KTĐT - Cho rằng, con học hành tổn hao sức lực, chị Trang đề ra một chế độ ăn uống riêng. Trong mỗi bữa ăn, ngoài những món chung của cả gia đình, con của chị Trang luôn có riêng một đĩa thịt gà luộc, vịt quay hay chim câu rán cỡ 500 gram để tẩm bổ.
Thấy con khóc lóc thảm thiết đòi tắm mưa cho bằng được, chị Thúy bèn gọi tài xế taxi chở con đi lòng vòng quanh thành phố. Một bộ phận gia đình khá giả không chỉ có những thú chơi xa xỉ, khác người mà cách chiều con của họ cũng thật "chẳng giống ai".
Cho đẹp lòng con...
Đang lúc trời mưa to, thằng con trai 3 tuổi của chị Thúy, ngụ ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng (Q.7, TP.HCM) cứ lăn ra sàn nhà ngằn ngặt khóc, mặc cho ông, bà ngoại quýnh quáng, bố và mẹ làm đủ trò từ đóng giả Tôn Ngộ Không đến Bạch Cốt Tinh để dỗ dành.
Trời mưa, cu cậu đòi ra ngoài trời tắm mưa. Đang lúc vợ chồng Thúy xót hết cả ruột vì sợ con khóc lâu khan giọng, nghẹt mũi, rồi biết đâu… tắc thở thì nguy, bà ngoại bỗng nghĩ ra một sáng kiến.
Bà bấm điện thoại di động, gọi taxi đến, đưa cho bác tài 200.000 đồng chỉ để chở hai bà cháu đi lòng vòng ngoài mưa cho đẹp lòng thằng nhóc.
Thấy đòi hỏi được đáp ứng, cậu con của chị Thúy nín ngay, cười khanh khách. Cả nhà ai cũng thở phào nhẹ nhõm. Chồng Thúy còn tự trách: “Có thế mà cũng không nghĩ ra để thằng nhỏ nức nở nãy giờ, tội nghiệp!”
Mới tí tuổi đầu nhưng con chị Thúy đã được cả nhà đầu tư cho học trường mầm non quốc tế với mức học phí khoảng 500 USD/tháng. Bà ngoại thương cháu phải đi học “vất vả” nên có chế độ đãi ngộ đặc biệt để bù đắp.
Ngày nào cũng thế, trong lúc cháu ở trường, bà bắt xe ôm đi hết các nơi bán đồ chơi ngoại, ngắm nghía. Cứ 4h chiều, đi học về nhà là cu cậu luôn được chào đón với một chiếc ôtô điều khiển từ xa hay con rôbốt trị giá vài trăm ngàn đồng để sẵn trên bàn.
Riết rồi thành quen việc đi học về phải có đồ chơi mới. Hôm nào, bà ngoại bận, không mua đồ chơi được là y như rằng, tối đó thằng bé gào thét, khóc lóc inh ỏi.
"Mình có tiền không sợ… thằng nào hết"
Không chỉ riêng gia đình Thúy mà gia đình chị Trang, ngụ tại khu Thảo Điền, Q.2, TP.HCM cũng có cách chiều con rất "ngộ".
Con trai của chị Trang năm nay 13 tuổi nhưng nặng đến 64kg. Ấy vậy, trong mắt hai vợ chồng chị, con mình vẫn còn… “gầy” lắm.
Cho rằng, con học hành tổn hao sức lực, chị Trang đề ra một chế độ ăn uống riêng. Trong mỗi bữa ăn, ngoài những món chung của cả gia đình, con của chị Trang luôn có riêng một đĩa thịt gà luộc, vịt quay hay chim câu rán cỡ 500 gram để tẩm bổ.
Ăn nhiều quen bụng, mỗi lần đi đám cưới hay đám giỗ cùng cha mẹ, khi phải chờ lâu, nó đều nhăn nhó than đói khiến chị Trang dù ngượng chín người cũng phải nói với gia chủ cho xin trước cái đùi gà hay đĩa cơm chiên để cu cậu dằn bụng.
Chưa hết, tiêu chí của hai vợ chồng chị Trang đặt ra là con mình luôn luôn đúng và ý tưởng của con càng khác thì mới cho là "sáng tạo".
