Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mở rộng chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi là xu thế tất yếu đáp ứng nhu cầu...

Kinhtedothi - Xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi là xu thế tất yếu đáp ứng nhu cầu thị trường và giúp ngành chăn nuôi phát triển bền vững. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chuỗi liên kết đã gặp không ít khó khăn như việc xây dựng nhãn hiệu thương hiệu cho sản phẩm...

Góp phần ổn định chăn nuôi

Hà Nội hiện có đàn gia súc, gia cầm đứng ở tốp đầu cả nước với tổng đàn bò thịt, bò sữa là 140.525 con và đàn lợn là 1.461.668 con. Riêng gia cầm có tới 25.253.000 con, trong đó, gà: 16.712.000 con; vịt, ngan, ngỗng và các loại khác: 8.541.000 con. Để chăn nuôi phát triển hiệu quả, bền vững, những năm qua, ngành nông nghiệp TP rất chú trọng triển khai công tác xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm. Năm 2014 đã thu được những kết quả tích cực, đến nay, trên địa bàn TP, ngoài những chuỗi liên kết do các DN tổ chức chăn nuôi gia công, ngành đã xây dựng được 18 chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm.
Chăn nuôi lợn an toàn sinh học trong chuỗi liên kết sản xuất - cung ứng thịt lợn hữu cơ Bảo Châu, huyện Sóc Sơn.  	Ảnh: Thắng Văn
Chăn nuôi lợn an toàn sinh học trong chuỗi liên kết sản xuất - cung ứng thịt lợn hữu cơ Bảo Châu, huyện Sóc Sơn. Ảnh: Thắng Văn
Các chuỗi liên kết về thịt lợn gồm chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ thịt lợn hữu cơ Bảo Châu, chuỗi thực phẩm Victory (Mr Sạch), chuỗi liên kết Foodex, chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ thịt lợn sinh học Yummy, chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm thực phẩm A - Z... Các chuỗi liên kết về gia cầm điển hình như chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ trứng sạch 729, chuỗi liên kết Thành Đồng II, chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ trứng gà Tiên Viên... Bên cạnh đó là liên kết tiêu thụ các giống gà bản địa đang được người tiêu dùng ưa chuộng, điển hình như gà mía Sơn Tây, gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, vịt Vân Đình, chuỗi liên kết tiêu thụ trứng vịt Liên Châu, chuỗi liên kết tiêu thụ vịt giống Đại Xuyên... Các chuỗi liên kết bao gồm cả lợn và gia cầm điển hình như chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ thực phẩm sạch, truy xuất nguồn gốc GreenFood Hà Nội, chuỗi liên kết T&T-159, chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ thực phẩm sạch 3F... Về phát triển chăn nuôi bò đã hình thành rõ nét chuỗi liên kết về tiêu thụ sữa, mà chủ yếu từ các công ty thu mua sữa (như IDP, Vinamilk, sữa Ba Vì, Hanoimilk...) với sản lượng sữa được công ty thu gom đạt trên 100 tấn/ngày.

Với 18 chuỗi liên kết chăn nuôi – tiêu thụ sản phẩm đã hình thành đã góp phần ổn định cho 3.500 hộ chăn nuôi trên địa bàn TP. Từ đó, hàng năm cung cấp cho thị trường 140 triệu quả trứng gia cầm, 11.000 tấn thịt lợn, 3.600 tấn thịt gia cầm, 100 tấn thịt bò, 30.000 tấn sữa tươi thông qua 500 cửa hàng thực phẩm, cửa hàng tiện ích, điểm phân phối, siêu thị, nhà hàng, bếp ăn tập thể...

Nâng cao hiệu quả

Tuy nhiên, việc xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi hiện mới là kết quả bước đầu, trong quá trình thực hiện cũng đã gặp không ít khó khăn như việc xây dựng nhãn hiệu thương hiệu cho sản phẩm; việc nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi, các khâu trong quá trình tạo chuỗi liên kết, giết mổ; việc nhận biết nhanh và rõ đâu là sản phẩm sạch được sản xuất từ cơ sở chăn nuôi đảm bảo VSATTP. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng có thói quen sử dụng thực phẩm từ chuỗi liên kết, không dùng những sản phẩm không rõ nguồn gốc... còn hạn chế nên việc xây dựng chuỗi liên kết chưa tạo được sự đồng bộ trên diện rộng. Chính sách còn thiếu cụ thể về việc xây dựng chuỗi liên kết nên chưa thu hút được các DN đầu tư lớn trong lĩnh vực này.

Định hướng việc xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi – tiêu thụ sản phẩm tại Hà Nội trong thời gian tới là mở rộng các chuỗi liên kết, đặc biệt đề xuất các chính sách để thu hút các DN đầu tư cho việc hình thành các chuỗi liên kết có quy mô lớn, thu hút nhiều trang trại chăn nuôi. Khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi theo hướng sinh học nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Những giải pháp cụ thể là tăng cường công tác gắn kết, liên kết thành chuỗi chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm, một mặt chủ động trong chăn nuôi, mặt khác nâng cao chất lượng sản phẩm và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, đồng thời giúp ngành chăn nuôi phát triển ổn định, hiệu quả và bền vững. Bên cạnh đó, chủ động lên kế hoạch chăn nuôi dựa trên nhu cầu của thị trường, giữa các hộ chăn nuôi và đơn vị tiêu thụ sản phẩm phải ký kết hợp đồng ngay từ khi bắt đầu chăn nuôi nhằm tránh hiện tượng sản xuất vượt quá nhu cầu, và người chăn nuôi bị ép giá. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để người chăn nuôi, người tiêu dùng, nhà quản lý cũng như các DN cùng vào cuộc tạo sự đồng bộ trong việc xây dựng, hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm.

 Chắc chắn với sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành, sự vào cuộc tích cực của các DN cùng sự đồng thuận cao của người chăn nuôi, người tiêu dùng, các chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm sẽ được nhân rộng, hiệu quả hơn trong thời gian tới.