Việc chế biến thịt ngay khi mua về là điều rất cần thiết. Tuy nhiên, nếu chưa cần nấu nướng ngay, bạn phải biết cách bảo quản thịt. Thịt là môi trường lý tưởng để vi khuẩn sinh sôi và phát triển, vì thế thịt rất nhanh hỏng. Do đó, việc chế biến thịt ngay khi mua về là điều rất cần thiết. Tuy nhiên, nếu chưa cần nấu nướng ngay, bạn phải biết cách bảo quản thịt. Việc bảo quản đúng cách sẽ giúp giữ được độ tươi ngon, hương vị và chất dinh dưỡng của thịt. Sau đây là một vài bí quyết giúp bạn bảo quản thịt. 1. Bao bọc thịt thật kỹ Dù muốn cho thịt vào ngăn mát hay ngăn đông trong tủ lạnh, bạn cũng cần phải bao bọc thịt kỹ để giữ được độ tươi ngon và bảo vệ thịt không bị lây nhiễm vi khuẩn gây bệnh. Màng nhựa bọc thực phẩm hoặc giấy bạc vẫn thường được sử dụng để bọc kín các loại thịt. Tuy nhiên, nếu cho thịt vào ngăn đông, bạn cần bọc thịt thật nhiều lớp để ngăn cho chúng không bị đông cứng quá mức, mất nước và thay đổi màu sắc, mùi vị. Khi bao bọc thịt, cần chú ý bọc thật chặt, tránh không cho không khí lọt vào bên trong để miếng thịt không có nhiều lớp đá bám vào. 2. Chú ý điều chỉnh nhiệt độ Khi để thịt trong ngăn mát, cần giữ cho nhiệt độ của tủ lạnh ở mức khoảng 2 độ C. Đối với ngăn đông, nhiệt độ phải xấp xỉ ở mức -25 độ C. Phải luôn nhớ kiểm tra nhiệt độ thường xuyên để đảm bảo thịt luôn tươi.
3. Biết rõ thời gian bảo quản Thông thường, những phần thịt được giữ lạnh chỉ có thể dùng trong vòng từ 1 đến 4 ngày. Ví dụ thịt xay chỉ có thể giữ lạnh trong vòng hai ngày trong khi thịt bò nạc có thời hạn sử dụng trong vòng bốn ngày nếu được bảo quản ở ngăn mát. Ngược lại, thịt đông lạnh có thể dùng được trong vài tháng. Ví dụ, thịt xay đông lạnh để được trong vòng sáu tháng, thịt gia cầm như gà, vịt… có thể bảo quản trong ngăn đông khoảng bốn tháng. Trong khi đó, những sản phẩm thịt đã được chế biến thông thường sẽ được dự trữ trong vòng một tháng. 4. Ghi nhãn cho những phần thịt được bảo quản Việc ghi rõ ngày dự trữ lên nhãn và dán bên ngoài những phần thịt được bảo quản là cách tốt nhất để đảm bảo rằng bạn không để thịt quá lâu. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những phần thịt được giữ đông lạnh trong thời gian dài. Tuy nhiên, cũng phải lưu ý sao cho lớp nhãn sẽ không bị mờ hoặc bong tróc trong điều kiện ẩm ướt của tủ lạnh và chúng phải được dán ở phần dễ thấy nhất của gói thịt. 5. Dự trữ thịt đã được nấu chín đúng cách Nên cho những phần thịt đã được nấu chín vào các hộp đựng nhỏ và đậy kín nắp hoặc dùng màng bọc thực phẩm bao kín hộp đựng. Không đặt những hộp đựng thịt chín gần với những phần thịt sống để ngăn ngừa sự lây nhiễm vi khuẩn. Hãy đông lạnh những phần thịt đã nấu chín nếu bạn muốn bảo quản chúng trong thời gian dài hơn. 6. Tránh nhồi nhét quá nhiều thứ vào ngăn mát hoặc ngăn đông Sự lưu thông không khí đúng cách là yêu cầu quan trọng để giữ được độ tươi ngon và hương vị của thịt. Đây chính là lý do giải thích tại sao bạn cần giữ cho tủ lạnh có đủ không gian cần thiết, tránh nhồi nhét quá đầy. Nếu tủ lạnh đã quá chật chội, hãy sắp xếp lại mọi thứ để tạo thêm không gian, vứt bỏ những thứ không còn dùng được và sử dụng các loại hộp đựng thực phẩm chuyên dụng để tiết kiệm không gian. 7. Rửa tay thật kỹ Trước và sau khi cầm nắm thịt sống, bạn phải rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn và nước nhằm ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn. Những dụng cụ nấu nướng đã được dùng để sơ chế thịt cũng cần được rửa sạch sẽ, bao gồm cả dao và thớt. Ngoài ra, bạn cũng đừng quên vệ sinh cả quầy bếp và những bề mặt có tiếp xúc với thịt sống.