Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mơ hồ chạy đua theo công nghệ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhìn lại các cuộc triển lãm nghệ thuật diễn ra thời gian gần đây thấy rõ ràng một sự "chạy đua" theo công nghệ. Điển hình là triển lãm "Thiết bị nghe nhìn Hà Nội 2013" vừa diễn ra tại Khách sạn Daewoo - mất tiền vào xem mà vẫn "hút khách".

Cuộc chạy đua này ít nhiều khiến người ta thấy tâm lý "sính" công nghệ và cả sự mơ hồ của các triển lãm nghệ thuật gần đây.

"Trúng" tâm lý 

Được tổ chức thường niên tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, triển lãm "Thiết bị nghe nhìn Hà Nội" đã trở thành một trong những sự kiện được các "tín đồ" của âm thanh chờ đợi. Ngoài việc các doanh nghiệp phân phối thiết bị âm thanh có thể "khoe" sản phẩm cao cấp nhất với giá thành "khủng" nhất, thì người xem còn được chiêm ngưỡng, thưởng thức chất lượng của những sản phẩm cao cấp. Không mang tính nghệ thuật, song triển lãm kiểu này lại đánh trúng tâm lý "sính" công nghệ, khiến người xem sẵn sàng xếp hàng mua vé 50.000 đồng/người để được thưởng lãm công nghệ số hiện đại nhất. Không ít người thừa nhận, ngoài chất lượng âm thanh, chính những thiết kế tinh xảo đến từng milimet đã có sức hút ghê gớm đối với dân "say" công nghệ. 
Mơ hồ chạy đua theo công nghệ - Ảnh 1
Song dù sao đó cũng là triển lãm công nghệ thực thụ. Điều đáng nói hơn là ở những triển lãm nghệ thuật hiện tại, người ta cũng đang đua nhau đưa vào nội dung công nghệ để gọi tên "Nghệ thuật đương đại". Ấy là những sắp đặt, là những trình diễn ánh sáng, những thước phim được biến tấu, lắp ghép, những hình ảnh mang đầy ứng dụng photoshop… Người đến xem vì tò mò nhiều hơn là để thưởng lãm nghệ thuật. Bởi cuộc chạy đua công nghệ này không mang lại được cho người xem sự hiểu về nghệ thuật đương đại.

Mơ hồ đến… khó “cảm”

Nhìn từ thành công của triển lãm thiết bị âm thanh, nhìn sang sự ảm đạm của các triển lãm nghệ thuật "sính" công nghệ, không ít người làm nghệ thuật suy ngẫm. Bởi lẽ, cùng thời điểm ra mắt công chúng tại Thủ đô ấy, nhiều triển lãm mở cửa tự do như trưng bày thơ, tranh trừu tượng và video art "Khoảng lặng Hà Thành"; triển lãm tranh "Đất nước tôi" của họa sĩ Nguyễn Thanh Minh; triển lãm tranh "Ghép" của họa sĩ Lê Thiết Cương và Nguyễn Thị Phương Liên; triển lãm Nghệ thuật đồ họa chữ quốc tế TDC 59: "Sự lãng mạn của những chữ cái"… đều vắng khách. Sự mơ hồ của các triển lãm nghệ thuật đã tạo ra thực trạng buồn ấy, dù cho người tổ chức cũng muốn đánh vào tâm lý "sính" công nghệ hiện đại của công chúng. Bởi đại bộ phận công chúng khó có thể cảm nhận được thông điệp từ những nét vẽ lằng ngoằng, cây không ra cây, hoa không ra hoa; hay những khối đất, đá, sắt… không rõ hình thù. Mà đến "cảm" còn chưa được, thì nói gì đến chuyện thụ hưởng những "đứa con tinh thần" ấy. 

Tất nhiên, việc so sánh giữa xem công nghệ và xem nghệ thuật là một sự khập khiễng, nhưng điều mà người tổ chức triển lãm nói chung cần phải nhìn thấy từ đây là dấu hỏi: Trưng bày cho ai, để làm gì? Nếu trưng bày những bức tranh, những tác phẩm nghệ thuật cho công chúng, phải khác với tranh treo tại gia, tặng bạn bè… nhằm thỏa mãn sở thích của chính mình. Bao giờ triển lãm cũng dành cho những đối tượng khán giả cụ thể, chứ không phải để mở cửa đón lèo tèo vài người, thậm chí phát giấy mời cũng không… đắt. Nghĩa là, làm sao để người đến xem triển lãm có thêm kiến thức về một lĩnh vực, thay vì càng xem càng thấy mơ hồ đến phát… chán. Công chúng sẵn sàng chi tiền để hưởng thụ những giá trị phi vật chất nếu họ cảm thấy cần cho đời sống tinh thần.