Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Metro “lộ bài” chuyển giá

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc Bộ Tài chính yêu cầu Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam (Metro Việt Nam) phải điều chỉnh giảm lỗ, đồng thời truy thu thuế cho thấy, việc chuyển giá để trốn thuế của DN này đã không còn là nghi án.

Sau 12 năm kinh doanh tại Việt Nam, Metro liên tục kêu lỗ nhưng thực chất DN đã tiến hành một loạt hoạt động chuyển giá để thu lời bất chính.

Chuyển giá thông qua “thuê” thương hiệu

Theo kết luận Thanh tra của Bộ Tài chính, vi phạm đáng chú ý nhất của Metro Việt Nam là hành vi chuyển giá thông qua chi phí nhượng quyền thương mại với công ty mẹ tại CHLB Đức, chi phí không phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, chi phí dự phòng giảm giá hàng tồn kho, chi phí trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi... Tổng số lỗ bất hợp lý mà Metro buộc phải giảm sau thanh tra là 335 tỷ đồng. Ngoài ra, Metro phải giảm khấu trừ thuế giá trị gia tăng (VAT) 110 tỷ đồng tiền thu của các DN để hỗ trợ quảng cáo, bán hàng trong siêu thị nhưng lại không kê khai khi nộp thuế; truy thu thuế thuế nhà thầu đối với lương chuyên gia nước ngoài là 62 tỷ đồng.
Người dân mua hàng tại Metro Hà Nội. 	 Ảnh: Hoài Nam
Người dân mua hàng tại Metro Hà Nội. Ảnh: Hoài Nam
Theo đại diện Tổng cục Thuế, ngay từ khi mới đầu tư vào Việt Nam, Metro Việt Nam và công ty mẹ (tại CHLB Đức) có ký hợp đồng nhượng quyền thương hiệu. Hàng năm, Metro Việt Nam phải trả cho công ty mẹ một khoản tiền khá lớn, từ năm 2006 - 2013, khoản tiền này lên tới 731 tỷ đồng. Tuy nhiên, 3 năm đầu, Metro Việt Nam không đăng ký với Bộ Thương mại theo quy định của Nghị định 35/2006/NĐ - CP nên khoản tiền trả cho công ty mẹ ở giai đoạn này lên đến 245 tỷ đồng không được chấp nhận là chi phí được trừ khi tính thuế. Vì vậy, Metro chỉ phải tự điều chỉnh lại kết quả kinh doanh theo hướng giảm lỗ 245 tỷ đồng trên trong sổ sách. Ngoài ra, đoàn thanh tra phát hiện Metro đã trích khấu hao tài sản quá cao, trích dự phòng bất hợp lý dẫn tới khoản lỗ 90 tỷ đồng. Khoản tiền này sẽ buộc phải giảm trong kết quả hạch toán với cơ quan thuế.

Theo Tổng cục Thuế, việc chuyển giá thông qua giao dịch tài sản vô hình là một trong 4 nhóm hành vi chuyển giá phổ biến nhất. Thủ đoạn điển hình là các công ty mẹ ở nước ngoài chuyển giao công nghệ, thương hiệu cho bên liên kết tại Việt Nam và thu tiền bản quyền, nhưng thực tế, việc định giá đối với loại tài sản vô hình này không dễ. Lợi dụng đặc thù đó, các DN ngoại thường tính và thu phí bản quyền rất cao đối với liên doanh Việt Nam, khiến cho chi phí đầu vào bị đẩy lên cao dẫn đến sản xuất, kinh doanh thua lỗ, Chính phủ mất quyền đánh thuế thu nhập DN.

