Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mô hình “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát”: Chuyển biến tích cực

Thảo Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau hơn 2 năm triển khai, mô hình “Tuyến phố an toàn thực phẩm (ATTP) có kiểm soát” tại 14 quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm nhằm tháo gỡ khó khăn, bất cập để mô hình hoạt động hiệu quả hơn.

 Tuyến phố ATTP có kiểm soát

Kết quả khả quan
Ba Đình là một trong 8 quận, huyện triển khai thí điểm mô hình “Tuyến phố ATTP có kiểm soát” từ năm 2018 đến nay, không chỉ góp phần hạn chế số vụ ngộ độc thực phẩm, các bệnh lây truyền qua thực phẩm cũng như thay đổi thói quen kinh doanh, ăn uống của người dân mà còn hình thành nét văn minh mới trong kinh doanh thương mại. Trưởng phòng Y tế quận Ba Đình Hoàng Hy Thiêm cho biết, từ khi được công nhận là tuyến phố ATTP có kiểm soát, ý thức chấp hành quy định liên quan đến ATTP của các cơ sở kinh doanh tại tuyến phố Văn Cao, phường Liễu Giai được nâng lên rõ rệt.
Phát huy hiệu quả 8 “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát” (tại 8 quận, huyện: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Hà Đông, Long Biên, Thanh Xuân, Tây Hồ và huyện Đan Phượng), Hà Nội tiếp tục nhân rộng thêm 6 tuyến phố (thuộc các quận, huyện, thị xã: Đống Đa, Cầu Giấy, Long Biên, Nam Từ Liêm, Thanh Trì, Sơn Tây) dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố đảm bảo ATTP có kiểm soát. Nhìn chung, các tuyến phố được thí điểm đã có nhiều chuyển biến về việc thực hiện ATTP cũng như đảm bảo văn minh đô thị.
Để phát huy hiệu quả mô hình, hàng tháng, hàng quý, Phòng Y tế, TTYT quận Ba Đình phối hợp với phường tổ chức giám sát, kiểm tra lần lượt 42 cơ sở và nhắc nhở, xử lý những cơ sở chưa thực hiện tốt. “Bên cạnh việc tuyên truyền, nhắc nhở, nếu cơ sở nào vi phạm, quận sẽ tiến hành xử phạt và thông báo công khai trên loa truyền thanh. Trong năm 2019, quận đã tổ chức hơn 40 đoàn giám sát, nhắc nhở tại chỗ 16 cơ sở, xử phạt 1 trường hợp vi phạm” - ông Thiêm cho hay.
Nhờ đó, đến nay, mô hình “Tuyến phố ATTP có kiểm soát” của quận Ba Đình đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Cụ thể, có 90,5% số cơ sở dịch vụ ăn uống đã niêm yết công khai Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP hoặc cam kết ATTP và nguồn gốc thực phẩm; 90% cơ sở có nguồn gốc thực phẩm rõ ràng; 100% số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố sử dụng nguồn nước sạch.
Còn tại quận Nam Từ Liêm, sau một thời gian triển khai tuyến phố ATTP có kiểm soát – văn minh thương mại Hàm Nghi (phường Cầu Diễn), tính đến hết năm 2019, 48 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên tuyến phố được gắn biển. 165/165 người trực tiếp tham gia chế biến thức ăn và người phục vụ tại các cơ sở được khám sức khỏe và được xác nhận tập huấn kiến thức vệ sinh ATTP. 100% số cơ sở dịch vụ ăn uống đã niêm yết công khai Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP hoặc cam kết ATTP và nguồn gốc thực phẩm; 100% cơ sở có nguồn gốc thực phẩm rõ ràng. 6 tháng đầu năm 2020, mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, đoàn kiểm tra liên ngành ATTP của phường Cầu Diễn cũng đã kiểm tra được 3 cơ sở trong tuyến phố, xử phạt 2 cơ sở có vi phạm.
Kiên trì, bền bỉ trong giám sát, tuyên truyền
Trưởng phòng Y tế quận Nam Từ Liêm Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, quận gặp khó khăn trong công tác quản lý khi một số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống thay đổi chủ, mô hình kinh doanh. Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu về lưu mẫu thức ăn, kiểm dịch 3 bước, diện tích cơ sở... còn hạn chế.
Đồng quan điểm, Trưởng phòng Y tế quận Ba Đình Hoàng Hy Thiêm cũng cho hay, trong quá trình thực hiện, các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nhiều biến động, đóng cửa, chuyển mục đích kinh doanh. Nhiều cơ sở thay đổi nhân viên thường xuyên song chưa bổ sung khám sức khỏe kịp thời nên khó trong công tác quản lý, tập huấn, tuyên truyền. Hay một số cơ sở mặc dù đã được quận cấp phát các trang thiết bị bảo hộ đồng bộ, thùng rác, tạp dề nhưng chưa mang mặc theo quy định.
Đặc biệt, các hộ kinh doanh nhầm lẫn giữa kiểm tra, thanh tra và giám sát. Đôi khi, quận tiến hành giám sát, các hộ kinh doanh cho rằng, địa phương gây khó dễ, phiền hà… Thực chất, đoàn giám sát chỉ đến hướng dẫn, giúp đỡ các hộ kinh doanh trong môi trường lành mạnh và an toàn hơn. “Để làm tốt mô hình “Tuyến phố ATTP có kiểm soát”, công tác tuyên truyền và giám sát là quan trọng nhất. Công tác này đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ, thường xuyên, liên tục của mỗi địa phương” - ông Thiêm nhấn mạnh.
Bàn về vấn đề quản lý, giám sát tuyến phố ATTP có kiểm soát, Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Trần Ngọc Tụ nhấn mạnh, ngoài việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, việc nhân rộng các mô hình hay về vệ sinh, ATTP rất cần thiết. Đặc biệt, các địa phương cần tích cực hơn nữa trong công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh trong việc cung cấp thực phẩm an toàn; nâng cao hiểu biết của người tiêu dùng trong sử dụng thực phẩm an toàn, không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc. Cán bộ y tế ngoài việc nắm chắc quy định phải kiên trì, có kỹ năng tư vấn, hướng dẫn, thuyết phục chủ cơ sở cải tạo, sửa chữa, bố trí nơi chế biến đảm bảo điều kiện ATTP và phù hợp với không gian cơ sở. Ngoài ra, để mô hình hoạt động hiệu quả, cần phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước về ATTP.