Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Miễn thuế, người Việt tha hồ mua ô tô nội địa giá rẻ

Theo PLO/Vietnamnet.vn
Chia sẻ Zalo

Bộ Công Thương đề xuất miễn thuế tiêu thụ đặc biệt linh kiện ô tô sản xuất trong nước. Người dân sắp được mua ô tô nội địa giá rẻ.

Bộ Công Thương vừa báo cáo Chính phủ về chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô với nhiều đề xuất giải pháp phát triển ngành này. Trong đó, đáng chú ý nhất là đề xuất áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) phù hợp với xe có tỉ lệ hàm lượng giá trị gia tăng tạo ra trong nước cao và không đánh thuế TTĐB với phần giá trị tạo ra trong nước như linh kiện, phụ tùng.
Bên cạnh đó điều chỉnh thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) với các dự án sản xuất, lắp ráp ô tô có quy mô lớn, không phân biệt địa bàn đầu tư.
Ưu đãi lớn cho ô tô nội
Nếu được thông qua, đề xuất này được xem là sự ưu đãi rất lớn của Nhà nước đối với các liên doanh, DN trong việc bảo hộ ô tô lắp ráp và sản xuất trong nước.
 
Nhiều ý kiến cho rằng đề xuất này là hợp lý vì giúp thúc đẩy tăng tỉ lệ nội địa hóa ô tô trong nước. Mặt khác, đầu năm tới thuế nhập ô tô nguyên chiếc từ ASEAN về 0% trong khi thuế nhập linh kiện cao lên đến 20%-30% như hiện nay thì các nhà lắp ráp và sản xuất trong nước sẽ khó cạnh tranh.
Bà Nguyễn Thị Hiền, phụ trách hệ thống ô tô đã qua sử dụng của Toyota Việt Nam, nói: “Chúng tôi ủng hộ giải pháp mà Bộ Công Thương đề xuất. Đây là chính sách có thể tạo thuận lợi cho DN sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam tăng sức cạnh tranh với ô tô nhập khẩu từ các nước ASEAN sẽ tràn vào Việt Nam khi thuế nhập về 0 vào đầu năm tới. Việc miễn thuế TTĐB đối với phần linh kiện, phụ tùng sản xuất tại Việt Nam sẽ giúp các DN trong nước giảm giá thành sản xuất, từ đó giảm được giá bán”.
Đồng quan điểm, ông Vũ Đô Thành, Trưởng đại diện Mercedes-Benz Việt Nam tại Hà Nội, cũng cho rằng bản thân hãng xe này cũng được hưởng lợi nếu chính sách miễn thuế được áp dụng.
Ông Thành nói: “Tỉ lệ nội địa hóa của Mercedes-Benz Việt Nam chỉ khoảng 10% nhưng miễn thuế TTĐB cũng sẽ tác động đến chi phí sản xuất, lắp ráp một chiếc xe. Điều này kéo theo giá xe sẽ giảm nhưng chưa thể nói mức giảm bao nhiêu vì còn tùy thuộc cụ thể vào chính sách miễn thuế cho phần nội địa hóa này ra sao”.
Coi chừng bị kiện
Ngược lại, có ý kiến cho rằng dù có miễn hay giảm thuế thì cũng khó vực dậy ngành ô tô trong nước. Bởi lẽ lâu nay ngành này đã được ưu đãi rất nhiều nhưng giá vẫn rất cao, tỉ lệ nội địa hóa thấp.
 Bộ Công Thương dự báo đến năm 2020 quy mô thị trường ô tô trong nước sẽ vượt qua Philippines.
Ví dụ với xe dưới chín chỗ, đến nay tỉ lệ nội địa hóa mới chỉ đạt khoảng 7%-10%. Ngay cả hai “ông lớn” là Thaco cũng chỉ đạt tỉ lệ nội địa hóa 15%-20% và Toyota Việt Nam chỉ mới đạt 37% đối với riêng dòng xe Innova.
ông Nguyễn Minh Đồng, chuyên gia ô tô, nhận xét: đề xuất miễn thuế TTĐB đưa ra quá muộn màng vì chỉ còn mấy tháng nữa là sang năm 2018, thuế nhập khẩu ô tô ASEAN đã về 0. Tuy nhiên, muộn còn hơn không vì nó sẽ hỗ trợ DN ô tô trong nước có thể đầu tư công nghệ tốt hơn, mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại luật gia Việt Nam (VLCAC), cho rằng không nên lo lắng quá về nguyên tắc “không phân biệt đối xử”. Bởi để có cơ sở cho áp dụng các chính sách ưu đãi, khuyến khích DN nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng tạo ra trong nước, Bộ Công Thương đã tính toán, xác định tỉ lệ hàm lượng giá trị gia tăng sản xuất trong nước với ô tô phù hợp cam kết quốc tế cũng như quyền lợi DN.
Ông Hậu nói thêm: “Tỉ lệ nội địa hóa của Việt Nam hiện nay có thể nói là quá thấp so với các nước sản xuất ô tô trong khu vực ASEAN. Do vậy ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước đang yếu thế, cần được hỗ trợ để phát triển”.