Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Môi trường hồ của Hà Nội dần được hồi sinh

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chưa khi nào công tác cải tạo môi trường hệ thống hồ của Hà Nội lại đạt được những kết quả khả quan như từ năm 2016 đến nay. Thế nhưng, nhiều người vẫn không khỏi lo ngại tình trạng ô nhiễm sẽ tái diễn, nếu thiếu kiểm soát các nguồn xả thải và công tác duy trì vệ sinh không được đảm bảo thường xuyên.

Hơn 120 hồ đã được cải tạo
Theo thống kê của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội (Công ty Thoát nước Hà Nội), tính đến thời điểm hiện tại, đã có 85/122 hồ khu vực nội thành được xử lý ô nhiễm; 37 hồ còn lại do vướng các dự án cải tạo hoặc khi quan trắc mẫu nền chưa phát hiện ô nhiễm. Sau xử lý, nước các hồ đã hết hẳn mùi khó chịu, không còn trong tình trạng ô nhiễm hữu cơ và đã hạn chế một cách hiệu quả tình trạng phú dưỡng. Điều đáng nói, công nghệ được áp dụng vào xử lý hồ về cơ bản đã không ảnh hưởng đến những thành phần thuộc hệ sinh thái thủy sinh như tảo, động vật phù du...
Môi trường hồ Thành Công xanh - sạch - đẹp hơn sau khi được cải tạo. Ảnh: Thanh Hải
Đội trưởng Đội Xử lý ô nhiễm hồ, Công ty Thoát nước Hà Nội Bùi Ngọc Uyên thông tin, ngoài biện pháp sử dụng chế phẩm Redoxy-3C để làm sạch môi trường nước, Công ty còn lắp đặt bè thủy sinh trên 39 hồ; máy sục khí trên 22 hồ để tăng cường khả năng tự làm sạch. Dự kiến trong quý III/2017, sẽ tiếp tục đặt bè thủy sinh thêm cho 17 hồ và lắp máy sục khí cho 10 hồ khác. Riêng đối với khu vực ngoại thành, hết quý I vừa qua đã có 44/85 hồ được làm sạch; 39 hồ còn lại dự kiến sẽ được xử lý nốt trong quý III.

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, chị Trương Thị Hà (Cầu Giấy) không giấu vui mừng: “Trước đây, có một thời gian, tôi không dám đến hồ Nghĩa Tân tập thể dục vì mùi hồ bốc lên rất khó chịu, nhất là vào buổi chiều vừa tắt nắng. Sau khi hồ được cải tạo, vớt sạch rác rưởi đã hết mùi tanh hôi. Hồ được hồi sinh, hàng ngày tôi lại duy trì thói quen đi bộ quanh hồ vào buổi sáng sớm và chiều muộn rất dễ chịu. Việc chỉ đạo rốt ráo của lực lượng chức năng, xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm trên các hồ cho thấy, UBND TP đã quan tâm rất thiết thực đến đời sống Nhân dân”.

Không chỉ chị Hà, nhiều người dân sống quanh khu vực hơn 120 hồ lớn nhỏ đã được xử lý ô nhiễm trên địa bàn TP đều tỏ ra rất phấn khởi và ủng hộ chương trình cải tạo môi trường hồ được thực hiện thời gian qua. Song, nhiều người cũng chia sẻ, cơ quan chức năng cần duy trì việc giữ gìn môi trường nước, vì mặt nước hồ hiện thỉnh thoảng có váng từng cụm nhỏ ở đầu nguồn xả xuống đang xuất hiện trở lại.

Kiểm soát chặt nguồn gây ô nhiễm

Được biết, nước hồ ở Hà Nội bị ô nhiễm bởi nhiều nguyên nhân chủ quan. Đặc biệt là ô nhiễm do dầu, mỡ động thực vật thải ra từ các quán hàng ăn uống, khách sạn, cửa hàng xăng dầu, khu chế biến, khu dân cư... lân cận hồ. Với tính chất không hòa tan trong nước và bám dính cao, lại không có sự kiểm soát triệt để tại chỗ, mỡ sẽ bị quấn lại với nhau tạo thành các mảng lớn, thải ra gây ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng. Qua khảo sát, tất cả hồ tại Hà Nội đều đã và đang bị nhiễm mỡ với mức độ 0,5 - 2,5mg/lít (tiêu chuẩn quốc gia về nước mặt là 0,5mg/lít). Cùng với đó, một bộ phận không nhỏ người dân thiếu ý thức vẫn đem rác rưởi đổ thẳng xuống hồ hoặc ven bờ.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Bùi Ngọc Uyên cho biết, mặc dù việc cải tạo, xử lý ô nhiễm hồ đã đạt được những kết quả rất khả quan, nhưng điều khiến ông và đồng nghiệp lo lắng là tình trạng tái ô nhiễm hồ vẫn có thể xảy ra. “Hiện, chúng tôi vẫn duy trì công tác làm vệ sinh hồ theo định kỳ từ 3 - 9 tháng, tùy tình hình cụ thể. Trong khoảng thời gian đó, nếu các nguồn xả thải ra hồ không được kiểm soát chặt, rất có thể chưa đến kỳ cải tạo hồ đã lại ô nhiễm nặng nề. Bên cạnh đó, một số hồ hiện có lượng bùn lưu đọng lớn do trong thời gian dài không được tiến hành nạo vét như Kim Liên, Đền Lừ, Hoàn Kiếm… Việc cải tạo, xử lý ô nhiễm những hồ này sẽ đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức. Vì vậy, chừng nào chính quyền một số địa phương chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn hành vi đáng lên án này thì tình trạng ô nhiễm vẫn có thể quay lại bất cứ lúc nào, tàn hại hệ thủy sinh tại các hồ" - ông Uyên nhận định.

"Sau thời gian xử lý có hiệu quả ô nhiễm tại hơn 120 hồ được UBND TP giao, Công ty Thoát nước Hà Nội đã được nhiều đơn vị, địa phương chủ động đề xuất phối hợp để cải tạo, giảm thiểu ô nhiễm hồ như Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội (7 hồ), UBND quận Nam Từ Liêm (21 hồ)..." - Ông Phan Hoàng Minh - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội