Minh bạch trong quản lý, sử dụng nhà ở công vụ: Tránh trục lợi về chính sách

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng Chính phủ đã chính thức giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất chính sách tổng thể về nhà ở đối với cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) trong hệ thống chính trị.

Vấn đề này lại được dư luận đặc biệt quan tâm. Bởi cách đây ít lâu, Bộ Xây dựng công khai danh tính của 12 vị lãnh đạo có hàm từ Thứ trưởng trở lên đã nghỉ hưu nhưng không bàn giao lại nhà công vụ.
Quản lý lỏng lẻo
Luật sư Đỗ Pháp – Trưởng văn phòng Luật sư Đỗ Pháp cho biết, từ khi có nhà ở công vụ, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đi kèm đã được xây dựng tương đối hoàn chỉnh, rõ ràng. Cụ thể như Luật Nhà ở 2005, Nghị định 71/2010/NĐ-CP hướng dẫn Luật Nhà ở, Nghị định 34/2013/NĐ-CP về quản lý và sử dụng nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước, Quyết định 09/2008/QĐ-TTg quy định nguyên tắc thiết kế và tiêu chuẩn sử dụng nhà ở công vụ, Thông tư 16/2010/TT-BXD hướng dẫn Luật Nhà ở, Thông tư 01/2014/TT-BXD, Thông tư số 09/2015/TT-BXD hướng dẫn quản lý sử dụng nhà ở công vụ...
“Tuy nhiên, việc quản lý loại hình nhà ở này trong thời gian qua hết sức lỏng lẻo dẫn tới việc có nhiều cán bộ lãnh đạo các cơ quan T.Ư bị nêu tên sau khi nghỉ hưu không chịu trả lại nhà công vụ. Vấn đề này có lỗi từ cả người sử dụng và cơ quan quản lý” – luật sư Đỗ Pháp nhìn nhận.
 Nhà công vụ tại ngõ 31 phố Hoàng Cầu, Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Theo Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam, KTS Phạm Thanh Tùng, chủ trương làm nhà công vụ rất đúng nhưng sử dụng như thế nào lại là vấn đề khác. Nhà nước xây dựng nhà công vụ để phục vụ những cán bộ thuộc diện phải luân chuyển từ các địa phương khác đến nhưng vì số lượng nhà công vụ không nhiều nên sau khi hết thời gian công tác, người được phân nhà công vụ phải có trách nhiệm trả lại nhà để cho người khác đến ở.
“Trong hợp đồng thuê nhà công vụ cũng phải quy định rõ ràng sau thời gian nghỉ hưu bao lâu phải trả lại nhà. Căn cứ vào những điều khoản đó, người được ở nhà công vụ phải có trách nhiệm bàn giao lại nhà sau khi đã hết thời gian công tác và thời gian được phép sử dụng” – KTS Phạm Thanh Tùng nói.
Từ những câu chuyện về nhà ở công vụ trước đó hay như mới đây, một vị nguyên Thứ trưởng của một bộ sau khi nghỉ chế độ đã viết thư gửi Thủ tướng với nguyện vọng thuê lại nhà công vụ đang ở tại khu Hoàng Cầu, Hà Nội. Rồi sau đó, vị này lại trả nhà công vụ càng khiến dư luận băn khoăn về việc quản lý, sử dụng quỹ nhà này.
Để minh bạch trong quản lý nhà công vụ, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất chính sách tổng thể về nhà ở đối với CBCCVC trong hệ thống chính trị. Trong đó, nhấn mạnh về việc giao đất để làm nhà ở thương mại (NƠTM) bán cho lãnh đạo, cán bộ cao cấp, CBCCVC nhằm cải thiện nhu cầu về nhà ở và bảo đảm phù hợp quy định pháp luật. Đồng thời, phải có báo cáo đầy đủ, rõ ràng về việc chuyển đổi quy hoạch từ nhà ở xã hội (NƠXH) sang NƠTM và hình thức giao đất để đầu tư xây dựng NƠTM.
Về vấn đề này, KTS Trần Huy Ánh – Hội KTS Hà Nội cho rằng, các cơ quan được Thủ tướng giao việc cần phải có cái nhìn công tâm, khách quan vì quy định về NƠXH và NƠTM khác nhau hoàn toàn. NƠTM là sản phẩm được đầu tư xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua theo cơ chế thị trường; còn NƠXH là có sự hỗ trợ từ Nhà nước dành cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở theo quy định của Luật.
