Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mối nguy đảo tiền của “rùa tai đỏ”

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sự căng thẳng về nguồn vốn trên thị trường gần đây còn xuất phát từ hành vi đảo tiền của lực lượng trung gian.

KTĐT - Sự căng thẳng về nguồn vốn trên thị trường gần đây còn xuất phát từ hành vi đảo tiền của lực lượng trung gian.

Chính sách tiền tệ đang siết chặt hơn cùng hoạt động thu vốn từ lực lượng kinh doanh trên thị trường liên ngân hàng đã dồn ép ngân hàng thương mại phải huy động VND bằng mọi giá.

Ngân hàng Nhà nước đang phải giữ thăng bằng trên sợi dây mong manh, giữa một bên là giữ lạm phát và bên kia là thanh khoản hệ thống.

Siết chặt hơn

Sau Tết Nguyên đán, một thành công đáng ghi nhận của Ngân hàng Nhà nước là rút về khoảng 130 nghìn tỷ đồng số  tiền cung ứng phục vụ dịp Tết. Con số này được coi là sự mở đầu cho những động thái tiếp theo của quá trình thắt chặt tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát. 

Nhận xét về “cú phanh” nói trên, chuyên viên một ngân hàng lớn nói: “Con số 130 nghìn tỷ đồng là thực nhưng khi ra số nhân tiền tệ thì gấp mấy lần. Giả sử hệ số nhân tiền là 4,85 lần thì thị trường đã hụt đi hàng trăm nghìn tỷ đồng”.

Cùng đó, hoạt động trên thị trường mở (OMO) cũng bị thu hẹp cả về phạm vi lẫn quy mô lượng giao dịch so với cuối năm ngoái. Nguồn tin trên cho biết: nếu như tháng 1/2011, tỷ lệ “đấu” trên OMO là “1 ăn 1” hoặc “1,5 ăn 1” nhưng kể từ tháng 2/2011, tỷ lệ này là “4 ăn 1” và đặc biệt, trong tháng 3, có những thời điểm Ngân hàng Nhà nước giao dịch “5 hoặc 6 ăn 1”. Tuy nhiên, đến ngày 30/3 tỷ lệ “đấu” giảm xuống “3 ăn 1”. Tỷ lệ “đấu” được hiểu nôm na, đại loại như: tổ chức tín dụng bỏ ra 3 nghìn tỷ đồng giấy tờ có giá thì được “đấu” 1 nghìn tỷ đồng “tiền tươi thóc thật”.

Trên thực tế, gần đây, khối lượng giao dịch OMO hạn chế ở mức thấp, chỉ đáp ứng khoảng 15 - 20% nhu cầu thị trường.

Đã thế, cùng với thu hẹp thị trường OMO, Ngân hàng Nhà nước cũng rút các khoản cho vay tái cấp vốn. Một ngân hàng thương mại nhà nước trước đây được Ngân hàng Nhà nước cho vay 10 nghìn tỷ đồng đã bị rút về 7 nghìn tỷ đồng.

Thực tế này dẫn đến một hệ quả không lấy gì làm lạ là lãi suất thị trường liên ngân hàng (thị trường 2) nhảy vọt chóng mặt. Tuần trước, lãi suất liên ngân hàng giao dịch ở mức 17% - 18%/năm, lãi suất qua đêm từ 16% - 17%/năm, kỳ hạn một tuần có ngân hàng chào 20% - 21%/năm. Trong các ngày 29/3 và 30/3, lãi suất liên ngân hàng có dịu lại do các tổ chức tín dụng đã đảm bảo đủ dự trữ bắt buộc ở mức cần thiết. Vì thế, thị trường ghi nhận trong hai ngày trên, nguồn cung dù vẫn hạn chế nhưng lãi suất rao đã giảm xuống ở mức 18%/năm; chiều 30/3, lãi suất qua đêm giảm còn 13,5% - 16%/năm.

Mối nguy đảo tiền của “rùa tai đỏ”

Giải thích sự căng thẳng về nguồn vốn trên thị trường gần đây, giám đốc ban nghiệp vụ chuyên điều hòa nguồn từ một ngân hàng lớn cho biết, áp lực nói trên còn xuất phát từ hành vi đảo tiền của lực lượng trung gian, chuyên kinh doanh trên thị trường liên ngân hàng.

Theo vị này, trước đây, có những thời điểm lãi suất thị trường 2 thấp hơn thị trường 1, không ít ngân hàng có hạn mức hoạt động trên đó đã lấy vốn đem về thông qua các công ty con của mình gửi vào thị trường 1 (thị trường huy động vốn từ dân cư và tổ chức kinh tế) để lấy chênh lệch.

