Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Microsoft, Apple thuê các nhà ngôn ngữ học để tranh chấp tay đôi “App Store”

Chia sẻ Zalo

KTÐT - Microsoft và cả Apple đều thuê các nhà ngôn ngữ học như là các chuyên gia cố vấn trong trận chiến công nghệ khổng lồ đang diễn ra để đi đến kết luận liệu chính phủ có thể cấp hay không một nhãn hiệu cho thuật ngữ

KTÐT - Microsoft và cả Apple đều thuê các nhà ngôn ngữ học như là các chuyên gia cố vấn trong trận chiến công nghệ khổng lồ đang diễn ra để đi đến kết luận liệu chính phủ có thể cấp hay không một nhãn hiệu cho thuật ngữ “app store” ( cửa hàng ứng dụng).

Vào hôm Thứ ba, Microsoft đã nộp những luận điểm mới nhất của mình với Phòng nhãn hiệu và sáng chế Hoa Kỳ, trong đó bao gồm những quan điểm của chuyên gia ngôn ngữ cho rằng “app store” là thuật ngữ mang tính chung chung, và không nên đặt thành nhãn hiệu riêng cho Apple.

Theo nhà ngôn ngữ học Ronald Butters “Danh từ ghép app store có nghĩa là cửa hàng mà tại đó các ứng dụng được chào bán, nó chỉ đơn giản là một định nghĩa cho bản thân điều đó thôi, một đặc điểm chung chung”.

Microsoft đã thuê Butters để phản bác chuyên gia ngôn ngữ của Apple – Robert Leonard. Bởi vì người này đã khẳng định rằng “App store” là danh từ thích hợp và xứng đáng là nhãn hiệu của riêng người khổng lồ Apple, dù cho khi đứng biệt lập thì nó vẫn mang tính tổng quát. Leonard đã được trả 350 USD mỗi giờ cho công việc của mình tại Apple trong khi Butters được trả 400 USD/ giờ.

Hiện tại, người phát ngôn của Apple và Microsoft đều từ chối bình luận về vụ việc tranh cãi này.

Có thể nói rằng, các tranh đấu quy phạm pháp luật đã trở thành một ví dụ tranh tụng điển hình trong ngành công nghiệp công nghệ hiện tại bởi một thực tế là doanh số bán hàng của điện thoại thông minh và máy tính bảng tăng nhanh đến chóng mặt. Gần như các nhà sản xuất điện thoại di động, phần mềm đều tích cực bảo vệ những lợi ích của mình trong cuộc chiến pháp lý chống lại các đối thủ. Đặc biệt là Apple, khi người khổng lồ lên như diều gặp gió này đang là mục tiêu của nhiều vụ kiện từ các công ty khác nhau từ công ty sản xuất thiết bị như Nokia cho tới chủ sở hữu của bằng sáng chế như Eastman Kodak, tất cả đều tìm kiếm những khách hàng của người khổng lồ điện tử Apple hoặc là giành lấy một phần cho mình từ sự thành công của hãng.

Ban đầu Apple đã nộp nhãn hiệu “App store” vào năm 2008 ngay sau khi tung ra thị trường những ứng dụng cho iPhone. Apple cũng cho biết vào thời gian đó thuật ngữ này được hiểu khái quát là “dịch vụ các cửa hàng bán lẻ tính năng phần mềm máy tính đã cung cấp thông qua Internet và những chiếc máy tính khác và mạng truyền thông điện tử”.

Cho đến nay, thị trường của Apple đã mở rộng nhiều với số người sử dụng iPhone, iPad tăng lên đáng kể. Và hiện tại hãng có hơn 350.000 ứng dụng để cung cấp cho các thiết bị di động của mình.

Chạy theo trào lưu đó, Google, Hewelett-Packard và Research In Motion cũng thiết lập các cửa hàng kỹ thuật số của riêng mình với hi vọng thu hút sự chú ý của khách hàng đối với các thiết bị của họ.

Microsoft cũng đã cho ra mắt cửa hàng ứng dụng điện thoại di động riêng cuối năm ngoái với việc phát hành hệ điều hành dành cho điện thoại thông minh Windows Phone 7.