Sẽ thu thuế khi chuyển nhượng

Kết quả thanh tra cho thấy, việc Metro Việt Nam liên tục báo lỗ là do DN này mở rộng đầu tư trong một thời gian ngắn. Chỉ trong 5 năm đầu kinh doanh tại Việt Nam, Metro đã mở tới 9 điểm. Trong 2 năm tiếp theo (2010 - 2012), dù kinh doanh thua lỗ nhưng Metro vẫn mở thêm 10 trung tâm kinh doanh. Trong điều kiện hoạt động bình thường, một trung tâm mới cần từ 3 - 5 năm kể từ ngày khai trương mới có thể hòa vốn bởi chi phí khấu hao, tiền thuê đất... rất lớn gây ra các khoản lỗ.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh:

Tham nhũng làm giảm năng lực cạnh tranh

Yếu kém về thể chế và tham nhũng đã làm giảm năng lực cạnh tranh, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam, đồng thời làm giảm đáng kể động lực đầu tư tư nhân, tạo việc làm và thu nhập của DN. DN muốn kiếm 1 đồng lợi nhuận phải chi 0,7 đến 1 đồng chi phí không chính thức. Có thể dự báo rằng, nếu không hạn chế và kiểm soát được tham nhũng ở mức độ nhất định, môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ khó có thể được cải thiện một cách cơ bản. 

Nghịch lý dù báo lỗ vẫn phát triển tới 19 điểm bán lẻ trong một thời gian ngắn nhưng mới chỉ nộp thuế VAT, thuế môn bài, tiền thuê đất, thuế nhà thầu, riêng thuế thu nhập DN chưa nộp đồng nào đã khiến Metro Việt Nam trở thành một trong những DN FDI bị cơ quan thuế đặt dấu hỏi lớn về vấn đề chuyển giá.

Việc thanh tra thuế của Metro càng trở nên "nóng" khi Metro thông tin sẽ bán toàn bộ hệ thống bán lẻ tại Việt Nam cho Tập đoàn Berli Jucker của Thái Lan với giá 879 triệu USD, lớn gấp 3 lần vốn đầu tư của Metro trong 12 năm qua (301 triệu USD). Như vậy, Metro bên cạnh việc thu lời nhờ "né" được việc nộp thuế thu nhập DN khi báo lỗ bởi thuê thương hiệu của công ty mẹ, còn lãi lớn khi bán toàn bộ hệ thống bán lẻ. Về vấn đề này, đại diện Bộ Tài chính cho biết: Theo quy định, Metro sẽ phải nộp thuế thu nhập cho khoản lời nhờ chuyển nhượng tài sản này với mức thuế khoảng 22%.

Phải ghi nhận là sau 12 năm kinh doanh tại Việt Nam, Metro đã tích cực trong hoạt động tiêu thụ hàng Việt. Báo cáo của Tổng cục Thuế sau khi thanh tra Metro cho thấy, cơ cấu hàng hóa của Metro có đến 95% là hàng Việt, 5% hàng nhập khẩu. Điều này giúp cho các DN sản xuất, cung cấp của Việt Nam có thị phần kinh doanh tại thị trường trong nước. Tuy nhiên, nhằm ngăn chặn hiện tượng "thuê" thương hiệu để trốn thuế, Thanh tra Bộ Tài chính cũng kiến nghị trong thời gian tới, Nhà nước cần có quy định cụ thể hơn về tỷ lệ đối với nhượng quyền thương mại, hoặc các quy định về việc trả phí cho chuyên gia nước ngoài.
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên:

Giám sát thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và nhập siêu

Trước mắt, trong Quý I, có 2 vấn đề cần được tiếp tục theo dõi và có đánh giá thích hợp là FDI và nhập siêu, vì đây là có thể là những vấn đề sẽ tác động tới công tác điều hành chính sách tiền tệ cũng như các vấn đề kinh tế vĩ mô khác. Khi FDI vào nhiều, với các tập đoàn hàng đầu như Samsung, Microsoft, Toyota, chủ thể phát triển của Việt Nam đã thay đổi sâu sắc. Nhưng xu hướng đó có làm thay đổi đẳng cấp công nghiệp, đẳng cấp phát triển của Việt Nam như ta mong đợi? Thậm chí, xét ở trạng thái tĩnh, họ chỉ đưa vào lắp ráp gia công tại Việt Nam. Khu vực FDI có tới 60% DN báo lỗ kéo dài, song lại là khu vực có tốc độ tăng vốn nhanh nhất, đặc biệt là các DN lớn khai lỗ.