Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mở cửa với nhà đầu tư nước ngoài

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Phát triển giao thông công cộng (GTCC) nói riêng và đường sắt đô thị nói chung có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế -xã hội của Thủ đô và cả nước.

Mặc dù hầu hết các dự án đều được đề ra chi tiết nhưng việc thực hiện lại đang gặp phải không ít khó khăn. Để có giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc khi triển khai các dự án đường sắt đô thị, mới đây, Cơ quan Phát triển quốc tế Pháp (UBIFRANCE) vừa tổ chức Hội thảo "Giao thông đô thị tại Việt Nam".

Vẫn còn nhiều trở ngại

Với mức tăng trưởng GDP hơn 7%/năm, dân số tăng mỗi năm trên một triệu người và tốc độ đô thị hóa nhanh, nhu cầu đi lại của người dân ngày càng lớn hơn. Tuy nhiên, theo ghi nhận, quỹ đất dành cho giao thông của Hà Nội chỉ chiếm khoảng 8% (tức chỉ đạt 1/3 quỹ đất tiêu chuẩn theo yêu cầu phát triển ở các đô thị), tốc độ gia tăng số lượng phương tiện giao thông lên tới 12%/năm, trong khi các phương tiện GTCC (chủ yếu là xe buýt) lại chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu đi lại. Điều này không chỉ tác động tiêu cực tới chất lượng cuộc sống của người dân do tình trạng tắc đường, ô nhiễm môi trường (tiếng ồn, khói bụi…) và chi phí cơ hội (thời gian), mà trong dài hạn còn có nguy cơ ảnh hưởng đến mức tăng trưởng của nền kinh tế.

Mở cửa với nhà đầu tư nước ngoài - Ảnh 1
Các trụ cầu của Dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông (Hà Nội) đang được hoàn thiện.Ảnh: Thanh Hải
Trong bối cảnh đó, việc phát triển vận tải đường sắt đô thị được xem là vấn đề cốt lõi với mục tiêu làm giảm thiểu tắc nghẽn giao thông. Quy hoạch tổng thể của Hà Nội sẽ xây dựng 8 tuyến đường sắt đô thị. Dự kiến, tuyến metro thí điểm đầu tiên đoạn Ga Hà Nội - Nhổn sẽ chính thức được vận hành vào năm 2016. Tuy nhiên, đó có lẽ là điểm sáng hiếm hoi trong quy hoạch phát triển đường sắt đô thị tại Hà Nội, bởi hiện tại, nhiều gói thầu của các tuyến còn lại đều đang gặp rất nhiều rào cản, đặc biệt là về nguồn vốn, kỹ thuật và nhân lực có chuyên môn thực hiện. 

Ông Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, Hà Nội hiện chưa có khung pháp lý đầy đủ và phù hợp cho các dự án xây dựng không gian ngầm đô thị; thiếu các quy định áp dụng cho các tiêu chuẩn, quy chuẩn chuyên ngành. Bên cạnh đó, đầu tư vào các dự án hầu hết là tiền đi vay nên việc phải cùng lúc áp dụng nhiều điều khoản (do các tổ chức cho vay đề ra) gây khó khăn cho quá trình quản lý và khai thác cơ sở hạ tầng. 

Ông Nguyễn Văn Quốc, Giám đốc Ban QLDA đường sắt đô thị TP. HCM chia sẻ, hiện TP. HCM có 9 dự án đường sắt đô thị với tổng chiều dài khoảng 100km. Tuy nhiên, do thiếu vốn nên hiện chỉ có một tuyến đang trong quá trình xây dựng (bằng nguồn tài trợ của Chính phủ Nhật Bản), 8 dự án còn lại vẫn đang phải "nằm chờ". 

Tạo cơ hội để nhà đầu tư tiếp cận

Để giải quyết những vấn đề nêu trên, nhiều chuyên gia nhận định, cần sự chung tay của nhiều thành phần kinh tế - xã hội khi tham gia xây dựng các tuyến đường sắt đô thị. Theo GS Vũ Đình Phụng, giảng viên trường Đại học Xây dựng, thành viên Dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội cho biết, trong thời gian tới, TP cần tăng cường đào tạo nguồn nhân lực cho việc quản lý và xây dựng các cơ sở hạ tầng GTCC, đồng thời tranh thủ sự hợp tác, giúp đỡ của các tổ chức nước ngoài. Quan trọng hơn cả là cần tích cực tham mưu cho lãnh đạo TP, các bộ, ban, ngành trong việc đề ra những chính sách khuyến khích phù hợp, cởi mở cho các nhà đầu tư, nhà thầu nước ngoài.

Mở cửa với nhà đầu tư nước ngoài - Ảnh 2
Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đang được triển khai thi công.Ảnh: Thanh Hải  

Trong khi đó, Giám đốc Tập đoàn EGIS Bruno Vantu khẳng định, để thu hút được nhiều hơn vốn cũng như kêu gọi sự tham gia của đông đảo các nhà thầu trong và ngoài nước, TP Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung cần xây dựng và hoàn thiện một hệ thống pháp lý phù hợp, tăng cường tính minh bạch và đẩy nhanh thời gian thực hiện thủ tục đối với các dự án công - tư PPP. Ông cũng đưa ra một ví dụ rất chân thực, đó là dự án đường hầm Đèo Cả mà công ty phải theo đuổi tới 5 năm mới có thể hoàn thiện tất cả các thủ tục pháp lý liên quan để tiến hành thi công.

Công nghệ xây dựng cũng là điều mà nhiều chuyên gia khuyến nghị Chính phủ Việt Nam cần đặc biệt quan tâm, nhằm mang lại độ bền vững và hiệu quả kinh tế trong dài hạn cho các công trình đường sắt đô thị.
"Giao thông công cộng đóng vai trò quan trọng phát triển kết nối đô thị xung quanh. Nếu Hà Nội và TP. HCM chỉ dựa vào xe buýt, taxi thì không thể giải quyết được UTGT nội đô. Vì vậy, cần phải nghĩ đến loại phương tiện khác lớn hơn để đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng. Do đó, giải pháp hướng tới là xây dựng tàu điện ngầm, đường sắt đô thị". - Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Mạnh Hùng