Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mở rộng không gian đi bộ phố cổ: Phát huy giá trị di sản, thu hút khách du lịch

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sau đúng 8 năm tuyến phố Hàng Đào - Đồng Xuân thành tuyến phố đi bộ đầu tiên của Hà Nội, đến nay chợ đêm đã trở thành một trong những sản phẩm du lịch hấp dẫn của khu vực 36 phố phường.

Từ kinh nghiệm và kết quả đạt được, UBND TP Hà Nội đang xây dựng đề án mở rộng không gian đi bộ (KGĐB) trong khu phố cổ.

Hội đủ 4 yếu tố chơi - xem - mua sắm - thưởng thức ẩm thực

Các tuyến phố đi bộ dự kiến thuộc địa bàn 4 phường của quận Hoàn Kiếm gồm, Hàng Đào, Hàng Bạc, Hàng Buồm, Đồng Xuân và các tuyến phố đang được cân nhắc lựa chọn là Hàng Buồm, Mã Mây, Hàng Giầy, Lương Ngọc Quyến, Tạ Hiện và Đào Duy Từ. Về sự lựa chọn này, lãnh đạo Công ty CP Đồng Xuân (đơn vị lập đề án mở rộng KGĐB) cho biết: Khu vực KGĐB hiện còn lưu giữ được những công trình kiến trúc được xây dựng vào thế kỷ XVIII - XIX như đền Bạch Mã, đền Hương Tượng, đình Quán Đế, nhà cổ 87 Mã Mây, nhà cổ 28 Hàng Buồm... tạo nên bản sắc riêng. Các khu phố này còn có nét đặc trưng với các hộ dân bán nhiều món ẩm thực mang đậm nét tài hoa, tinh tế của người dân Hà thành, đã trở thành thương hiệu nổi tiếng. Trong 5 phố trên thì có tới 47/159  cửa hàng mặt phố kinh doanh ăn uống, 45 hàng ăn uống chỉ bán vào buổi tối. Đặc biệt, các tuyến phố này còn kết nối thuận tiện với chợ đêm Hàng Đào - Đồng Xuân.

Ông Đỗ Xuân Thủy, Tổng Giám đốc Công ty CP Đồng Xuân cho biết, để tạo điểm nhấn, công ty và quận đang khuyến khích các hộ gia đình mặt phố bán hàng theo từng cụm nhỏ. Các cụm này không bố trí sát nhau như ở chợ đêm. Đây chính là cách tạo điều kiện cho các nghệ nhân, các hộ gia đình phát huy nghề ẩm thực, qua đó phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của di sản này. Đặc biệt, phố đi bộ tại Hà Nội cũng sẽ có đủ 4 yếu tố: chơi - xem - mua sắm - thưởng thức ẩm thực như các phố đi bộ ở một số nước. "Các phố sẽ bố trí các khu ẩm thực theo chủ đề, các gian hàng giới thiệu và bán sản phẩm đặc trưng của Hà Nội...” -  ông Thủy nói.

Tôn vinh các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể

Khu phố cổ, nơi lưu giữ dấu ấn của một "Hà Nội băm sáu phố phường" thuở xưa, không chỉ đã từng là một trung tâm kinh tế mà còn là một trung tâm văn hoá đa dạng, phong phú... Những tên gọi Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Bài,... không giản đơn chỉ là tên phố mà ẩn sau mỗi tên gọi là một nghề thủ công đặc sắc, một hoài niệm của lịch sử. Việc mở rộng KGĐB sẽ giúp người dân tiếp cận được những món ăn đặc sản như Phở Hà nội, Nem, Bún chả, Chả cá Lã Vọng... mỗi món ăn là một hương vị quyến rũ, riêng có. Có thể nói chính nghệ thuật ẩm thực là một phần làm nên cái tinh tế của văn hoá và con người Hà Nội. Đề án cũng sẽ giúp người dân, du khách biết được những phố nghề nổi tiếng như phố Lò Rèn với nghề rèn, phố Tố Tịch với nghề tiện đồ thờ, phố Bát Đàn làm gốm sứ…  Ngoài ra, trên các phố sẽ tổ chức các khu biểu diễn văn hóa truyền thống ngoài trời không thu tiền như hát chầu văn, ca trù, hát xẩm... Đồng thời khôi phục và phát triển làng nghề kim hoàn Hàng Bạc với các nghệ nhân tham gia trình diễn…

Khi lập đề án này, nhiều nhà sử học cho rằng phố cổ Hội An không phong phú như phố cổ Hà Nội nhưng với cách làm sáng tạo, vẫn thành công, thu hút đông đảo du khách. Do đó, để đề án sống được đòi hỏi phải có tính khoa học, tâm huyết và một quyết tâm mạnh mẽ. Ông Hoàng Công Khôi, Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm cho biết, 8 năm trước, khi triển khai chợ đêm Hàng Đào - Đồng Xuân, cũng nhiều ý kiến băn khoăn, thậm chí phản đối. Nhưng đến nay, chợ đêm đã trở thành một trong những sản phẩm du lịch hấp dẫn của khu vực 36 phố phường. Từ thực tiễn đó, quận quyết tâm triển khai đề án mở rộng KGĐB để góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của quận theo hướng phát triển kinh tế du lịch - thương mại văn minh, hiện đại, thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước.
 

Theo đề xuất của Sở GTVT, để tạo lập KGĐB sẽ cấm đường vào 3 ngày cuối tuần. Còn theo đề án của Công ty CP Đồng Xuân, chỉ cấm đường vào buổi tối các ngày thứ Sáu, thứ Bảy và Chủ nhật (mùa hè từ 19 - 24 giờ, mùa Đông từ 18 - 24 giờ). Về chỗ đỗ xe, ngoài 8 điểm trông giữ xe hiện có, sẽ bố trí thêm một số điểm tại các phố Đào Duy Từ, Hàng Chĩnh, Phùng Hưng, Hàng Cá và Nguyễn Hữu Huân.