Ở Việt Nam, nghiên cứu mới nhất về dịch tễ hen phế quản trên phạm vi toàn quốc cho thấy mỗi năm có khoảng 3.000 ca tử vong do hen phế quản, trong đó hen phế quản ở trẻ em là 3,3% và ở người lớn là 4,3%.
Tuy nhiên, có đến 85% trường hợp tử vong do hen phế quản có thể phòng tránh được nếu bệnh phát hiện sớm, điều trị kịp thời.
Biến chứng nguy hiểm
Bệnh hen rất nguy hiểm, trong cơn hen cấp nếu không xử trí kịp thời có thể xảy ra những biến chứng như: suy hô hấp cấp dẫn đến tử vong hoặc gây tràn khí phế nang do ho, ép ngực hoặc do gắng sức để thở. Ngoài ra nếu suy hô hấp kéo dài có thể dẫn đến thiếu ôxy não. Đối với bệnh nhân hen cấp tính nặng hoặc hen ác tính, tình trạng suy hô hấp càng trầm trọng, nguy cơ tử vong càng cao.
Dấu hiệu bệnh hen phế quản
Ho là triệu chứng hay gặp nhất, đặc biệt là hen phế quản ở trẻ em. Khi thời tiết lạnh nhanh và đột ngột làm phế quản người hen tăng thông khí, tăng co thắt gây khó thở hơn. Đáng lưu ý, phế quản người hen nhạy cảm với lạnh gấp hàng trăm lần so với người bình thường, độ ẩm tăng là môi trường tốt để vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, nấm mốc, phấn hoa phát triển, các chất ô nhiễm không khí tăng làm người hen dễ mắc bệnh, hít phải gây tổn thương, tăng phản ứng viêm đường hô hấp và khó thở tăng. Hậu quả là viêm đường hô hấp, tăng co thắt phế quản làm trầm trọng thêm bệnh hen.
Triệu chứng khi trẻ nhỏ mắc bệnh hen phế quản thường có 4 dấu hiệu đặc trưng như ho khan, kết thúc ho có khạc đờm trắng, dính, ho có thể xuất hiện trước cũng có thể là triệu chứng duy nhất của hen; khò khè (thở rít, cò cử; khó thở (thở ngắn, khó thở ra; nặng ngực (tức ngực). Trẻ có biểu hiện mệt hơn bình thường, biếng ăn, biếng chơi…
Các dấu hiệu này thường tái đi tái lại nhiều lần, xảy ra về đêm và sáng, có liên quan đến yếu tố thay đổi thời tiết. Với cơn hen nguy kịch, trẻ sẽ có triệu chứng da tím tái, không nói được; thở ngáp, tiếng rít yếu hoặc không nghe thấy; trạng thái lơ mơ hay lú lẫn; nhịp thở chậm khác thường, nhịp tim chậm. Khi khó thở ở mức độ nặng và nguy kịch cần đi bệnh viện cấp cứu ngay.
Biện pháp phòng ngừa
Thời tiết giảm nhiệt mạnh như hiện nay khiến nhiều người nhập viện vì bệnh hô hấp, nhất là đối với nhóm bệnh hen phế quản ở trẻ em, bởi lẽ đây là thời điểm dễ làm cơn hen xuất hiện hoặc nặng lên. Vì vậy, để phòng bệnh hen phế quản cho trẻ lúc thời tiết chuyển lạnh, cần mặc ấm cho trẻ về mùa lạnh, nhất là khi đi ra khỏi nhà.
Chỉ nên tắm cho trẻ khi không có cơn hen (trẻ vẫn ăn, chơi bình thường). Tắm ở buồng không có gió lùa, tắm nước ấm, cần tắm nhanh, tắm xong phải lau khô người cho trẻ ngay, lau bằng khăn khô và mặc ngay quần áo cho trẻ. Nên chuẩn bị một số phương tiện như: lò sưởi, điều hòa nóng (nếu có điều kiện) để sau khi tắm, rửa xong là trẻ được tiếp xúc ngay với khí ấm, hạn chế lạnh đột ngột làm cho trẻ dễ bị cảm lạnh và nguy cơ xuất hiện cơn hen phế quản trên trẻ có sẵn tiền sử bị hen.
Đồng thời, đối với trẻ có tiền sử HPQ thì không cho trẻ ăn, uống các loại thức ăn có nguy cơ cao xuất hiện cơn hen như: tôm, cua, ốc. Bố, mẹ và người lớn không nên hút thuốc trong nhà. Nếu chưa có điều kiện dùng bếp điện, bếp ga thì nên cải tiến bếp đun củi, rơm, rạ bằng loại bếp ít khói. Không nên nuôi chó, mèo trong nhà. Trong phòng ngủ của trẻ không nên quét nhà bằng chổi mà nên lau bụi bằng khăn ướt, hút bụi bằng máy (nếu có thể).
Trẻ đã từng bị hen phế quả, đã được bác sĩ tư vấn và điều trị cần nghe theo chỉ dẫn của thầy thuốc, đặc biệt cần điều trị phòng hen theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Bởi vì khi trẻ bị hen phế quản, ngoài việc điều trị cắt cơn hen còn có điều trị dự phòng. Mặt khác, điều trị bệnh hen phế quản trẻ em không giống như người lớn về thuốc, liều lượng, cách dùng...