Ngân hàng Nhà nước vừa kết thúc lấy ý kiến cho dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36/2014/TT-NHNN, quy định về các giới hạn, tỷ lệ an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng.
Việc đưa ra dự thảo và hướng điều chỉnh trong đó sớm trước một quý, so với mốc thực hiện các quy định liên quan, có giá trị tín hiệu và ảnh hưởng lớn đến hoạt động của hệ thống.
Sau khi kết thúc việc lấy ý kiến, dự kiến thông tư chính thức cũng sẽ sớm được ban hành.
Bất ngờ “thả lỏng”
Một trong những nội dung trọng tâm của dự thảo trên là giãn lộ trình siết giới hạn tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Tỷ lệ này có một lịch sử đáng chú ý, từ đó để nhìn vào hướng điều chỉnh hiện nay.
Nếu quá lạm dụng vốn “bóc ngắn cắn dài”, đặc biệt trong thực tế một lượng vốn lớn đã cho vay đi mà không/chưa thu hồi về được trong nợ xấu, càng chất thêm rủi ro thanh khoản tiềm ẩn. |
Cuối năm 2014, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 36, trong đó giới hạn tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn được nới mạnh từ 30% lên tới 60%. Vì sao một trong những chốt chặn quan trọng nhất, có tiềm năng ảnh hưởng sâu sắc đến hệ thống và nền kinh tế lại bất ngờ được “thả lỏng” như vậy?
Một phần của câu trả lời khi đó nằm ở mục đích tạo điều kiện kích thích vốn cho nền kinh tế, theo mục tiêu tăng trưởng dựa vào đòn bẩy tín dụng. Trong đó, một trong những lĩnh vực nhận tác động tích cực là bất động sản - nơi tập trung nhu cầu vốn trung dài hạn. Cũng lưu ý, cùng với điều chỉnh trên, hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay lĩnh vực bất động sản cũng được giảm từ 250% xuống 150%.
Có tới khoảng 90% tài sản đảm bảo các khoản vay là bất động sản. Lĩnh vực này ấm lên, chất lượng tài sản và triển vọng thu hồi, xử lý nợ xấu có thêm thuận lợi.
Một phần của câu trả lời nữa được đặt ở dạng giả thiết, cũng liên quan đến nợ xấu. Việc “thả lỏng” giới hạn tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn thực hiện vào năm 2015 - năm toàn hệ thống ráo riết kéo tỷ lệ nợ xấu về 3% để hoàn thành đề án kế hoạch 2011-2015. Cùng lúc, cơ chế cho tái cơ cấu nợ mà không phải chuyển nhóm theo Quyết định 780 kết thúc, chỉ còn một lần được chuyển tiếp trong Thông tư 36.
Nên giả thiết đặt ra, cơ chế cho “thả lỏng” đó một phần giảm áp lực ghi nhận những khoản nợ xấu là ngắn hạn, được cơ cấu lại thành nợ trung dài hạn để giảm tải mà không gây vỡ giới hạn 30% trước đó?
Ngoài ra, một trong những mục đích chính yếu khác, việc nới rộng tỷ lệ trên cũng nhằm tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng tranh thủ nguồn vốn ngắn hạn có chi phí huy động thấp hơn để cho vay trung dài hạn, góp phần giảm lãi suất cho vay. Và điểm thuận lợi là, sau nhiều năm, đường cong lãi suất mới có được điều tiết hợp lý, tạo dịch chuyển cơ cấu vốn huy động sang các kỳ hạn dài, bền vững hơn cho quản lý thanh khoản để góp phần đưa ra quyết định “thả lỏng” trên.
Đầu năm 2016, Ngân hàng Nhà nước trở lại kế hoạch kiểm soát chặt hơn “điểm huyệt” thanh khoản này, nêu hướng rút giới hạn từ 60% về 40%.
Tuy nhiên, như những gì đã diễn ra, với mục tiêu hạn chế áp lực đối với lãi suất, góp phần tạo động lực hỗ trợ tăng trưởng kinh tế…, nhà điều hành đã lần lượt giãn lộ trình thực hiện, và như dự thảo trên sẽ nới sang năm 2019.
“Miễn trừ trách nhiệm”
Như giả thiết trong câu trả lời trên, quyết định nới rộng giới hạn và năm 2015 đến nay vẫn là một câu hỏi đáng chú ý. Nhưng ngay sau đó Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra lộ trình co hẹp lại. Vì bất di bất dịch, giới hạn tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn luôn là một chốt chặn quan trọng trong an toàn hoạt động hệ thống.
Nếu quá lạm dụng vốn “bóc ngắn cắn dài”, đặc biệt trong thực tế một lượng vốn lớn đã cho vay đi mà không/chưa thu hồi về được trong nợ xấu, càng chất thêm rủi ro thanh khoản tiềm ẩn, khoảng trống kỳ hạn có thể bị khoét sâu trong cân đối vốn…
Và nếu rủi ro thanh khoản xảy ra, ảnh hưởng tiêu cực đến cả nền kinh tế; thậm chí đây cũng là một trong những nguyên nhân ám ảnh, có trong những vụ đại án xét xử gần đây.
Vậy, khi tiếp tục giãn và nới việc quản lý chặt hơn chốt chặn trên, trong trường hợp nếu có rủi ro xẩy ra trong tương lai, trách nhiệm chính sách hiện nay có bị quy chiếu trong tương lai?
Trước hết, định hướng siết lại quản lý vẫn giữ nguyên, giảm giới hạn từ 60% về 40%, điều chỉnh chỉ ở giãn lộ trình thực hiện ra mà thôi.
Mặt khác, theo bản giải trình của Ngân hàng Nhà nước, cơ quan này cũng đã đánh giá tác động của điều chỉnh đó trên cơ sở số liệu thống kê và giám sát hệ thống, như một phần chủ động đối với mức độ rủi ro/thử thách nếu có trong tương lai.
Và trong trường hợp về sau nếu có rủi ro liên quan nào đó, khi dẫn chiếu lại trách nhiệm chính sách hiện nay, có một yếu tố “miễn trừ trách nhiệm” đối với Ngân hàng Nhà nước - cơ quan hoạch định và đưa ra lộ trình giãn và nới nói trên.
Đó là, một trong những cơ sở, yêu cầu đưa ra lộ trình điều chỉnh là thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ.
Cụ thể, ít nhất hai lần từ đầu năm 2017, tại các thông báo và nghị quyết, Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo hướng tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn, góp phần kích thích tín dụng tăng trưởng kinh tế…
Thậm chí, song song với yêu cầu trên, Chính phủ còn đặt vấn đề điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc phù hợp để có nguồn vốn cho vay trung và dài hạn đối với lĩnh vực cụ thể. Tuy nhiên, đến nay, yêu cầu này chưa thấy diễn tiến cụ thể.