Vì thế, nhắm tới các thị trường quốc tế khác, Bộ VHTT&DL đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ có thêm nhiều chính sách visa - những đề xuất được giới chuyên môn cho là mang tính đột phá và được kỳ vọng.
“Nhất cử lưỡng tiện”
Từ khi chính sách miễn visa nhập cảnh cho công dân 5 nước Tây Âu (Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Italia) có hiệu lực (tháng 7/2015), đã giúp chặn đà suy giảm khách quốc tế đến Việt Nam từ tháng 6/2014 – 6/2015. Cụ thể, trong 9 tháng từ 7/2015 – 3/2016, tổng lượng khách du lịch từ 5 nước được miễn visa nhập cảnh đạt 554.242 lượt, tăng 13,91% so với cùng kỳ năm 2014 và 2015. Tổng thu tăng thêm từ thị trường 5 nước Tây Âu ước đạt hơn 171 triệu USD.
Hơn thế, quyết sách này còn phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế. Bởi, theo báo cáo về mức độ mở cửa liên quan đến visa nhập cảnh, tỷ lệ khách du lịch quốc tế cần visa nhập cảnh vào điểm đến quy mô toàn thế giới đã giảm từ 77% năm 2008 xuống còn 61% năm 2015. Đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, năm 2015, khoảng 20% dân số toàn cầu không cần visa, 23% có thể được cấp visa tại cửa khẩu, 11% có thể được cấp visa điện tử. Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn khẳng định: “Chính sách miễn visa đã tác động tích cực và những lợi ích rất rõ ràng, góp phần phát triển kinh tế, phân bổ các lợi ích kinh tế và xã hội đến các đối tượng rộng rãi tham gia và các chuỗi chung của hệ thống ngành du lịch”.
Tuy vậy, giới chuyên môn nhận thấy rõ, bên cạnh những “lợi ích kép” từ chính sách miễn visa, việc 5 nước Tây Âu chỉ được miễn visa trong vòng một năm, với thời gian lưu trú 15 ngày là một thách thức cho các cơ quan quản lý Nhà nước, DN du lịch và khách du lịch trong quá trình triển khai. Bởi lẽ, chính sách miễn visa trong một năm mang tính ngắn hạn, trong khi các kế hoạch kinh doanh thường theo chiến lược trung hạn (3 - 5 năm) hoặc dài hạn (trên 5 năm) để các DN có phương án đầu tư nguồn lực và sắp xếp kế hoạch kinh doanh. Đặc biệt, các hoạt động quảng bá, xúc tiến cũng cần được tiến hành trước ít nhất 6 tháng đến một năm để đến được du khách với các gói sản phẩm cụ thể. Ngoài ra, khách du lịch từ thị trường xa như Tây Âu cũng cần ít nhất 3 - 6 tháng để quyết định điểm đến và hành trình thường kéo dài hơn 15 ngày. Do đó, chính sách miễn visa trong 15 ngày chưa thực sự hấp dẫn du khách. Như chia sẻ của ông Peter Len - khách đến từ Bỉ: “Được nghỉ công tác một tháng, nhưng sau khi đi nhiều địa điểm vùng cao phía Bắc, dừng chân tại Hà Nội, 15 ngày được miễn visa của tôi cũng gần hết. Rất muốn ở lại Việt Nam, nhưng nếu thế phải đi xin visa và vẫn mất 45 USD, nên tôi quyết định trở về để sang Singapore”.
Một quy định khác cũng gây không ít phiền hà cho các “thượng đế” là khi đang ở Việt Nam, quá cảnh sang nước khác rồi nhập cảnh trở lại phải xin thêm visa hoặc phải chờ ít nhất 30 ngày mới được tiếp tục miễn visa… Thế nên, Phó Tổng Giám đốc Khách sạn Grand Plaza Vũ Đình Tân ví von: “Việc miễn visa đã mở cánh cửa đón khách du lịch vào Việt Nam nhưng mới chỉ là mở hé. Cho nên những “ông nhỏ” đi vào, còn những “ông lớn” chưa muốn đi qua”. Đây là thiệt thòi lớn, vì những “ông lớn” đó mới thực sự là những người có mức chi tiêu “khủng”.
Tạo “đòn bẩy” cho doanh nghiệp
Để chính sách miễn visa đối với công dân 5 nước Tây Âu phát huy hiệu quả, đồng thời tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho công dân từ các thị trường khác, Tổng cục Du lịch đã tham mưu Bộ VHTT&DL đề xuất Thủ tướng Chính phủ gia hạn thời gian miễn visa nhập cảnh cho công dân 5 nước Tây Âu từ một năm lên 5 năm và tăng thời gian miễn visa nhập cảnh từ 15 ngày lên 30 ngày để phù hợp với nhu cầu của khách du lịch Tây Âu.
