Ngày 10/12, tại kỳ họp 20 HĐND TP Hồ Chí Minh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, đã thông qua nghị quyết quy định các lĩnh vực ưu tiên; tiêu chí, điều kiện, nội dung hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) có thu nhập phát sinh trên địa bàn TP được miễn thuế TNCN, thuế TNDN. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
Nghị quyết dành cho đối tượng hoạt động trên địa bàn TP là doanh nghiệp KNĐMST; tổ chức khoa học và công nghệ, trung tâm đổi mới sáng tạo và các tổ chức trung gian hỗ trợ KNĐMST (tổ chức hỗ trợ KNĐMST); tổ chức có khoản thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp, quyền góp vốn vào doanh nghiệp KNĐMST trên địa bàn TP; cá nhân có khoản thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp, quyền góp vốn vào doanh nghiệp KNĐMST; chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt (chuyên gia) làm việc tại doanh nghiệp, tổ chức hỗ trợ KNĐMST; cá nhân KNĐMST làm việc tại doanh nghiệp KNĐMST; các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Các lĩnh vực được ưu tiên miễn thuế: thương mại điện tử, công nghệ tài chính, logistic, công nghệ giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp công nghệ cao, phát triển bền vững, chuyển đổi số, an ninh mạng.
Về nội dung, tiêu chí hoạt động đối với doanh nghiệp KNĐMST là hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm (hàng hóa hoặc dịch vụ) có ứng dụng công nghệ, đáp ứng một trong các yêu cầu: được hình thành từ sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, giống cây trồng đã được cấp bằng bảo hộ theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ hoặc được công nhận đăng ký quốc tế theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; chương trình máy tính được cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả; giống vật nuôi, cây trồng, thủy sản, cây lâm nghiệp mới đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận.
Hoặc đạt giải tại các cuộc thi khởi nghiệp, KNĐMST cấp TP, quốc gia, quốc tế và các giải thưởng về khoa học và công nghệ (KH&CN) theo quy định của pháp luật về giải thưởng KH&CN.
Còn nội dung, tiêu chí hoạt động của tổ chức hỗ trợ KNĐMST là hoạt động cung cấp dịch vụ cho cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp có dự án KNĐMST dưới một hoặc đồng thời nhiều hình thức: cung cấp cơ sở vật chất-kỹ thuật, trang thiết bị để hoàn thiện ý tưởng kinh doanh, hoàn thiện công nghệ; cung cấp không gian làm việc chung, không gian trưng bày sản phẩm; tư vấn, đào tạo, huấn luyện, ươm tạo, đầu tư, hỗ trợ đầu tư, tổ chức sự kiện, cung cấp dịch vụ và nguồn lực cần thiết để phát triển mô hình kinh doanh, tiếp cận nguồn vốn đầu tư và các dịch vụ khác cho KNĐMST.
Để được miễn thuế TNDN đối với khoản thu nhập phát sinh trên địa bàn TP từ KNĐMST, thì doanh nghiệp và tổ chức hỗ trợ KNĐMST phải đáp ứng các điều kiện: đăng ký thành lập, hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Có trụ sở chính tại TP. Được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu từ ngày 1/1/2020 trở về sau và chưa là công ty đại chúng.
Cả 2 thành phần nêu trên phải sản xuất, kinh doanh các sản phẩm và cung cấp dịch vụ như nội dung, tiêu chí đối với doanh nghiệp và tổ chức hỗ trợ KNĐMST. Có doanh thu hằng năm phát sinh từ hoạt động KNĐMST trên địa bàn TP trong các lĩnh vực ưu tiên đạt tỷ lệ tối thiểu 30% trên tổng doanh thu.
Đối với tổ chức, cá nhân sáng lập doanh nghiệp KNĐMST muốn được miễn thuế TNDN, thuế TNCN đối với khoản thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp, quyền góp vốn vào doanh nghiệp KNĐMST tại TP, phải có tên trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu; có thời gian tham gia vào doanh nghiệp KNĐMST tối thiểu 12 tháng.
Đối với tổ chức, cá nhân khác đầu tư vào doanh nghiệp KNĐMST, phải đạt điều kiện: đầu tư vào doanh nghiệp KNĐMST chưa là công ty đại chúng; đầu tư không quá 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp KNĐMST sau khi nhận đầu tư; có thời gian đầu tư vào doanh nghiệp KNĐMST tối thiểu 24 tháng.
Ngoài ra, để được miễn thuế TNCN đối với khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công, cá nhân KNĐMST cần đáp ứng: là thành viên sáng lập, đồng sáng lập hoặc trong đội ngũ phát triển sản phẩm, dịch vụ KNĐMST; có thu nhập phát sinh từ tiền lương, tiền công tại doanh nghiệp KNĐMST.
Đối với chuyên gia được miễn thuế TNCN từ tiền lương, phải có tên trong danh sách trả lương của doanh nghiệp, tổ chức hỗ trợ KNĐMST. Còn chuyên gia được miễn thuế TNCN từ tiền công, phải có hợp đồng tư vấn, đào tạo cho cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp có dự án KNĐMST trong các lĩnh vực TP ưu tiên. Chuyên gia của 2 loại được miễn thuế TNCN từ tiền lương, tiền công phải từ đại học trở lên, có kinh nghiệm đào tạo, tư vấn, hỗ trợ hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ít nhất 2 năm.