Oái oăm, những ngân hàng lớn cung vốn trên thị trường liên ngân hàng đã bị “dính chưởng”, ở chỗ: vốn của mình, bị ngân hàng khác lấy với giá thấp, sau đó gửi ngược vào chính mình với giá cao để ăn chênh lệch, do lãi suất thị trường 1 cao hơn lãi suất thị trường 2.

Nhìn vào ví dụ sau sẽ thấy rất rõ vấn đề này. Ngân hàng A chuyên cung vốn trên thị trường 2, thực hiện khoán hệ số Q (dư nợ/huy động vốn) theo điều hành chung của hệ thống nên có những chi nhánh được yêu cầu phải huy động nhiều, cho vay ít.

Lo ngại không đảm bảo hệ số Q của hội sở đưa ra, nên các chi nhánh này vẫn phải nhận vốn cho đảm bảo đủ hệ số mà không biết rằng, nguồn tiền đó từ hội sở ngân hàng mình cung ra thị trường với giá thấp trên thị trường 2 (hoặc biết mà làm ngơ chăng!?). Vòng quay này cứ tiếp tục, làm cho nguồn tiền của hội sở ngân hàng A dư thừa, rồi hội sở lại tiếp tục cung ra trên thị trường 2, và cứ thế, nhìn vào thanh khoản thì “xênh xang” nhưng càng kinh doanh càng… “lõm”, còn vòng quay kia không biết bao giờ dừng lại.

“Lực lượng này không khác gì rùa tai đỏ, vừa trèo lên lưng, vừa gặm mai cụ rùa ở hồ Hoàn Kiếm”, vị giám đốc ban nghiệp vụ điều hòa nguồn vốn nói trên chua chát.

Dĩ  nhiên, hệ quả từ hành vi của những chú “rùa tai đỏ” (theo cách nói của vị này) chưa dừng ở đó. Sau khi lấy vốn từ ngân hàng A trên thị trường 2, ngoài đem gửi vào chi nhánh ngân hàng A (nếu có lãi), họ còn cho các ngân hàng khác, chẳng hạn như ngân hàng B vay với lãi suất 15% - 16%/năm, ngân hàng B cho vay ra thị trường 17% - 18%/năm.

Tuy nhiên, khi Ngân hàng Nhà nước thắt chặt chính sách tiền tệ, đồng thời lãi suất trên thị trường 2 tăng cao, họ không thể nào lấy vốn ở đây, trong khi các khoản nợ vay trên thị trường 2 đến hạn, họ phải thu vốn về. Những ngân hàng đã vay vốn của “rùa tai đỏ” không dễ xoay xở kịp, vì: muốn vay “đấu” OMO nơi Ngân hàng Nhà nước thì phải sở hữu giấy tờ có giá đủ điều kiện. Còn nghiệp vụ tái cấp vốn thì tùy từng đối tượng và cũng phải có điều kiện, chứ không thể tái cấp vốn cho bất kỳ ngân hàng nào thiếu thanh khoản, kể cả có được cấp thì cũng không phải muốn bao nhiêu, có bấy nhiêu.

Cùng đó, do tính tạo tiền từ vong quay nói trên nên khi “rùa tai đỏ” hút tiền về dù chỉ một đồng nhưng thị trường bị hụt tới mấy đồng. Thanh khoản căng, khiến lãi suất căng theo còn xuất phát từ lý do này. Và khi những ngả đường tiếp cận với nguồn vốn bị chặn, việc ngân hàng tìm mọi cách, kể cả việc dâng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn tới 9% - 11%/năm là điều dễ hiểu.

Dĩ nhiên, khi bị  mất vốn, cuộc chơi sẽ bị đẩy đi xa hơn và khó có ai đứng ngoài. Khi bị tranh vốn thì phải tìm cách giành lại. Sau khi chúng tôi đăng tải bài viết “Báo động lãi suất tiền gửi không kỳ hạn”, nhân viên một ngân hàng cổ phần đã liên lạc và phản ánh rằng: “Đừng nói là ngân hàng nhỏ giành vốn ngân hàng lớn. Mới đầu giờ sáng, xe chở tiền của một ngân hàng lớn vốn dư giả thanh khoản cùng một khách hàng đang gửi tiền ở ngân hàng tôi đã chực sẵn. Chỉ chờ mở cửa, họ đến rút sạch tiền mà vị khách hàng này đang gửi ở đây”.

Những ngày này, một số chuyên gia tài chính đã cảnh báo: thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát là đúng nhưng phải có sự kết hợp của chính sách tài khóa. Nếu quá lạm dụng chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát, rất có thể cái giá phải trả là sự tổn thương nặng nề của sợi dây thanh khoản vốn đã mong manh.