Bộ VHTT&DL cũng đã trình Chính phủ phê duyệt việc miễn visa đơn phương cho công dân 13 nước đến Việt Nam du lịch theo chương trình tour trọn gói do các công ty lữ hành quốc tế được phép hoạt động tại Việt Nam tổ chức. “Nếu đề xuất này được chấp thuận, không những gia tăng lượng du khách đến từ những thị trường trọng điểm mà còn gắn trách nhiệm quản lý cho các đơn vị lữ hành khi đón khách vào Việt Nam. Bên cạnh đó, việc cấp visa trực tuyến và cấp visa tại cửa khẩu cũng đang có những tín hiệu khả quan” – ông Tuấn phân tích. Ngoài ra, Bộ VHTT&DL đề nghị Chính phủ tiếp tục xem xét mở rộng diện miễn visa đơn phương cho công dân một số nước là thị trường du lịch trọng điểm của Việt Nam.
Trước những thông tin này, tất cả các DN lữ hành quốc tế đều bày tỏ sự vui mừng và kỳ vọng các đề xuất sớm được Chính phủ chấp thuận. Theo phân tích của ông Đặng Xuân Sơn - Giám đốc Công ty Du lịch Footprint Travel: Những đề xuất đó cực kỳ cần thiết để tạo điều kiện thu hút du khách ở thị trường Tây Âu. Thực tế, sau khi chinh sách miễn visa cho 5 thị trường Tây Âu có hiệu lực vào tháng 7/2015, đến nay lượng khách từ các thị trường này qua Footprint đã tăng khoảng 20% so với mọi năm. “Tuy nhiên, việc miễn visa chỉ kéo dài một năm thì quá ngắn, không đủ cho DN có thể làm được việc gì “ra tấm ra món” mà hiệu quả nhìn thấy cũng chưa rõ ràng. Bên cạnh đó, việc tăng thời gian miễn visa từ 15 ngày lên 30 ngày sẽ kích thích phân khúc khách Tây Âu đi du lịch các nước trong ASEAN sang Việt Nam. Bởi thế, nếu chính sách này được chấp thuận sẽ trở thành “đòn bẩy” cho DN du lịch phát triển” - ông Sơn đánh giá. Trong khi đó, ông Trần Long - Giám đốc Công ty Du lịch Việt cho rằng: “Đây là việc chúng tôi mong chờ từ lâu. Bởi chính sách miễn visa cho 5 nước Tây Âu mới là năm bản lề, năm nay và thời gian tới, nếu Chính phủ gia hạn thời gian miễn thị thực cho 5 nước Tây Âu đồng thời nâng số lượng các quốc gia được miễn visa nhiều hơn nữa thì chắc chắn sẽ thu hút ngày càng đông du khách đến Việt Nam”.
Đối với chính sách miễn visa theo tour trọn gói, ông Long nhận định: Đây là một đề xuất hay. Các công ty đón khách vào Việt Nam bao giờ cũng phải chịu trách nhiệm trước cơ quan Nhà nước về việc quản lý du khách. Tuy nhiên, với đề xuất này, các DN phải cam kết chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch để làm sao việc phục vụ khách hàng luôn luôn được tổ chức tốt và khiến tất cả các bên cảm thấy hài lòng, yên tâm. Còn ông Vũ Chính Đông - Chánh Văn phòng Hiệp hội Du lịch Hà Nội có đôi chút băn khoăn: “Đề xuất miễn visa theo tour sẽ giúp cho công tác quản lý Nhà nước chặt chẽ hơn. Khi miễn visa mà du khách đi lẻ sẽ rất khó quản lý. Tuy nhiên, nếu đi theo tour trọn gói, du khách phải theo các công ty lữ hành thì công tác quản lý chắc chắn sẽ tốt hơn. Chính sách này rất tốt, tuy nhiên tôi hơi phân vân khi xu thế hiện nay là du khách không thích đi du lịch nhóm mà thích đi tự do. Thế nên, nếu chỉ miễn visa đi theo tour trọn gói cũng sẽ có khó khăn nhất định”.
Theo giới chuyên môn, con số 22 quốc gia được miễn visa vào Việt Nam là quá thấp so với các quốc gia trong khu vực như Malaysia miễn 164 nước, Philippines miễn 157 nước, Thái Lan miễn 52 nước... Do đó, Chính phủ cần xem xét mở rộng thị trường miễn visa để tăng sức hấp dẫn cho ngành du lịch trong việc thu hút khách quốc tế.
