Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Miền Trung có thể nuôi trồng thủy sản bình thường

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên quan tới sự cố môi trường ở 4 tỉnh miền Trung, chiều 24/8, ông Nguyễn Ngọc Oai - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, người dân tại các địa phương này có thể tiếp tục nuôi trồng thủy sản bình thường.

Minh họa. Nguồn Internet
Minh họa. Nguồn Internet
Ngay sau khi Bộ TN&MT công bố chất lượng nước biển ở 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế đảm bảo an toàn, có thể tắm biển, Bộ NN&PTNT đã có văn bản giao cho Tổng cục Thủy sản và một số đơn vị liên quan triển khai một số nhiệm vụ liên quan đến khắc phục sự cố. Trong đó, Tổng cục Thủy sản được giao tổng hợp tình hình thiệt hại của 4 địa phương, khẩn trương hoàn chỉnh Đề án về khôi phục sản xuất, hỗ trợ chuyển đổi nghề và hướng dẫn địa phương tiếp tục khai thác, nuôi trồng thủy sản. Hiện nay, các cơ quan chức năng của Bộ NN&PTNT vẫn liên tục kiểm tra, kiểm soát độ an toàn vùng biển 4 tỉnh miền Trung để có những khuyến cáo kịp thời cho ngư dân khai thác, nuôi trồng thủy sản.

Ông Nguyễn Ngọc Oai cho biết, ngay sáng nay, Tổng Cục Thủy sản đã tham mưu Bộ NN&PTNT ban hành văn bản hướng dẫn khai thác, nuôi trồng thủy sản gửi tới 4 địa phương miền Trung. Đến thời điểm này, các địa phương đã tổ chức tuyên truyền hướng dẫn ngư dân tiếp tục khai thác thủy sản bình thường trên các vùng biển. Đồng thời, tiếp tục kiểm tra chất lượng sản phẩm thủy sản sau khi khai thác đưa về các cảng cá. Trong nuôi trồng thủy sản, các địa phương tiếp tục triển khai nuôi trồng thủy sản bình thường trên các vùng biển của 4 tỉnh. Bộ NN&PTNT đề nghị, trong quá trình nuôi trồng thủy sản, các cơ quan chức năng của địa phương tiếp tục quan trắc và thường xuyên cảnh báo về môi trường biển để người dân nắm được tình hình. Bộ NN&PTNT cũng sẽ kết hợp với Bộ Y tế tiếp tục kiểm tra chất lượng sản phẩm hải sản đang chứa tại các kho hải sản ở các địa phương.

Hiện nay, 4 tỉnh ven biển miền Trung có trên 16.000 tàu cá, đa phần là tàu cá nhỏ với khoảng 12.000 tàu công suất dưới 90CV. Bộ NN&PTNT có hướng tham mưu Chính phủ để hỗ trợ ngư dân đóng tàu lớn hơn trên 90 - 400CV, đi đánh bắt xa bờ dài ngày hơn, hiệu quả hơn. Về phương án hỗ trợ ngư dân từ số tiền bồi thường của Formosa, ông Oai cho biết, Bộ NN&PTNT đã ban hành công văn yêu cầu để các địa phương tổng hợp thiệt hại do sự cố ô nhiễm môi trường. Trước ngày 10/9 các tỉnh phải tổng hợp thiệt hại xong để báo cáo Bộ NN&PTNT để Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Dự kiến, ngày 27/8, Bộ NN&PTNT sẽ tổ chức hội nghị ở Thừa Thiên - Huế có mời ngư dân tham gia để lắng nghe nguyện vọng của ngư dân.