Nhận lời mời của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy, Thủ tướng Vương quốc Bỉ Elio Di Rupo, Tổng thống Cộng hòa Italy Giorgio Napolitano và Thủ tướng Anh David Cameron, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thực hiện chuyến thăm chính thức Vương quốc Bỉ và Liên minh châu Âu (EU); thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Italy và thăm chính thức Vương quốc Anh từ ngày 17-24/1/2013.
Đây là chuyến thăm các nước Tây Âu lần đầu tiên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trên cương vị Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và là chuyến đi đầu tiên của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam tới khu vực này trong nhiều năm qua.
Chuyến thăm nhằm tiếp tục triển khai đồng bộ, toàn diện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế cũng như nâng cao vị thế của đất nước; tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Trên tinh thần đó, chuyến đi của Tổng Bí thư sẽ là dấu mốc quan trọng trong quan hệ của Việt Nam với các đối tác, thúc đẩy và mở rộng hợp tác nhiều mặt với các đối tác quan trọng trong tình hình mới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy thăm chính thức Việt Nam, tháng 10/2012. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Phát triển sâu rộng quan hệ Việt Nam-Bỉ
Việt Nam và Bỉ thiết lập quan hệ ngoại giao từ tháng 3/1973. Từ năm 1992, quan hệ hai nước được thúc đẩy mạnh mẽ hơn. Quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước phát triển sâu rộng và tích cực trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt về chính trị-ngoại giao, kinh tế, hợp tác phát triển và giáo dục-đào tạo.
Ngoài quan hệ hợp tác chính thức với Chính phủ Liên bang, Việt Nam cũng đang nhận được viện trợ không hoàn lại của các cộng đồng, một số vùng, tổ chức của Bỉ ... Từ năm 1977 đến nay, Bỉ đã cho Việt Nam vay và viện trợ không hoàn lại gần 300 triệu USD (trong đó viện trợ không hoàn lại chiếm khoảng 60%). Các chương trình hợp tác đa dạng và tập trung vào 5 lĩnh vực: nước sạch, vệ sinh và quản lý rác thải; giáo dục; nông nghiệp và phát triển nông thôn; quản lý nhà nước và y tế.
Viện trợ của Bỉ cho Việt Nam giai đoạn 2007-2010 trị giá 37,5 triệu euro, ưu tiên cho phát triển nguồn nhân lực, quản lý nguồn nước, bảo vệ môi trường, cải thiện điều kiện sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống. Trong khuôn khổ Chiến lược Hợp tác Việt-Bỉ (ICP 2007-2010) 20 dự án hợp tác đang được Bỉ triển khai với quy mô vừa phải, phù hợp với khả năng tiếp nhận của các địa phương và tương đối hiệu quả, góp phần tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và tăng cường năng lực tại các địa phương và lĩnh vực có dự án.
Từ năm 2009, Bỉ là thị trường xuất khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam trong các nước châu Âu. Hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Bỉ tập trung vào giầy dép, dệt may, thủy sản, càphê, túi xách. Ngoài ra, gỗ, cao su, sản phẩm nhựa, đá và kim loại quý là những mặt hàng có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nhanh và tiềm năng còn lớn. Việt Nam nhập từ Bỉ chủ yếu là máy móc thiết bị phụ tùng, sắt thép, hóa chất, tân dược.
Công tác xúc tiến thương mại giữa hai nước được hai bên quan tâm và phát triển cả về số lượng đoàn tham gia và các lĩnh vực trao đổi. Quan hệ giữa các tổ chức kinh tế trung ương, địa phương, ngành của Việt Nam với 3 vùng Wallonie-Flandre-Brussels ngày càng chặt chẽ.
