Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mở hướng làm giàu sau dồn điền đổi thửa

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thôn Giao Tất B, xã Kim Sơn (huyện Gia Lâm) hiện có trên 160 hộ với 860 nhân khẩu. Khi thực hiện giao ruộng theo NĐ 64/CP, toàn thôn có 573 khẩu nông nghiệp, mỗi khẩu được giao 485m2 tại 5 cánh đồng.

Sau khi được giao ruộng, 8 hộ dân ở đây đã mạnh dạn đổi ruộng cho nhau và thuê thầu của một số hộ khác thực hiện mô hình nuôi trồng thủy sản cho thu nhập kinh tế cao. Số hộ còn lại do ruộng đất manh mún, việc tiếp thu và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế cộng với những khó khăn về giao thông, thủy lợi nội đồng nên thu nhập từ sản xuất nông nghiệp thấp. Vì thế, đầu năm 2013, khi xã triển khai chương trình dồn điền đổi thửa, thấy rõ lợi ích kinh tế - xã hội của việc sản xuất trên thửa lớn, cấp ủy chi bộ thôn Giao Tất B đã nêu gương thực hiện trước để xã rút kinh nghiệm triển khai ở 7 thôn, xóm còn lại.
Mô hình hoa ly trồng trên đất 2 vụ lúa ở thôn Giao Tất B cho hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình hoa ly trồng trên đất 2 vụ lúa ở thôn Giao Tất B cho hiệu quả kinh tế cao.
Theo đó, Chi bộ Đảng tập trung lãnh đạo, các chi hội đoàn thể đều tích cực vào cuộc vừa tuyên truyền trên diện rộng, vừa chia nhau đến từng xóm ngõ, từng dòng họ để tuyên truyền, vận động, giúp các hộ có nhận thức đúng về việc dồn điền đổi thửa, nhất là việc thực hiện cánh đồng mẫu lớn nên nhiều hộ gia đình trong một xóm, nhiều anh em trong một dòng họ đã thống nhất chung nhau một phiếu nhận ruộng. Nhờ đó, chỉ sau một tháng dồn điền đổi thửa, thôn Giao Tất B đã hình thành được 4 vùng sản xuất tập trung theo hướng sản xuất nông nghiệp an toàn và bền vững trên toàn bộ diện tích 30ha. Đó là vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, vùng trồng hoa và cây ăn quả có múi; vùng nuôi trồng thủy sản và vùng rau sản xuất theo quy trình an toàn. Hiện tại, cả thôn đã có 35 hộ thực hiện mô hình kinh tế theo quy mô trang trại giải quyết nhiều việc làm cho lao động nông thôn.

Dẫn chúng tôi đi thăm trang trại hoa ly của anh Phạm Văn Nghệ, Trưởng thôn Nguyễn Ngọc Khuê cho biết, khu đất này trước đây chỉ cấy 2 vụ lúa, vụ đông chỉ có một vài hộ trồng ngô hoặc trồng đỗ cô ve nhưng thu hoạch chẳng đáng là bao. Hiện nay các hộ cho thuê trồng hoa trong 3 tháng vụ đông, ngoài việc nhận 300.000 đồng/sào, đất cấy vụ xuân sẽ được được diệt trừ các mầm mống sâu bệnh và nâng độ màu nên việc thâm canh lúa sẽ thuận lợi hơn.

Anh Phạm Văn Nghệ - chủ trang trại hoa Ly thổ lộ: “Hiện tôi đã đầu tư trên 1,2 tỷ đồng để trồng hoa ly theo công nghệ của Hà Lan, bước đầu góp phần giải quyết việc làm cho 10 lao động nông thôn với thu nhập từ 3.000.000 - 4.500.000 đồng/tháng”.

Bên cạnh mô hình hoa ly trồng trên đất 2 vụ lúa này, vùng trồng cây ăn quả có múi, chủ yếu là bưởi Diễn, cam Canh, cam Vinh… cũng đang phát triển tốt, có triển vọng sẽ cho thu nhập vào năm sau. Riêng vùng trồng rau theo quy trình an toàn, nông dân đều phấn khởi vì địa bàn ngay cạnh chợ Keo nên việc tiêu thụ dễ dàng, cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với cấy lúa trước đây.

Từ chỗ giao đất manh mún dẫn đến tình trạng nhiều hộ bỏ ruộng không sản xuất. Nhờ có chương trình dồn điền đổi thửa, thôn Giao Tất B đã thực hiện được việc quy hoạch vùng sản xuất theo hướng tập trung, an toàn và bền vững, từ đó mở ra hướng làm giàu chính đáng cho nông hộ.