Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Minh bạch để thoái vốn hiệu quả

Khắc Kiên ghi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để việc thoái vốn hiệu quả rất cần minh bạch, rõ ràng, quy định rõ trách nhiệm của từng bộ phận cổ phần hóa.

 Chủ tịch Hội đồng Thành viên EVN Dương Quang Thành
Sắp xếp, tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) là nhiệm vụ chính trị quan trọng, đột xuất trong năm 2017 của tất cả cán bộ, đảng viên, bởi vì chúng ta đã có nhiều chủ trương của T.Ư, của Quốc hội, của Chính phủ nhưng chúng ta làm chưa được bao nhiêu, kể cả thoái vốn, kể cả cổ phần hóa và sắp xếp lại – đó là kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác sắp xếp, đổi mới DNNN giai đoạn 2016 – 2020, diễn ra ngày 6/12.
Bên lề Hội nghị, ông Dương Quang Thành – Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chia sẻ với báo chí xung quanh vấn đề này.
Theo ông Dương Quang Thành để việc thoái vốn hiệu quả rất cần minh bạch, rõ ràng, quy định rõ trách nhiệm của từng bộ phận cổ phần hóa.

EVN thoái vốn cao hơn giá trị sổ sách

Quá trình thoái vốn của DN Việt Nam hiện nay diễn ra thế nào và kết quả đã đạt được, thưa ông?

- Thoái vốn đầu tư ngoài ngành sản xuất, kinh doanh chính theo chỉ đạo của Chính phủ tại Quyết định số 1782/2012/QĐ-TTg, trong hơn 3 năm qua, EVN đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, nhất là các đơn vị quản lý, cũng như Bộ Công Thương để thực hiện cổ phần hóa, sắp xếp lại DN của ngành. Do đó, EVN quán triệt cho các đơn vị cổ phần hóa của tập đoàn, liên quan đến hồ sơ, sổ sách… và điều quan trọng nhất là giá trị DN cho đúng với quy định cấp phép của Chính phủ. Ban Dự toán Nhà nước của EVN đã xây dựng các đề án để thoái vốn và thực hiện thoái vốn đúng quy định trong việc định giá tài sản. Trong danh mục các dự án, các công ty, tập đoàn đầu tư như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, bảo hiểm, tài chính… Tập đoàn đã thoái toàn bộ vốn các danh mục kinh doanh tài chính theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

3 yêu cầu lớn về tái cơ cấu DN Nhà nước

Thứ nhất, cần tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy cổ phần hóa và tạo môi trường cạnh tranh, cả thị trường đầu vào và đầu ra trong hoạt động của DNNN. Sự yếu kém của DNNN là bởi lãnh đạo DNNN không phải là chủ sở hữu thật nên ít có động lực cao độ để làm việc hiệu quả và cũng không bị giám sát chặt chẽ bởi chủ sở hữu hay thị trường như trường hợp DN tư nhân. DNNN thường hoạt động trong môi trường ít cạnh tranh, cả thị trường đầu vào và đầu ra.

Thứ hai, khu vực DNNN phải nhỏ đi, từng DNNN phải mạnh nhưng hiệu quả phải cao hơn. Vốn Nhà nước phải phát huy tác dụng tốt hơn.

Thứ ba, phải tái cơ cấu DNNN, giải phóng nguồn lực, để tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững hơn. Cái gì tư nhân làm tốt, thị trường làm tốt thì Nhà nước sẽ rút dần ra, còn những lĩnh vực cần có vai trò của Nhà nước thì phải tính toán quản lý cho minh bạch, hiệu quả hơn. Nhà nước phải nắm tỉ lệ cao hơn trong các lĩnh vực như quốc phòng, điện lực, lương thực… Để điều hành chính sách tiền tệ, ngân hàng thương mại Nhà nước phải nắm tỷ lệ cao hơn. Tôi lấy ví dụ như thế. Những cái khác không phải cân đối quan trọng của kinh tế, xã hội thì tư nhân có thể làm, chúng ta hoan nghênh.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Hiện nay, toàn bộ các lĩnh vực, ngân hàng, bất động sản, bảo hiểm… Tập đoàn đã thoái hết vốn. Còn lại các công ty tài chính, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn đã thoái toàn bộ dưới 15% theo quy định. Tập đoàn đã trình Bộ Công Thương cho phép tái cơ cấu toàn bộ các bộ phận còn lại. Như vậy, việc thoái vốn của công ty cổ phần tài chính điện lực thì sang tháng sẽ hoàn thành và hiện nay, Tập đoàn thoái vốn với giá trị cao hơn giá trị sổ sách và thặng dư là 34,8 tỷ đồng.

Vậy trong quá trình thoái vốn, khó khăn lớn nhất mà EVN gặp phải là gì? Và EVN có kế hoạch gì để đảm bảo thoái vốn đạt hiệu quả cao nhất, thưa ông?

- Khó khăn lớn nhất trong thời gian vừa qua là thị trường chứng khoán không được như mong muốn, và EVN cũng không nằm ngoài quy luật khi mà tham gia dự án trên thị trường đã gặp phải những hạn chế trong quá trình thoái vốn. Tuy nhiên, lượng vốn mà Tập đoàn đầu tư vào các lĩnh vực không phải sản xuất như tài chính cũng không lớn, do đó chỉ có 1.995 tỷ đồng EVN cũng tập trung để thoái vốn và thu về 1.994 tỷ đồng nên việc thoái vốn đang thực hiện quyết liệt và cũng đạt được những kết quả nhất định.

Theo quy định của Tập đoàn, thoái vốn và cạnh tranh trên sàn khi xác định giá trị DN đều phải thuê tư vấn có năng lực để xác định giá trị DN và lập phương án cổ phần hóa. Quan trọng nhất là khi cạnh tranh trên sàn thì giá trị DN sẽ được thị trường, các nhà đầu tư định giá minh bạch nhất để đảm bảo không thất thoát vốn của Nhà nước, mang lại hiệu quả cho nhà đầu tư khi đưa ra cổ phần hóa.

Quy định rõ chức năng

Để việc cổ phần hóa được tốt hơn, theo ông có cần điều chỉnh, sửa đổi một số quy định hiện hành?

- Để việc cổ phần hóa, thoái vốn triển khai thuận lợi, Ban chỉ đạo cổ phần hóa bao gồm các bộ, ban ngành nên quy định rõ chức năng nhiệm vụ của từng bộ phận cổ phần hóa, để khi thực hiện minh bạch, rõ ràng. Bản thân EVN khi thoái vốn tại DN ngoài ngành; sắp xếp, tái cấu trúc Tập đoàn; tiến độ triển khai cổ phần hóa một số tổng công ty phát điện;.... đã gặp một số khó khăn, vướng mắc. Chẳng hạn, vướng mắc về quy định làm trong việc chọn tư vấn có năng lực gặp khó khăn; đề nghị sửa đổi một số quy định trong Nghị định 59 và Nghị định 116. Đặc biệt, đề nghị sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định 99,... lúc đó việc cổ phần hóa sẽ thuận lợi hơn.
 Công nhân EVN bảo dưỡng trạm biến áp 110kV Bắc An Khánh, huyện Hoài Đức.   Ảnh: Ngọc Hà
Thủ tướng có ý kiến nên để các nhà DN tư nhân đầu tư vào lĩnh vực điện lực, đừng để cho Nhà nước gánh nợ mãi, ông có ý kiến gì về yêu cầu này?

- Cái đó Thủ tướng Chính phủ đã kêu gọi lâu rồi, kêu gọi các nhà đầu tư ngoài Tập đoàn, các DN nước ngoài thực hiện dự án theo phương thức BOT. Hiện nay, EVN đang thực hiện chủ trương ấy, Bộ Công Thương cũng đang tích cực để triển khai các dự án. Hiện nay, một số nhà đầu tư, như nhà đầu tư ở Vinh Tân 1 đang xây dựng nhà máy, một số nhà đầu tư cũng đang đang đàm phán BOT. Đây là định hướng đúng của cổ phần hóa trong việc xã hội hóa nguồn các ngành nghề không cần Nhà nước đầu tư, cũng như không phải chi phối… Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng có những vướng mắc của chủ đầu tư như việc bảo lãnh ngân hàng, đổi ngoại tệ, đàm phán giá điện, các lĩnh vực khác. Trong quá trình ấy, Bộ Công Thương cũng như EVN đang báo cáo Thủ tướng để tháo gỡ. Hiện nay, có 10 dự án đang trong quá trình đàm phán. Hy vọng trong thời gian tới sẽ giải quyết và đưa vào hoạt động.

Xin cảm ơn ông!

Theo số liệu của Bộ Tài chính, với 350 DN đã cổ phần hóa năm 2015, kết quả lợi nhuận trước thuế tăng 49%, nộp ngân sách tăng 27%, vốn điều lệ tăng 72 %, tổng tài sản tăng 39%, doanh thu tăng 29%, thu nhập người lao động tăng 33%…