng của người dân. Tuy nhiên, hiện nhà tôi có gần 2.000m2 đất nông nghiệp trồng 100 cây nhãn đã cho thu hoạch. Nếu phải dồn, đổi ruộng mà gia đình tôi đào cây chuyển sang vị trí khác thì cây sẽ không ra quả trong nhiều năm tới. Như vậy, thiệt thòi cho gia đình tôi cùng hàng chục hộ dân khác”.
Chủ tịch UBND xã Đại Thành Nguyễn Huy Anh cho hay, đã có 10 cuộc họp dân và tiểu ban DĐĐT thôn Độ Chàng, nhưng do người dân không đồng thuận và yêu cầu phải chia lại ruộng nên đến nay vẫn chưa thống nhất được hướng giải quyết. UBND xã đã tạm dừng thực hiện DĐĐT của 20 hộ có đất nông nghiệp tại xứ đồng Sau Gia để tìm giải pháp tháo gỡ. “Sau hơn một năm thực hiện, đến nay địa phương đã dồn được hơn 70ha, chủ yếu là đất trồng nhãn. Còn hơn một héc ta đất trồng nhãn, đất xâm canh tại xứ đồng Sau Gia sẽ được thực hiện dồn, muộn nhất vào đầu năm 2015 và với quan điểm linh hoạt, mềm dẻo để các hộ còn lại cùng đồng thuận, nhất trí mới thực hiện” - ông Anh khẳng định.
Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Dương Tôn Kiên, UBND huyện đã nắm bắt được những khúc mắc giữa một số hộ dân với Ban chỉ đạo và Tiểu ban DĐĐT đất nông nghiệp thôn Độ Chàng. Do vậy, ngày 28/10, Phòng Kinh tế huyện đã có Văn bản số 138/KT yêu cầu các xã, trong đó có xã Đại Thành tập trung tuyên truyền, vận động người dân cùng bàn, thống nhất thực hiện DĐĐT. UBND huyện sẽ tiếp tục yêu cầu Ban chỉ đạo DĐĐT xã Đại Thành làm hết trách nhiệm nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho những hộ còn lại để công tác DĐĐT đạt được kết quả cao.
Báo Kinh tế & Đô thị sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.
Nhiều cây nhãn 10 năm tuổi ở xứ đồng Sau Gia có nguy cơ phải di chuyển đi nơi khác.
|