Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mỏi mắt chờ “kịch bản”

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Di sản Việt đang "sống" trong thực tế: xuống cấp, mai một, mất dần theo năm tháng. Chúng ta cũng đã chọn ngày 23/11 để tôn vinh và đề ra những chương trình hành động quốc gia cho vấn đề bảo vệ, quảng bá di sản, nhưng đã qua 7 lần kỷ niệm, những mặt trái của câu chuyện bảo tồn… vẫn nằm nguyên.

Đang mai một dần

Cổ Loa là một trong những khu di tích lớn nhất Việt Nam, hội tụ các giai đoạn lịch sử từ các thời đại đồ đá, đồ đồng, sắt. Kiến trúc hình xoáy ốc với hệ thống sông hào là sự phối hợp hài hòa giữa các mô, con trạch đất, đồng lầy tự nhiên và nhân tạo. Lại cả các công trình kiến trúc và các làng cổ có giá trị lịch sử văn hóa nghệ thuật lớn. Tuy nhiên, những gì còn lại của thành Cổ Loa chỉ còn là vết tích nằm xen giữa kiến trúc hiện đại. Hào nước ở phần thành trung đã bị lấp kín, trên đó mọc lên hàng chục ngôi nhà kiên cố. Phần đồi đất nằm ngay gần UBND xã Cổ Loa, được coi là trung tâm của di tích, lại đang bị các hộ sử dụng để kinh doanh dịch vụ giải khát.

Làng cổ Đường Lâm, ngôi làng có kiến trúc đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc Bộ với những công trình xây dựng bằng đá ong, dù ra sức hô hào gìn giữ nhưng cũng đã dần thay bằng những ngôi nhà cao tầng. Chẳng riêng Hà Nội, thời gian gần đây, vẻ đẹp cổ kính và trầm tư của các công trình triều Nguyễn tại cố đô Huế cũng bị "làm mới" hoặc bị những trung tâm thương mại hiện đại chèn lấn. Thành nhà Mạc tại Lạng Sơn, ngay sau khi Sở VHTT&DL tỉnh này giao cho một công ty du lịch tư nhân khai thác đã xuất hiện ngay nhà hàng lớn trên lối vào của công trình tiêu biểu cho triều đại phong kiến xưa…

Di sản vật thể là thế, di sản phi vật thể còn ngày càng hao hụt đi trong đời sống. Ca trù, quan họ sau hai năm được công nhận là di sản văn hóa thế giới vẫn trăn trở nỗi lo bảo tồn. Số lượng nghệ nhân, những người truyền dạy di sản chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, thế hệ nối gót biểu diễn những làn điệu cổ trong sự pha tạp…

Vẫn đủng đỉnh

Vẫn như mọi năm, Ngày Di sản văn hóa Việt Nam lần thứ VII (23/11/2011) vẫn do Trung tâm triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam phối hợp với Cục Di sản văn hóa và một số đơn vị tổ chức. Với chủ đề "Ấn tượng Di sản văn hoá Bắc Trung Bộ Việt Nam", nhiều hoạt động giới thiệu các Di sản văn hoá thế giới, các di sản tiêu biểu như: Thành Nhà Hồ, Đàn tế Nam giao Tây đô (Thanh Hoá), Làng Sen (Nghệ An), Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du (Hà Tĩnh), Di sản Thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), Di tích lịch sử Thành cổ Quảng Trị, Quần thể di sản văn hoá thế giới Cố đô Huế… sẽ được mở ra ở Hà Nội.

Tuy nhiên, lần này, vấn đề giáo dục ý thức về di sản cho giới trẻ cũng được chú trọng. Không chỉ toạ đàm "Tổng kết đánh giá kết quả hoạt động Ngày về nguồn", mà còn nhiều hoạt động thuộc phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" và "Ngày về nguồn 23/11" như: Thi vẽ tranh danh lam, thắng cảnh, thi tìm hiểu, liên hoan văn nghệ, dạ hội tuổi trẻ với Di sản văn hoá Việt Nam, chương trình Thần đồng Đất Việt, tổ chức học sinh, sinh viên đến triển lãm học tập ngoại khoá tìm hiểu về Di sản văn hoá; tiếp tục phát động phong trào thi đua học sinh, sinh viên giai đoạn 2011 - 2015 sẽ được triển khai. Nghĩa là từ năm nay, những người trực tiếp bảo tồn di sản đã hướng đến sự kiện dài hơi để bảo vệ di sản, song vẫn nhận ra ở đây "cái sự" đủng đỉnh…

Bảo vệ di sản luôn phải chạy đua với thời gian nếu không vài ba thế kỷ sau, Việt Nam sẽ còn lại những chứng tích gì của ngày xưa? Chính vì vậy, muốn di sản ở lại, chúng ta phải xây dựng một kịch bản mới, có tầm chiến lược, đưa được di sản vào bảo vệ cho từng giai đoạn cụ thể.