Khách quốc tế vào Việt Nam tại Sân bay quốc tế Nội Bài. Ảnh: Phạm Hùng
|
Tôi rất ủng hộ chính sách miễn visa theo tour trọn gói. Bởi, khách sang Việt Nam hiện có nhiều đối tượng như: Đi công tác, chữa bệnh, thăm thân nhân… Nếu đi theo tour thì đó chắc chắn là khách du lịch. Tuy nhiên, để đảm bảo uy tín thì cần chọn công ty lớn, có cam kết với Nhà nước về việc không làm dịch vụ visa, không có khách "ảo"… thì mới hiệu quả. Những DN lớn thì có năng lực kinh doanh thực sự, có uy tín và có thể tạo niềm tin với Nhà nước và chính du khách. Hơn thế, hiện không có DN nào muốn đi quảng bá, bởi như thế chi phí tour sẽ đắt hơn những DN không đi quảng bá mà vẫn được hưởng lợi vì có thể chào bán tour với giá rẻ hơn. Nhưng, theo đề án này, chỉ một vài DN có uy tín được cam kết đón khách ở những thị trường nhất định thì DN sẽ chủ động quảng bá du lịch không chỉ ở những thị trường tiềm năng mà cả những thị trường chưa có nhiều khách đến Việt Nam. Bởi lẽ, DN có niềm tin, có cơ sở để bỏ vốn đầu tư cho hoạt động quảng bá, xúc tiến.
Ông Nguyễn Công Hoan Phó Tổng Giám đốc Công ty Hanoi Redtours
Trong năm 2015, Việt Nam đã áp dụng chính sách miễn visa đối với du khách thuộc 5 nước Tây Âu. Tuy nhiên, chính sách này vẫn bộc lộ nhiều hạn chế, gây khó khăn cho DN và chính du khách. Đối với những chương trình đi du lịch từ giữa và cuối năm 2016, DN trong nước cũng như các đối tác công ty du lịch nước ngoài hiện chưa có điều kiện để đưa ra sớm chính sách để thu hút khách đến với Việt Nam cho trọn năm 2016. Nếu so với các điểm đến cạnh tranh với Việt Nam như Thái Lan, Malaysia, Singapore, chúng ta vẫn kém thu hút đối với khách Âu vì thủ tục nhập cảnh chưa thật sự thuận lợi, vì vậy rất cần thiết điều chỉnh sâu hơn nữa các chính sách về visa. Nếu đề xuất của Bộ VHTT&DL thành hiện thực sẽ tạo động lực cho các DN du lịch phát triển mạnh hơn trong tương lai. Vietravel sẽ tăng cường quảng bá xúc tiến cho thị trường Tây Âu, đồng thời xây dựng sản phẩm chuyên biệt cho thị trường này. Ngoài ra, chúng tôi sẽ phối hợp với các đối tác để xây dựng chương trình khuyến mại, thu hút khách từ 5 nước Tây Âu cũng như 13 thị trường được miễn visa theo tour trọn gói. Bà Trần Thị Việt Hương Giám đốc Ban Tiếp thị của Vietravel
Miễn visa là việc chúng tôi luôn mong chờ. Đây là cơ sở để chúng ta kích cầu thị trường du lịch quốc tế, đặc biệt là yếu tố để các DN lữ hành xây dựng sản phẩm có giá rẻ bán ra thị trường nước ngoài, đồng thời tạo điều kiện cho các DN lữ hành bán hàng tập trung hơn. Khi DN bán được các gói du lịch dựa vào việc miễn visa cho các đoàn tour du lịch vào Việt Nam thì DN bán được nhiều hơn, cơ quan quản lý Nhà nước cũng thông qua các hãng lữ hành để quản lý lượng khách và đánh giá chi tiêu của khách vào Việt Nam chính xác hơn. Trước kia, chúng ta mới chỉ nhìn thấy doanh thu khi du khách vào Việt Nam ăn, ngủ trong một tour mà chưa nhìn thấy việc họ chi tiêu cho các hoạt động khác như mua sắm quà lưu niệm, sử dụng dịch vụ giải trí… Tôi nghĩ, miễn visa cho khách du lịch thì chúng ta sẽ mất một số khoản thu, nhưng sẽ có được khoản thu lớn hơn thông qua các hoạt động khách mua sắm mà trước kia chúng ta không bao giờ tính đến. Giá trị gia tăng đó lớn hơn nhiều giá trị chúng ta miễn visa. Ông Nguyễn Hồng Đài Tổng Giám đốc Công ty Lữ hành APT Travel
|