Vậy là, cuộc sống của 71 người trong gia phả dòng họ Nguyễn cùng những kỷ vật, bức ảnh, cuốn nhật ký gắn với cuộc đời GS.TS Nguyễn Văn Huyên sẽ được tái hiện trong không gian của bảo tàng mang tên ông.
Bức tranh gia đình Việt
Giới làm bảo tàng rất kính nể PGS.TS Nguyễn Văn Huy, bởi công lao nghiên cứu và làm sống dậy Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Phụ nữ… của ông. Người ta phong ông Nguyễn Văn Huy là "người hùng" bảo tàng. Chính vì vậy, khi thông tin sẽ có bảo tàng ngoài công lập mang tên GS Nguyễn Văn Huyên, người người tấp nập kéo đến làng Lai Xá. Trong các gương mặt ấy không chỉ có giới làm nghề mà rất nhiều khách ngoại đạo. Họ tò mò xem ông Nguyễn Văn Huy tái hiện cuộc đời của vị giáo sư đáng kính trong khuôn viên chưa đầy 150m2, cách xa trung tâm Thủ đô gần 30km như thế nào.
Bước qua cổng làng, nơi tọa lạc Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, ai ai cũng bất ngờ về 400 hiện vật trưng bày gọn gàng, khoa học trong căn nhà 4 tầng theo 3 chủ đề: Tuổi trẻ của GS Nguyễn Văn Huyên, câu
chuyện gia đình và không gian căn phòng làm việc của GS. Tất cả các hiện vật như thẻ thư viện, phích phiếu tư liệu, phiếu phỏng vấn điền dã khi chuẩn bị bảo vệ luận án tiến sĩ; đến cả các thông báo, thư mời dự buổi bảo vệ luận án, các tin tức và bình luận đăng trên báo chí Pháp được gia đình gìn giữ cẩn thận. Thông qua các hiện vật ấy, hy vọng công chúng sẽ có cái nhìn thật nhất, ấn tượng khó phai nhất về một thời điểm lịch sử nhất định, đó là câu chuyện giải phóng hôn nhân của một thế hệ trẻ Việt Nam khỏi cảnh "cha mẹ đặt đâu con ngồi đó", đó là câu chuyện về một gia đình Việt xuyên suốt hơn 1 thế kỷ với 71 người trên phả hệ… "Điều đặc biệt của Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên là câu chuyện của nhân vật chính trong bảo tàng được kể qua lời của những người con, qua những thước phim, silide hoặc qua trích thư, nhật ký" - PGS.TS Nguyễn Văn Huy nói.
Nung nấu 20 năm
20 năm từ sau chuyến thăm bảo tàng Anne Frank ở Hà Lan, PGS.TS Nguyễn Văn Huy quyết định phải thành lập bảo tàng về cha mình. Nếu như câu chuyện của cô bé Anne Frank về một thời kỳ phân biệt chủng tộc chỉ kéo dài trong 3 năm đã thu hút hơn nửa triệu du khách đến bảo tàng mỗi năm, thì câu chuyện của Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên kéo dài hơn một thế kỷ, với đủ giai đoạn đấu tranh chống thực dân Pháp, giải phóng hôn nhân áp đặt, cuộc sống nhiều thế hệ của gia đình Việt. Những câu chuyện đó khiến tư duy của người làm nghề bảo tàng không thể ngồi yên. "Với nguồn tư liệu đồ sộ mà cha ông để lại nếu chỉ để lưu trữ thì rất phí. Nên tôi quyết định tạo dựng bảo tàng mang tên cha mình. Tuy nhiên, 20 năm sau chuyến thăm bảo tàng Anne Frank ở Hà Lan, khi đã nghỉ công tác theo chế độ tôi mới có thời gian nghiên cứu và từng bước thực hiện ý tưởng của mình" - PGS.TS Nguyễn Văn Huy chia sẻ, đồng thời kỳ vọng câu chuyện về cuộc sống của hàng trăm người với 71 gia đình có trong gia phả sẽ là nguồn "suối" đề tài vô cùng quan trọng hướng đến công năng bảo tàng gia đình xã hội sở hữu tên gọi Nguyễn Văn Huyên.
Hiện nay, Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên mở cửa 2 - 3 ngày trong tuần để thăm dò nhu cầu tiếp cận của công chúng. Trong thời gian tới, PGS Nguyễn Văn Huy tham vọng tại làng Lai Xá, nơi tổ nghề của làng nhiếp ảnh sẽ có thêm bảo tàng về nghề nhiếp ảnh, cùng với việc kết nối với các điểm di tích, Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên sẽ là địa chỉ "vàng" cho các tour du lịch văn hóa của tương lai.
Khách tham quan tại Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên. Ảnh: Loan Nguyễn
|
Ông Nguyễn Văn Huyên (1905 - 1975) là GS, TS, nhà sử học, nhà dân tộc học, nhà giáo dục, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam và là người giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Việt Nam trong thời gian dài nhất, với 28 năm. Ông sinh ngày 16/11/1905 tại Hà Nội, nguyên quán tại xã Kim Chung, tỉnh Hà Tây (nay thuộc huyện Hoài Đức, TP Hà Nội). Tên ông được đặt cho 3 ngôi trường và một con đường tại Hà Nội và Tuyên Quang. |