Hai nước hợp tác chặt chẽ trên các diễn đàn đa phương, nhất là tại Liên hợp quốc và trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao Á-Âu (ASEM), ASEAN-EU. Chuyến thăm chính thức Vương quốc Bỉ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhằm tăng cường quan hệ chính trị, làm cơ sở cho quan hệ lâu dài trên các mặt, nhất là kinh tế, giáo dục, khoa học, công nghệ; xem xét khả năng nâng cấp quan hệ song phương trên một số lĩnh vực thích hợp trong tương lai; chia sẻ quan điểm về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
Thúc đẩy hợp tác toàn diện Việt Nam-EU
Trong hơn 20 năm qua, quan hệ Việt Nam và EU đã phát triển nhanh chóng và sâu rộng. Về chính trị, lãnh đạo cấp cao hai bên luôn khẳng định coi trọng tăng cường hợp tác nhiều mặt cho tương xứng với tiềm năng và vị thế của hai bên. Về kinh tế-thương mại, EU là đối tác hàng đầu của Việt Nam, là thị trường xuất khẩu quan trọng thứ hai của Việt Nam (sau Hoa Kỳ) và năm 2012 đã vượt lên xếp thứ nhất.
Trong những năm gần đây, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-EU hai bên tăng trung bình từ 15-20%/năm. Tính đến tháng 8/2012, tổng số vốn đầu tư đăng ký của các nước EU vào Việt Nam đạt trên 18 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện đạt 13 tỷ USD.
Về hợp tác phát triển, EU là nhà tài trợ song phương lớn thứ hai về hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và là nhà cung cấp viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam, chiếm 20% tổng cam kết của cộng đồng quốc tế tài trợ cho Việt Nam. Vừa qua, hai bên đã ký chính thức Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác Toàn diện (PCA) và kết thúc vòng 1 đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do (FTA).
Nhìn nhận vai trò quan trọng của Việt Nam trong khu vực, nhất là với vị trí điều phối quan hệ ASEAN-EU từ tháng 7/2012 và giữ cương vị Tổng Thư ký ASEAN vào năm 2013, EU và các nước thành viên mong muốn thúc đẩy quan hệ với Việt Nam và qua cầu nối Việt Nam thúc đẩy quan hệ với ASEAN.
Chuyến thăm chính thức EU của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhằm khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ với EU; cam kết thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam với EU, phát huy vai trò là nước điều phối để thúc đẩy quan hệ ASEAN-EU; góp phần quan trọng tháo gỡ những vấn đề tồn tại và thúc đẩy triển khai hiệu quả một số chương trình, dự án mà các đối tác quan tâm và Việt Nam có lợi ích thiết thực; cùng trao đổi một số vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
Thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Italy
Italy là một quốc gia có lịch sử lâu đời gắn liền với lịch sử La Mã cổ đại. Italy nghèo về tài nguyên, khoáng sản nhưng có nền công nghiệp phát triển đa dạng với các ngành chủ chốt là: hóa chất, chế tạo máy, sản xuất phương tiện vận tải, khai thác và chế biến dầu lửa, luyện kim, hàng gia dụng, gốm sứ, cơ khí quốc phòng, thủy sản, đồ da, may mặc, thiết kế thời trang. Với diện tích đất canh tác không nhiều nhưng khí hậu ôn hòa và áp dụng kỹ thuật cao, Italy cũng có một nền nông nghiệp phát triển với các sản phẩm chủ yếu: trái cây, nho, khoai tây, củ cải đường, đậu tương, lúa mỳ, ô liu, rượu vang, thịt bò và sản phẩm sữa.
Nền kinh tế của Italy đứng thứ 7 trên thế giới, sau Hoa Kỳ, Nhật, Đức, Trung Quốc, Anh và Pháp. Đáng chú ý là Italy có mô hình phát triển kinh tế gần gũi với Việt Nam về hệ thống các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất năng động và hiệu quả, đóng góp tới gần 2/3 tổng sản phẩm quốc dân.
Việt Nam và Italy chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày từ năm 1973. Từ những năm 1990, quan hệ hai nước đã phát triển tích cực, toàn diện. Hai nước coi trọng vị trí, vai trò của nhau; hoạt động và giá trị trao đổi kinh tế, thương mại, đầu tư song phương phát triển ổn định dù còn ở mức khiêm tốn. Italy đứng thứ 32 trong số các quốc gia trên thế giới về mức đầu tư trực tiếp tại Việt Nam với 23 dự án trị giá 93 triệu USD, chủ yếu trong các ngành: giày da, xây dựng, thiết bị vệ sinh, bình nóng lạnh, chế biến thép.
Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Italy chưa xứng với tiềm năng kinh tế hai nước mặc dù tăng đều trong những năm qua. Những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam vào thị trường Italy là giày dép, càphê, hàng dệt và thủy sản. Việt Nam nhập từ Italy chủ yếu là máy móc thiết bị cơ khí, phương tiện vận tải và nguyên liệu da.
Hai nước đã tái khởi động hoạt động của Ủy ban Hỗn hợp về Hợp tác Phát triển Việt Nam-Italy, nhất trí tạo điều kiện để các doanh nghiệp hai nước kết nối đối tác, tăng cường đầu tư, kể cả hình thức hợp tác Đối tác Công-Tư (PPP).
Trong lĩnh vực văn hóa, hai bên thường xuyên tổ chức các tuần lễ, tháng văn hóa tại Italy và Việt Nam. Đáng chú ý là hai liên hoan văn hóa Việt Nam “Rồng và Bướm” tại Rome (2006 và 2007), “Gần và Xa” tại Udine (2007) và năm văn hóa Italy tại Việt Nam mang tên “Cầu vồng Ý” với hơn 40 hoạt động văn hóa kéo dài từ tháng 4 đến tháng 10/2007.
Chuyến thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Italy của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhằm nâng cấp quan hệ toàn diện các lĩnh vực với Italy, đặc biệt là ký Tuyên bố chung thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Italy; tạo điểm nhấn trong việc tăng cường hợp tác về kinh tế và quốc phòng, chia sẻ quan điểm về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Hiện thực hóa nội hàm quan hệ đối tác chiến lược Việt-Anh
Việt Nam và Vương quốc Anh thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1973. Trong những năm gần đây, thương mại hai chiều tăng trưởng đều đặn khoảng 15-20%. Anh ưu tiên cung cấp ODA cho Việt Nam và là nhà tài trợ song phương đầu tiên trên thế giới cam kết ODA cho Việt Nam đến năm 2015.
Sau khi thiết lập quan hệ đối tác chiến lược tháng 9/2010, sự hợp tác giữa hai nước được tích cực triển khai thông qua các cơ chế chiến lược và Ủy ban Hỗn hợp kinh tế-thương mại (JETCO), xây dựng và thực hiện Kế hoạch hành động hằng năm.
Hai bên cũng nhất trí tăng cường trao đổi đoàn các cấp, tiếp xúc thường xuyên giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước, tăng cường quan hệ hợp tác giữa Quốc hội, các bộ, ngành, địa phương; thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư, một lĩnh vực hợp tác trọng tâm và nhiều tiềm năng; tăng cường hợp tác tại các diễn đàn đa phương và các tổ chức quốc tế lớn nhất, nhất là tại Liên hợp quốc, ASEM.
Trong những năm qua, xuất khẩu của Việt Nam sang Anh tăng trung bình 17%/năm, Việt Nam liên tục xuất siêu. Những mặt hàng xuất chủ yếu : giày dép, dệt may, chè và càphê, gạo, thủy sản, cao su… Những mặt hàng nhập khẩu chủ yếu từ Anh: hàng gia công chế biến và thiết bị công nghiệp, hóa chất, thiết bị viễn thông, thuốc lá…
Hiện nay, Anh có 138 văn phòng đại diện thương mại thường trú và chi nhánh kinh doanh tại Việt Nam. Năm 1998, Anh thành lập Hiệp hội doanh nghiệp Anh tại Việt Nam (BBGV) nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế và các hoạt động từ thiện tại Việt Nam. Ngày 19/7/2007, hai bên đã ký thoả thuận thành lập Ủy ban hỗn hợp về Kinh tế và Thương mại (JETCO) nhằm đề ra các biện pháp thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư song phương. Tháng 11/2011, Anh tuyên bố thành lập Hội đồng Kinh doanh Anh-ASEAN nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế-thương mại giữa Anh với các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam.
Các công ty Anh vào Việt Nam sớm (1988-1989) nhưng thời gian đầu chủ yếu tập trung vào lĩnh vực dầu khí (70% tổng đầu tư). Cho đến nay, đầu tư của Anh đã mở rộng ra nhiều lĩnh vực mới như: ngân hàng, tài chính, công nghiệp chế tạo, dịch vụ, may mặc... Nhìn chung các dự án đầu tư của Anh có quy mô vừa và nhỏ, tập trung vào các lĩnh vực khai khoáng, công nghiệp chế biến, chế tạo, kinh doanh bất động sản và các lĩnh vực ngân hàng, dịch vụ tài chính và bảo hiểm.
Tính đến hết tháng 11/2012, Anh có 162 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký là 2,7 tỷ USD (đứng thứ 3 trong các nước EU, sau Hà Lan và Pháp và đứng thứ 18/96 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam). Ngoài ra, các công ty Anh thuộc British Virgin Island đã đầu tư vào Việt Nam với số vốn khoảng 3 tỷ USD. Nhân chuyến thăm Anh của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân (9-11/3/2010), hai bên đã ra Tuyên bố chung về phát triển mô hình Hợp tác Công-Tư tại Việt Nam, nhằm thu hút đầu tư cho các dự án phát triển hạ tầng cơ sở tại Việt Nam trong thời gian tới.
Tính đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã có hai dự án đầu tư sang Anh với tổng vốn đầu tư là 500.000 USD. Trong đó có 1 dự án trong lĩnh vực dịch vụ của Công ty Vải Thuận Kiều để trưng bày và quảng bá sản phẩm Việt Nam và Liên hiệp Hàng hải Việt Nam đầu tư làm dịch vụ đại lý hàng hải; 1 dự án của Công ty đầu tư và phát triển chè mở đại lý tiêu thụ chè tại London.
Hai nước đã ký Thỏa thuận về Quan hệ đối tác phát triển giữa hai nước giai đoạn 2006-2015, theo đó Chính phủ Anh viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam 250 triệu Bảng Anh trong giai đoạn 2006-2010 (bình quân 50 triệu Bảng/năm) với khoảng 70% ngân sách hỗ trợ cho các Chương trình liên quan đến giảm nghèo của Việt Nam (PRSC).
Phần còn lại dành cho các lĩnh vực giáo dục, y tế, nước sạch và vệ sinh nông thôn, phòng chống tham nhũng. Với việc hai nước ký Thoả thuận Quan hệ đối tác phát triển giữa Việt Nam và Anh giai đoạn 2006-2015, Anh là nhà tài trợ ODA song phương đầu tiên và đến nay cũng là duy nhất ký Thỏa thuận hợp tác phát triển dài hạn trong 10 năm với Việt Nam.
Tháng 5/2011, hai bên ký Văn bản điều chỉnh bổ sung Thỏa thuận Đối tác phát triển Việt Nam-Anh giai đoạn 2011-2016, theo đó Anh cam kết viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam 70 triệu bảng Anh trong giai đoạn 2011-2015, mức độ cho năm 2016 sẽ được xác định sau. Viện trợ của Anh được ưu tiên tập trung hỗ trợ giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu Thiên niên kỷ về Giáo dục tiểu học, HIV/AIDS; kết hợp các Chương trình vệ sinh môi trường, tăng trưởng có lợi cho tất cả các đối tượng; quản trị nhà nước và biến đổi khí hậu.
Trong những năm qua, hợp tác giữa Việt Nam và Anh trong lĩnh vực giáo dục đào tạo phát triển tích cực. Hàng năm, Chính phủ Anh dành từ 25-30 suất học bổng cho học sinh Việt Nam. Số người Việt Nam nhận học bổng của Chính phủ Anh cho đến nay là trên 600. Hiện có khoảng hơn 7.000 sinh viên Việt Nam đang theo học tại các trường của Anh. Hội đồng Anh (BC) là một tổ chức được Chính phủ Anh uỷ quyền đối với các hoạt động về văn hóa và giáo dục tại Việt Nam; có mặt tại Việt Nam từ cuối 1993 với trụ sở ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Đến nay Hội đồng Anh đã tổ chức các lớp bổ túc tiếng Anh miễn phí cho trên 1.000 cán bộ của Việt Nam.
Chuyến thăm chính thức Vương quốc Anh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhằm thúc đẩy quan hệ hính trị và tăng cường tin cậy, hiểu biết lẫn nhau giữa Việt Nam và Vương quốc Anh; hiện thực hóa nội hàm quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước./.