Kinhtedothi - Chiều 25/11, Quốc hội đã thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi). Trong đó quy định, cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam là có quyền mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Nhưng để cùng lúc bảo đảm an ninh, quốc phòng, Luật đã có các quy định chặt chẽ như: chỉ cho phép mua nhà ở tại các dự án nhà ở thương mại không thuộc khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh, cho phép sở hữu có thời hạn 50 năm, hạn chế về tỷ lệ nhà ở được phép mua và sở hữu… Riêng trường hợp cá nhân nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam hoặc kết hôn với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì được sở hữu nhà ở ổn định, lâu dài và có các quyền của chủ sở hữu nhà ở như công dân Việt Nam. Luật cũng thu thu hẹp đối tượng được thuê nhà ở công vụ; không quy định về việc thành lập Quỹ phát triển nhà ở xã hội.
Người nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam là có quyền mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở.
|
Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) được Quốc hội thông qua cùng ngày, quy định mức vốn pháp định tối thiểu là 20 tỷ đồng là điều kiện cần khi thành lập DN kinh doanh BĐS. Còn khi thực hiện dự án cụ thể thì chủ đầu tư phải có vốn thuộc sở hữu của mình không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20ha và không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất từ 20ha trở lên theo quy định của pháp luật về đất đai. Luật cũng có nhiều quy định để bảo vệ quyền lợi của bên mua, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai như: chủ đầu tư phải được ngân hàng thương mại bảo lãnh nghĩa vụ tài chính trong trường hợp không bàn giao nhà ở đúng tiến độ đã cam kết theo hợp đồng, chỉ được thu tiền ứng trước của khách hàng khi đã xây dựng xong móng của công trình và phải được cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh kiểm tra đủ điều kiện của nhà ở được phép bán, cho thuê mua…