Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết thông tin này tại hội nghị phòng, chống bệnh không lây nhiễm khu vực phía Nam, diễn ra tại TP Hồ Chí Minh ngày 8/5.
Mặc dù Bộ Y tế đã có nhiều nỗ lực trong việc kiểm soát bệnh không lây nhiễm nhưng Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhìn nhận tình trạng gia tăng các bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam đang báo động. 70% trường hợp tử vong hàng năm là do bệnh không lây nhiễm, trong số này có đến 40% tử vong trước 70 tuổi.
Bệnh không lây nhiễm như đái tháo đường, tim mạch, tăng huyết áp, các bệnh rối loạn tâm thần, ung thư... không những ảnh hưởng đến tuổi thọ mà còn ảnh hưởng đến chất lượng sống của người dân.
"Nếu Tổ chức Y tế Thế giới coi bệnh không lây nhiễm là "cơn thủy triều đỏ" thì tại Việt Nam hiện đang là "trận đại thủy triều đỏ" bởi công tác dự phòng chưa rốt ráo, vấn đề điều trị dựa vào cộng đồng vẫn chưa làm được”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhìn nhận.
Đánh giá nguyên nhân, ông Long cho rằng một phần do nhiều người dân chưa có ý thức phòng ngừa bệnh, vẫn còn 49% dân số nam giới hút thuốc lá, 77% dân số uống rượu (trong đó có 11% uống tới mức nguy hại). Người dân Việt Nam sử dụng muối cao gấp đôi so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới.
Tiến sỹ Lokky Wai - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết bệnh không lây nhiễm gây ra gánh nặng lớn về kinh tế. Dự báo, trong 20 năm tới, toàn thế giới sẽ mất đi 47.000 tỷ USD do các bệnh không lây nhiễm gây ra.
Ước tính tại Việt Nam, chỉ riêng các bệnh liên quan đến thuốc lá đã gây ra thiệt hại khoảng 1 tỷ USD mỗi năm. Trong khi đó, ở các nước phát triển, tỷ lệ bệnh tim mạch và đột quỵ ngày càng giảm do họ kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp sớm thì tại Việt Nam, tỷ lệ tim mạch và đột quỵ đang là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong.
Tiến sỹ Lokky Wai khuyến cáo Việt Nam cần kiểm soát tốt các bệnh không lây nhiễm để giảm chi phí điều trị, giảm tải bệnh viện, giảm gánh nặng kinh tế cho người dân và cho đất nước. Muốn làm được điều này cần có những thay đổi về chính sách, cách quản lý bệnh không lây nhiễm.
Trước tình hình trên, Bộ Y tế đã đề ra chiến lược đến năm 2025 chỉ còn 20% số tử vong sớm do bệnh không lây nhiễm, trong đó giảm 30% số người hút thuốc, giảm 10% số uống rượu bia ở mức có hại, giảm 30% mức tiêu thụ muối/người, kiểm soát thừa cân béo phì dưới 15%, kiểm soát tăng huyết áp dưới 30%, kiểm soát đái tháo đường dưới 8%...
Để đạt được mục tiêu này, Bộ Y tế cũng đã đưa ra các giải pháp, chính sách kiểm soát yếu tố nguy cơ như xây dựng Luật Phòng chống tác của rượu, bia; Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, xây dựng Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng... đồng thời kiện toàn mạng lưới để cung cấp các dịch vụ giám sát, dự phòng, quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm từ Trung ương đến tận mạng lưới y tế tuyến xã, thôn, bản...