“Không ít dự án khi triển khai thì xin cơ chế về NƠXH nhưng khi đưa ra bán thì lại xin chuyển đổi thành NƠTM, câu chuyện “xin – cho” vẫn nhức nhối từ nhiều năm nay. Vì vậy, nếu không rõ ràng ngay từ đầu thì sẽ dẫn đến việc trục lợi về chính sách” – KTS Trần Huy Ánh nhìn nhận.
Cần bảo đảm minh bạch
Liên quan đến vấn đề này, quan điểm của Bộ Xây dựng cho rằng, quy định hiện hành của pháp luật về đất đai thì các dự án đầu tư xây dựng NƠTM để bán, cho thuê, cho thuê mua thuộc trường hợp Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất. Trường hợp cho phép đầu tư NƠXH phải thực hiện theo đúng quy định về Luật Nhà ở và Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ.
Trong đó, chủ đầu tư dự án được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với dự án; nhà ở thuộc dự án được bán cho những đối tượng là người thu nhập thấp (bao gồm CBCCVC) và người khó khăn về nhà ở. “Trường hợp địa phương nào có nhu cầu đầu tư xây dựng nhà ở cho CBCCVC, cần báo cáo về cơ chế, chính sách áp dụng đối với từng dự án cụ thể để Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định” – đại diện Bộ Xây dựng cho hay.
Theo Luật sư Nguyễn Hồng Thơm – Hội Luật gia Việt Nam, việc các cơ quan Nhà nước xây dựng nhà ở cho cán bộ trong thời gian gần đây xảy ra nhiều bất cập. “Không ít dự án về hình thức thì đã đi vào vận hành một cách êm đẹp nhưng thực tế nhiều suất nhà cán bộ không có nhu cầu ở nhưng vẫn đăng ký để được mua với giá ưu đãi. Sau đó bán sang tay theo giá thị trường để kiếm lời” – luật sư Nguyễn Hồng Thơm thông tin.
Chia sẻ với phóng viên, nguyên cán bộ Sở Công Thương Hưng Yên Bùi Văn Cầu (đảng viên lão thành 55 năm tuổi Đảng) cho rằng, Nhà nước nên dành nguồn lực đầu tư để hỗ trợ cho những đối tượng là CBCCVC công tác ở những khu vực có điều kiện làm việc, sinh hoạt khó khăn để họ có động lực và đạt kết quả cao hơn hơn trong quá trình công tác.
Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam Phạm Thanh Tùng cho biết, theo quy định của Nhà nước, những người có hàm từ Thứ trưởng trở lên mới thuộc diện được phân nhà ở công vụ. Nhưng thực tế, việc luân chuyển cán bộ không chỉ dành riêng đối với những người từ hàm Thứ trưởng trở lên, mà còn các cấp hàm thấp hơn như Cục trưởng, Vụ trưởng, thậm chí có cả chuyên viên. Vấn đề này trong quy chế chưa quy định, như vậy họ sẽ gặp khó khăn về chỗ ở và phải tự đi thuê nhà.
“Việc xây dựng các dự án nhà ở cho CBCCVC mua, thuê hoặc thuê mua là hợp lý và nên làm. Nhưng ở nước ngoài họ không có quy chế phân nhà. Những ai có nhu cầu đều phải trả tiền thuê theo giá thị trường, hàng tháng Nhà nước sẽ hỗ trợ một khoản theo quy định đưa vào lương và cán bộ sẽ trích phần đó ra để đi thuê nhà công vụ hoặc thuê ở các dự án xã hội hóa. Việt Nam cũng cần phải thực hiện như vậy để bảo đảm sự minh bạch” – KTS Phạm Thanh Tùng cho hay.

"Nhà công vụ là tài sản của Nhân dân, của đất nước. Nhà công vụ giao cho quan chức trong thời gian tạm thời, nếu có quyết định về hưu rồi mà vẫn không trả nhà công vụ thì có thể coi là hành động chiếm đoạt tài sản của Nhà nước." - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội Lê Như Tiến


"Nhà nước nên quy định về việc thuê nhà đối với tất cả CBCCVC theo giá thị trường. Người có hệ số phụ cấp cao có thể thuê căn hộ rộng hơn, tiện nghi hơn và ngược lại, để bảo đảm sự công bằng. Vì hiện nay, chính sách cho đối tượng nhà ở công vụ là người có hàm Thứ trưởng trở lên, như vậy sẽ không công bằng cho những người hàm thấp hơn nếu phải luân chuyển công tác." - KTS Nguyễn Văn Thanh - Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần