Mikhailovskoe - nơi nhà thơ Nga A. Pushkin yên nghỉ đời đời

Nguyễn Huy Hoàng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuộc đời của nhà thơ Nga vĩ đại Alexandr Xergevits Pushkin đã gắn bó với Mikhailovskoe trong suốt những năm tháng từ năm 1817 đến năm 1836. Vào ngày 18/2/1837, tại đây, bên cạnh ngôi mộ của mẹ ông, trong khuôn viên của Tu viện Svyatogorsk, tỉnh Pskov, cách không xa điền trang Mikhailovskoe, nhà thơ vĩ đại của nước Nga Alexandr Xergevits Pushkin đã yên nghỉ đời đời sau một trận đấu súng bi thảm.

Điền trang Mikhailovskoe

Điền trang Mikhailovxkoe vào năm 1742 được Hoàng hậu Elizabet Petrovna trao cho ông cố ngoại của Pushkin, Abram Hannibal. Sau khi A. Hannibal qua đời năm 1781, điền trang này được ông nội của Alexander Pushkin - Osip Abramovich Hannibal, thừa kế. Từ năm 1818, Mikhailovskoye thuộc về quyền sở hữu của mẹ Pushkin là Nadezhda Osipovna.

Sau khi bà mẹ mất, năm 1836, điền trang Mikhailovxkoe được trao cho A. Puskin quyền sở hữu. Nhưng chưa đầy một năm sau, nhà thơ Nga tạ thế, điền trang Mikhailovxkoe lần lượt chuyển đổi sang tên những người trong gia đình, thiếu sự quản lý, chăm sóc, nên bị phá hoại và hỏa hoạn nhiều lần, trở thành gần như hoang phế.

Mãi đến năm 1921, dưới chính quyền Xô Viết nó mới được trùng tu và năm 1922, điền trang Mikhailovxkoe được coi là một khu bảo tồn văn hóa…
 A.X. Puskin (1799 -1837).
Năm 1995, theo một nghị định của Chính phủ Liên bang Nga, điền trang Mikhailovskoe đã được chuyển thành Bảo tàng Lịch sử, Văn học và Cảnh quan Thiên nhiên Nhà nước, đã được đưa vào Bộ luật Nhà nước về những hiện vật đặc biệt có giá trị của di sản văn hóa các dân tộc thuộc Liên bang Nga.

Năm 1995 - 2001, để chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 200 năm ngày sinh của A. Pushkin, công việc trùng tu và phục hồi đã được thực hiện tại các điền trang của Trigorskoe, Mikhailovskoe và Petrovskoye; trên lãnh thổ của tu viện Svyatogorsky, khu mộ gia tộc Puskin đã được tu bổ. Bộ sưu tập quỹ bảo tàng của Khu bảo tồn A. Puhkin có hơn 45.000 đơn vị lưu trữ, bao gồm các di vật gia đình của gia đình A. Puskin, các vật phẩm lưu niệm...

Tiếp theo, vào năm 2013, nó đã được tuyên bố là di sản văn hóa Quốc gia Nga.

Với quyết định này, lãnh thổ của nó được mở rộng bao gồm các điền trang của những người cùng thời có quan hệ với A.X. Puskin, những sự kiện, địa danh mà ông lui tới, hay thể hiện trong thơ như khu định cư Golubov, Lysaya Gora, Voskresensky, Deriglazov, Vrev và Veluvie, bao gồm tới 9700 héc ta.

Bảo tàng A. Pushkin

Từ Pskov đến Mikhailovxkoe dù là bằng máy bay, tàu hỏa hay ô tô, trên các nẻo đường đều có những bản hướng dẫn rất cụ thể lối đến bảo tàng. Để đến bảo tàng, xe đi trên con đường rừng giữa những hàng sồi nhiều tuổi, những hàng bạch dương cao vút đang thắm vàng dưới bầu trời xanh biếc khi mùa Thu đang đến.

