Từ lâu, vấn đề về an toàn lao động trong các làng nghề được nhắc đến nhiều, song tình trạng tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp vẫn không thuyên giảm. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng chủ yếu là do nhiều chủ cơ sở sản xuất không quan tâm đến việc trang bị phương tiện bảo hộ cho người lao động. Thậm chí, chính bản thân người lao động còn thờ ơ với việc tự bảo vệ mình dẫn đến tai nạn lao động.
Đặc biệt, môi trường sống bị ô nhiễm đang trở thành vấn đề bức xúc đối với làng nghề điêu khắc gỗ, đá... Các cơ sở sản xuất mới chỉ thực hiện được việc thu gom chất thải rắn đưa đi chôn lấp; các khâu sản xuất gây tiếng ồn, bụi, khí thải độc hại chưa được bố trí khu riêng và trang bị hệ thống chống ồn, giảm bụi để giảm ảnh hưởng đến khâu khác.
Tham quan mô hình điểm về toàn lao động tại làng nghề.
Một số liệu thống kê của các tổ chức chuyên ngành cho biết, hơn 90% người lao động nông nghiệp và làng nghề tiếp xúc các yếu tố nóng, bụi là 65,89%, tiếng ồn: 48,8%, hóa chất: 59,5%... Đối với tai nạn lao động và bệnh tật thì những nguy cơ gây bỏng, đứt tay chân, điện giật, bệnh hô hấp, bệnh ngoài da, tiêu hóa, phụ khoa luôn chiếm tỷ lệ cao. Cụ thể, hơn 50% số người lao động tại các làng nghề bị nhiễm bệnh liên quan đến hô hấp.
Tình trạng bệnh nghề nghiệp, số vụ tai nạn lao động ngày càng có xu hướng gia tăng tại các làng nghề, một phần do chủ các cơ sở không đầu tư máy móc, thiết bị có độ an toàn cao. Theo đánh giá của ngành chức năng, máy móc sử dụng trong sản xuất tại các làng nghề phần lớn không đảm bảo an toàn. Phần lớn máy móc không có tài liệu kỹ thuật để hướng dẫn, vận hành an toàn thiết bị. Ngoài ra, còn có các máy tự chế, tự lắp ráp từ các bộ phận cũ, chắp vá, nhiều chi tiết hỏng không được thay thế, sửa chữa... Do vậy, nguy cơ gây ra các vụ tai nạn lao động là rất lớn.
Để các làng nghề truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội phát triển bền vững, một số ý kiến cho rằng các cấp uỷ, chính quyền địa phương cần chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho các cơ sở sản xuất và người lao động về công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động - PCCN và bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phòng ngừa bệnh nghề nghiệp và những tai nạn lao động. Có kế hoạch, giải pháp cụ thể, thiết thực hơn, đề xuất, phối hợp với ngành chức năng và thực hiện xã hội hóa đầu tư xử lý phế thải công nghiệp làng nghề, tiếp tục quy hoạch vùng tập trung, đưa sản xuất ra ngoài khu dân cư.
Theo số liệu thống kê, Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề, trong đó thành phố đã công nhận 277 làng nghề (chiếm khoảng 12%tổng số làng có nghề), với 224 làng nghề truyền thống, chiếm đến 67% và đứng đầu danh sách số làng nghề của cả nước.
Hiện tổ chức ILO tài trợ xây dựng thí điểm mô hình vệ sinh an toàn lao động tại cơ sở sản xuất Sơn Đích, thôn Hưng Hiền, xã Hiền Giang, huyện Thường Tín.