Một lần đi nghỉ mát ở Đà Lạt cùng cả lớp, khi trở về cu cậu phấn khởi kể cho cha mẹ nghe trong bữa cơm tối quây quần: “Đi chơi vui lắm! Mà ra đời rồi mới biết thiên hạ nó láo. Mẹ biết không, mấy đứa bọn con chui sang phòng của nhau, kê giường lại ngủ chung. Thằng Tuấn nó giỡn lấy vòi hoa sen xịt nước ra sàn. Chỉ có vậy mà ông chủ khách sạn chạy lên la nó. Ba thằng Tuấn làm to, nhà nó có cả chục cái khách sạn như thế, nên nó mắng lại ông chủ rằng cái khách sạn nhà ông chỉ bằng cái garage nhà tôi. Ông làm kinh doanh mà không biết khách hàng là thượng đế à? Thế là ông chủ khách sạn nín thinh, cắm đầu đi luôn. Mẹ thấy nó nói hay không?”.
Nghe con trai kể chuyện, vợ chồng chị Trang ồ lên thán phục: “Đấy con thấy chưa, mình có tiền, ra đời là để cho chúng nó phải phục vụ mình. Lúc nào mình cũng phải tự tin ở tư thế ngẩng cao đầu, không phải sợ gì hết (?)”.
Hội chứng cưng con chiếm 40% ca bệnh tâm lý
Trước những tình huống chiều con oái oăm và mù quáng như trên, BS Thái Thanh Thủy, Trưởng khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM cho biết, việc cưng con thái quá không phải là thương con mà thực chất chỉ là nhằm để phụ huynh thỏa mãn bản thân. Tuy nhiên, những đứa con của họ lại là kẻ phải gánh chịu hậu quả về sau này bởi nhân cách bị rối loạn, không hòa nhập được với xã hội.
Theo bác sĩ Thủy, đó gọi là hội chứng cưng con, vốn chiếm tới 40% tổng số ca bệnh cần tư vấn tại Khoa Tâm lý của Bệnh viện Nhi Đồng 2 mỗi năm.
Bác sĩ Thủy cho biết, khi trẻ được 2 tuổi đã hiểu cái gì được phép và không được phép, nếu không tức là về mặt tâm lý có điều bất thường.
Trong những tình huống cấp cứu về mặt tâm lý (lúc trẻ đòi hỏi, la hét, lăn ra sàn ăn vạ…), cha mẹ không nên nương theo cũng như đánh đập, la mắng vì như vậy sẽ làm tổn thương bé. Cách hay nhất là nhìn thẳng vào mắt bé nói không một cách dứt khoát rồi lơ đi (trong tầm kiểm soát).
Đối với những trường hợp lỡ đánh con, cha mẹ cũng không nên xin lỗi mà giải thích cho bé hiểu vì sao phải đòn. Hành động xin lỗi là củng cố cái ấm ức và gợi lại sự tổn thương cho trẻ.
Khi bé đòi hỏi quá đáng thì phải bị trừng phạt. Cha mẹ hãy tách bé ra, cho vào một phòng riêng an toàn. Có thể bé sẽ la hét rất dữ nhưng điều đó nên làm vì bé cần ở một mình để nghĩ về những việc làm sai. Y học đã nghiên cứu, bé ở độ tuổi lên 2 thì nhốt 2 phút, lên 3 nhốt 3 phút và lên 4 nhốt 4 phút.
Tuy nhiên, "hình phạt" này không được áp dụng với trẻ từ 7 tuổi trở lên bởi khi ấy cái tôi của trẻ đã hoàn chỉnh và sẽ cảm thấy bị xúc phạm.
Đối với trường hợp của nhà chị Trang, bác sĩ Thủy cho rằng đó không phải lỗi ở riêng đứa trẻ mà là sự sai lệch hệ thống của cả gia đình. Từ 7 tuổi trở lên, trẻ đã hình thành nhân cách nên rất khó điều trị về tâm lý.
“Nếu các ông bố bà mẹ cứ cổ vũ để con quá tự do mà không hướng chúng đến điều hay lẽ phải thì đứa con đó không chỉ thiếu tôn trọng những người xung quanh mà sẽ đối xử như vậy với cả chính cha mẹ mình. Những đứa trẻ đó, về sau này, rất dễ bị rối loạn nhân cách, không hòa nhập được với xã hội” – bác sĩ Thủy khuyến cáo.