Dường như toàn bộ cảnh vật trong điền trang, nó như là những bức tranh minh họa của các tác phẩm của nhà thơ Nga vĩ đại, đó là cây sồi gần ba trăm năm tuổi, khuôn mẫu của câu chuyện cổ “mang hương vị Nga” Ruxlan và Liutmila; hàng ghế gỗ kê dưới hàng cây trầm mặc; hay chiếc cầu bắc qua dòng suối nhỏ… và đặc biệt là con đường thơ mộng mang tên Kern, người mà A. Puskin tặng những vần thơ say đắm: “Anh nhớ mãi phút giây huyền diệu”…

Bảo tàng A. Pushkin là một ngôi nhà hai tầng, một phía cửa hướng về những cánh rừng bát ngát, và một phía hướng về phía bờ sông và thảo nguyên bao la. Ở đây, trong bảo tàng, những người hướng dẫn không hề gọi là Pushkin một cách sách vở, mà bao giờ cũng gọi đầy đủ họ, tên và tên đệm: Alekxaxdr Xergheevits Puskin một cách đầy tôn kính theo phong tục của người Nga. Điều đó, muốn nói lên sự trân trọng và yêu quý biết nhường nào của Nhân dân Nga đối với nhà thơ.

Trong những năm phát xít Đức chiếm đóng, Mikhailovxkoe đã bị phá hoại nặng nề: Nhà bảo tàng bị cướp bóc và thiêu rụi, cây cối trong công viên bị chặt và mìn đặt khắp nơi trong trang trại. Tại làng Voronichi, nhà thờ Phục sinh bị đốt cháy, nhà thờ Thánh Nicholas ở Tu viện Svyatogorsk bị phá hủy, các tòa nhà khác của tu viện bị tàn phá và cướp bóc.

Sau chiến tranh, những người làm công tác bảo tồn đã phải tôn tạo lại theo đúng thiết kế ban đầu. Giờ đây, mọi thứ trong bảo tàng đều được phục hồi dường như nguyên trạng thời nhà thơ còn sống; hàng chồng bản thảo, chiếc bút lông ngỗng, chiếc chao đèn, nghiên mực xa xưa được bảo quản như báu vật. Thậm chí một chiếc đôn ghế mà có lần tiểu thư Kern đến thăm, đặt chân lên đó, vẫn được đặt nằm bảo quản trong khuôn kính.

Dường như thời gian A. Puskin sống và viết trong những căn phòng tịch mịch của thế kỷ XIX không hề trôi đi mà đọng lại một cách sinh động qua bao kỷ vật. Có cảm tưởng rằng, trong căn phòng nhỏ, bên chiếc bàn viết màu vàng nhạt kia, A. Pushkin vẫn còn đăm chiêu ngồi viết dưới ánh sáng tỏ mờ của ngọn nến. Chưa đầy hai năm, tại nơi này, ông đã viết nên gần một trăm bài thơ, những tác phẩm bất tử như “Borix Godunov” và những chương đầu của tiểu thuyết bằng thơ “Evghenhi Onheghin”, hàng loạt vở bi kịch, góp phần đưa văn học Nga “từ một người học trò không thuộc bài, thành bậc thầy của văn học châu Âu” như các nhà nghiên cứu từng viết.

Xúc động nhất là căn phòng giản dị của nhũ mẫu Arina Radionovna, người đã đi theo suốt cả cuộc đời A. Puskin, người mà nhà thơ coi như một người mẹ: “Tay già lần mũi kim đan/Như đang đếm bước thời gian chậm buồn”. Mỗi một cuộn len đan, chiếc áo cũ, chiếc khăn choàng của người nhũ mẫu gốc gác nông dân này đặt trên chiếc ghế gỗ trong bảo tàng, đã làm lay động trái tim của những khách thăm yêu mến A.Pushkin.

Ngôi mộ của nhà thơ

Quãng đường từ bảo tàng Mikhailovxkoe đến mộ của A.Pushkin khoảng chục cây số. Dọc con đường hành hương đó, có rất nhiều điểm bán hoa tươi. Bất cứ ai đến đây, đều dừng lại mua hoa và mua nến đến viếng mộ.

Trong cuộc đấu súng với Dantex, A. Pushkin bị thương nặng, hai hôm sau, ngày 10 tháng hai (theo lịch cũ 29/1), nhà thơ vĩ đại, niềm vinh quang của nước Nga trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 37, ở độ tuổi tràn trề sức sáng tạo. Lễ viếng nhà thơ theo kế hoạch sẽ diễn ra tại nhà thờ Ixaakievxki Xanh Peterburg, nhưng sau đó, theo lệnh của Nga hoàng Nhicolai I, thi hài được chuyển đến nhà thờ Konhiusennaia nhỏ hơn dành cho những người thân cận. Trong hai ngày 13 và 14/2, thi hài ông được chuyển theo xe trượt tuyết đến Pskov và ngày 16/2, lúc 6 giờ sáng, A.Puskin được an táng cạnh tu viện Svyatogorsk, bên cạnh mộ của mẹ ông.

Bốn năm sau khi ông mất, năm 1841, ngôi mộ của ông được xây bằng đá trắng, giản dị nhưng trang nghiêm, ngay bên cạnh tường tu viện. Từ đây, có thể nhìn thấy cả dải rừng Nga trải rộng, con đường uốn quanh sườn đồi dẫn tới Mikhailovxkoe.

Tu viện Svyatogorsk nằm trên đồi cao, xung quanh là cả một khu rừng phong, bạch dương vàng rực khi mùa Thu đến. Hàng dòng người Nga, người nước ngoài yêu mến thi ca xếp hàng dài đến viếng và kính cẩn nghiêng mình trước mộ phần của nhà thơ Nga vĩ đại. Đúng như lời tiên tri trong bài thơ “Đài kỷ niệm”, ông viết một năm trước khi tạ thế, năm 1836:
Sẽ mãi còn đây lòng yêu mến của Nhân dân

Bằng thơ ca tôi đã từng thức dậy điều tốt đẹp

Đã ca ngợi tự do trong thế kỷ đầy khắc nghiệt

Và đã gọi ban ơn cho những kẻ khốn cùng.

Vừa qua, một sự kiện rất lớn đối với nước Nga và những tín đồ yêu văn học, ngày 5/7 năm 2021, Tổng thống Nga V.Putin đã ký sắc lệnh kỷ niệm A. Pushkin vào năm 2024, bao gồm một loạt chương trình, trong đó có việc trùng tu các bảo tàng, nhà tưởng niệm nhà thơ trên khắp lãnh thổ nước Nga, xuất bản sách vở, dàn dựng các vở kịch, số hóa toàn bộ bản thảo tác phẩm của A. Pushkin, tổ chức các hoạt động để vinh danh nhà thơ lớn của dân tộc.

Có thể nói rằng, ngoài nước Nga ra, ở Việt Nam, A. Pushkin được dịch, in và giới thiệu nhiều nhất, không hề kém cạnh bất cứ một nước nào trên thế giới.

Điều đó, muốn nói lên rằng, dù xa cách hàng ngàn dặm, nhưng A. Pushin nói riêng và nền văn học Nga nói chung, vẫn luôn gắn bó và có ảnh hưởng rất lớn đối với đời sống văn học của Việt Nam.

Matxcova 11/2021
A.Pushkin luôn đồng hành cùng với Nhân dân Nga trong suốt chặng đường dài lịch sử, ông mãi mãi là “Mặt trời của nền thi ca Nga”. Thơ của ông đã và đang vượt qua thời gian và những khoảng cách địa lý, đem tình yêu và khát vọng tự do đến với nhân loại.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần