Mỗi ngày một vạn bước làm sạch khu di tích

Vũ Minh Phúc (Đống Đa, Hà Nội)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều năm trở lại đây, bà con tổ dân phố 22, khu 3, phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, TP Hà Nội đã rất đỗi quen thuộc với hình ảnh ông Luyện một tay cầm cây sào lớn, một tay cầm túi đựng rác, vai khoác can nước, rời nhà, đi miết mấy vòng hồ, thu gom rác thải, vớt rác trôi nổi tại hồ Hữu Tiệp. Ngày ngày chăm chút cho cả khu di tích nổi tiếng sạch, đẹp, mở lối cho khách du lịch bốn phương có điều kiện tham quan một di tích quý giá của đất nước.

LTS: Độc giả yêu quí, sau nửa tháng phát động Cuộc thi viết về “Bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội năm 2020”, báo Kinh tế & Đô thị đã nhận được nhiều tác phẩm dự thi của các tác giả. Trong đó có tác giả ở rất xa Hà Nội như Quảng Trị, Long An… Đây thực sự là niềm cảm kích rất lớn trước tấm lòng, trách nhiệm của Nhân dân đối với Thủ đô Hà Nội. Chúng tôi sẽ lựa chọn những tác phẩm đạt chất lượng để đăng trên các ấn phẩm của báo Kinh tế & Đô thị. Trân trọng!
Sứ giả môi trường

Cứ mỗi lần tôi đưa máy ảnh lên định chụp, ông Luyện lại cười, xua xua tay: "Ông già rồi, chụp làm chi. Cả khu hồ Hữu Tiệp đẹp như thế, sao con không chụp mà cứ đòi chụp ông”. Tôi chỉ mỉm cười và hỏi: Con nghe bà con ca ngợi ông nhiều lắm. Hơn hai chục năm nay, ông ngày nào cũng ra dọn rác ở khu di tích hồ Hữu Tiệp mà không cần đến sự đãi ngộ nào. Nguyên cớ là vì sao ạ?". Ông cười: "Chú hỏi thì cũng như cả trăm, cả ngàn khách du lịch đến thăm di tích hồ Hữu Tiệp đã hỏi ông câu đó”.
 Ông Luyện thường xuyên thức dậy lúc 5 giờ sáng tập thể dục và vớt rác.
Rồi ông chậm rãi như nói với chính mình: Đã lâu rồi, vào một buổi sáng đẹp trời, tôi dạy sớm như mọi khi, đi dạo vòng quanh khu dân phố, rẽ qua khu hồ. Không hiểu sao, trong tâm trí tôi khi đó cứ văng vẳng bên tai: Sao lại để lòng hồ, khu di tích hồ Hữu Tiệp ngập ngụa rác thải, bèo lớn bèo nhỏ, xác động vật nổi lềnh bềnh làm mất vệ sinh công cộng? Sau lần đó, mỗi ngày tôi thường cầm cây sào lớn, thêm cái túi đựng và xách cả can nước, đi miết vòng quanh lòng hồ... để thu gom rác, dọn vệ sinh khu hồ. Đơn giản vậy thôi.

“Đơn giản vậy thôi” nhưng không phải ai cũng hành động được như ông Luyện. Bà con tổ dân phố 22, khu 3, phường Ngọc Hà lại kể, ròng rã hàng tháng trời, ông Luyện cứ thức dậy lúc ba giờ sáng, với những dụng cụ trên tay, ông rời nhà, đi miết mấy vòng hồ, thu gom rác thải, lủi thủi thân già từ sáng sớm đến tối mịt chỉ với một lưng cơm nắm và mấy miếng cà muối mặn chát. Ấy thế mà ông Luyện đã làm lộ ra cả một khu mang dấu ấn lịch sử hiển hách, mở lối cho khách du lịch bốn phương có điều kiện tham quan một di tích quý giá của đất nước.

Sau đó ít năm, ngành du lịch Hà Nội cho trùng tu lại hồ Hữu Tiệp, giữ lại chứng tích lịch sử xác chiếc máy bay B52 bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội và một số hiện vật di tích khác giữa lòng hồ. Còn ông Luyện cứ thế, như một sứ giả của môi trường, sáng nào cũng vậy, cần mẫn với công việc của mình. Có người hỏi ông, đã nghèo thế, làm lụng quần quật kiếm miếng ăn còn bở hơi tai, can chi lại làm cái công việc không công, lo cho cả thiên hạ. Nhưng ông Luyện không nói. Chỉ có vợ ông là hiểu được công việc của chồng, bà không thắc mắc, bà còn chắt bóp từng đồng để ông có tiền mua dụng cụ vớt rác. "Làm cái gì mà trong bụng mình vui là làm, vậy thôi...". Ông Luyện đã tâm sự với vợ mình như vậy.

Cách đây hai năm ông bị bệnh nặng, không có điều kiện ra hồ vớt rác được. Trong lúc như thế, ông vẫn nắm tay nói với những người con: "Ai nói chi kệ, các con nghe cha, cha mệt, các con nhớ thay phiên nhau chăm sóc khu di tích hồ Hữu Tiệp, đừng để hồ dơ, nước đục, lạnh lẽo di tích tội lắm”... Bao giờ ông cũng vậy, chỉ một niềm riêng nghĩ cho cảnh quan môi trường sống.

Cả vạn bước chân

Tôi lẩm nhẩm rồi khẳng định với ông: "Cứ mỗi ngày từ nhà ra đến hồ Hữu Tiệp rồi quay về, ông đã đi cả vạn bước chân". Ông cười: Đi là đi. Bước là bước. Một vạn hay mấy vạn đã đi là tới thôi, tính toán làm chi. Ông kể: "Những ngày nắng không nói làm gì, ngày mưa, gió bão cũng cực lắm. Mang cái áo mưa vào người, gió thổi tưởng bay cả thân già xuống vực. Có bữa định không đi vì gió mưa dữ lắm nhưng lui tới trong nhà một lúc, chân tay buồn bực, thấy có cái gì đó không yên tâm, tôi lại đi. Mưa nắng chi cũng đi hết. Ngày nào không làm là ngày đó ăn không ngon, ngủ không yên.”

Hằng ngày ra đó, tôi đưa cây sào gom từng cái túi ni lông, cây dại, xác động vật, thông từng cái cống tắc, làm cho toàn bộ lòng hồ, khu di tích sạch sẽ. Và khi hết việc thì tôi ngồi bên cái ghế đá tựa lưng vào hồ Hữu Tiệp ngồi nhìn trời, nhìn đất và nhớ chuyện về chiến tích ở khu vực di tích này...Tôi nhớ Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không với sự kiện quân dân Thủ đô bắn rơi máy bay B52 của Mỹ xuống hồ.

Nhớ lại ngày trước cũng thấy buồn, nhiều người dân, kể cả khách tham quan ý thức còn kém, họ ăn uống, vứt vỏ lon bia, bao thuốc lá, hộp bánh kẹo khắp nơi. Ngày nào tôi cũng phải nhặt nhạnh, dọn dẹp, vớt lên, có nhắc nhở họ, người tốt thì xin lỗi, người không tốt thì cự nự: "Ông có phải nhân viên du lịch đâu mà bắt khách phải giữ vệ sinh?". Tôi gom các vỏ lon bia, lá cây, cành cây, bao ni lông, đem xuống bán cho mấy người đồng nát, góp từng đồng để mua dụng cụ vớt rác"...

Rồi ông đưa tôi đến chỗ có cái máy bay bị bắn rơi, chỉ tay lên những bức tường cạnh đó có những dòng chữ cẩu thả nhem nhuốc. Ngày nào ông cũng lau chùi cho sạch nhưng rồi hôm sau, hễ có một nhóm khách tham quan, là lại có người viết lên tường thành. Thiết nghĩ, hàng ngày có một người già cần mẫn, dọn dẹp làm sạch cảnh quan, giữ vệ sinh môi trường thì ở đâu đó có những con người không hề có ý thức.

Di tích hồ Hữu Tiệp đang bị ô nhiễm?

Câu hỏi ấy tôi nghe được từ nhiều năm nay. Ông Luyện cũng nghe được. Mấy đứa con nít câu cá quanh lòng hồ cũng gật đầu với tôi ý nói, chúng cũng từng nghe câu hỏi ấy. Tìm hiểu mới thấy, hồ Hữu Tiệp luôn bị phủ kín bởi bèo và túi ni lông chứa rác, xác động vật chết nổi lềnh bềnh trên mặt nước, nhất là vị trí xung quanh xác máy bay B52 rơi. Cũng vì không được thu dọn, kịp thời làm sạch, hiện nước trong hồ đã chuyển màu đen, bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như môi trường sống của người dân trong khu vực.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là vị trí hồ nằm ngay gần ngõ 55, phố Hoàng Hoa Thám, nơi tập trung nhiều cư dân sinh sống, nhiều người thiếu ý thức, hằng ngày vẫn xả rác, chất thải trực tiếp xuống hồ, khiến nước trong hồ bị ô nhiễm nặng. Hơn thế, từ nhiều năm nay, quanh hồ Hữu Tiệp còn thường xuyên bị hàng quán và những người buôn bán tụ họp bủa vây, xả rác, vỏ hoa quả, nước thải giết mổ gia súc, gia cầm, gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Vậy mà tại nơi đây, ông Luyện trong suốt nhiều năm trời không cần biết khu di tích thuộc về đơn vị nào, chỉ biết đó là khu di tích cần phải bảo vệ và chăm sóc. Cứ mỗi ngày, ông lại vạn bước chân vòng quanh hồ Hữu Tiệp để bảo vệ và gìn giữ khu di tích, làm sạch môi trường sống, làm đẹp cho đời.

Bài dự thi xin gửi về: Ban Đô thị - Báo Kinh tế & Đô thị, 21 Huỳnh Thúc Kháng, Đống Đa, Hà Nội (điện thoại: 098.747.9898); Hoặc thư điện tử: thivietvemoitruongbaoktdt@gmail.com. Mọi tổ chức, cá nhân quan tâm đến “Cuộc thi viết về Bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2020” có thể tìm hiểu thông tin trên báo Kinh tế & Đô thị điện tử tại địa chỉ: http://kinhtedothi.vn; hoặc trên ấn phẩm báo in báo Kinh tế & Đô thị.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần