Môi trường kinh doanh đang dần tốt hơn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tối 10/6, phát biểu tại Chương trình "Báo chí đồng hành cùng DN", Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV HANEL Nguyễn Quốc Bình cho biết: Ngày 16/5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35 về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020.

Đây là Nghị quyết quan trọng thể hiện quan điểm, nguyên tắc, mục tiêu, giải pháp và quyết tâm rõ ràng của Chính phủ nhằm xây dựng một Nhà nước kiến tạo lấy DN là đối tượng phục vụ. Để nghị quyết đi vào cuộc sống, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp.
Ông Nguyễn Quốc Bình. Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV HANEL
Ông Nguyễn Quốc Bình. Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV HANEL
Một là, Chính phủ cần xây dựng chính quyền số làm công cụ hỗ trợ để thực hiện một Nhà nước kiến tạo và phục vụ thực sự hiệu quả. Nghị quyết 35 đã chỉ đạo một sự thay đổi rất phù hợp, đó là: “Đổi mới mạnh mẽ công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính, bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa cải cách hành chính với xây dựng Chính phủ điện tử và kiểm soát thủ tục hành chính, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ”… Đây là giải pháp đúng đắn và một cách làm trúng và hiệu quả. Chính quyền số là bước tiếp theo của chính quyền điện tử khi việc sử dụng CNTT gắn liền với từng công đoạn, từng dữ liệu trong Chính phủ để cung cấp thông tin và dịch vụ tới DN, người dân một cách hiệu quả nhất, đồng thời, cũng bám sát việc nâng cao năng lực hành chính và năng lực phục vụ của bộ máy Chính phủ.

Hai là, Nghị quyết 35 cũng đề cập nhiều giải pháp hỗ trợ cho DN khởi nghiệp và đưa chương trình khởi nghiệp vào giáo dục đại học, tạo làn sóng khởi nghiệp cho toàn xã hội, đây là một chủ trương phù hợp với xu thế của thế giới khi tiến vào nền kinh tế tri thức, kinh tế sáng tạo. Chúng ta đã có những làn sóng khởi nghiệp như sự bùng nổ của các DN tư nhân sau thời mở cửa. Vì thế cần đặt vấn đề của giáo dục khởi nghiệp ngay từ trường phổ thông. Trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua, Tổng thống Obama đã hai lần nhắc đến khái niệm và sự hợp tác cho giáo dục khởi nghiệp, đó là: “Khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học” gọi tắt là Giáo dục STEM. Tại Việt Nam, trong những năm vừa qua, Hanel đã triển khai các hoạt động giáo dục STEM cho khoảng 50.000 lượt học sinh trên toàn quốc, và nhiều đơn vị khác cũng đã tham gia vào liên minh STEM. Có thể nói giáo dục STEM song hành với việc phát triển văn hóa đọc đã chứng tỏ được sự hiệu quả để học sinh có khả năng tự học, khả năng sáng tạo để trở thành những con người phù hợp trong nền kinh tế khởi nghiệp. Mặc dù Bộ GD&ĐT đã có một số hoạt động về giáo dục STEM nhưng rõ ràng giáo dục STEM cần được nâng tầm thành một chiến lược quốc gia.

Ba là trong xu thế toàn cầu hóa mạnh mẽ hiện nay, quan hệ giữa Chính phủ và DN nên được đẩy mạnh lên thành một quan hệ đối tác. Bởi vì chính DN là những đầu mối có thể tiếp cận nhanh nhất với các thành tựu phát triển toàn cầu và vì thế có thể mang những thành tựu đó phát triển lên, làm chủ công nghệ để đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Quan hệ đối tác giữa Chính phủ và DN cũng sẽ tạo điều kiện cho DN có cơ hội ứng dụng và phát triển sản xuất, kinh doanh trên thị trường Việt Nam, lấy đó làm bàn đạp để phát triển ra thị trường quốc tế... Chúng tôi đề xuất Chính phủ có chủ trương và cách làm để cùng DN bàn bạc trao đổi như các đối tác để cùng nhau sáng tạo, ứng dụng và làm chủ các công nghệ cốt lõi cho sự phát triển của đất nước. Cụ thể, chúng tôi đề xuất Chính phủ lập nhóm làm việc đổi mới khoa học công nghệ ứng dụng vào phát triển kinh tế - xã hội giữa Chính phủ và DN để các DN có điều kiện được tham dự và đóng góp, giúp đẩy nhanh việc làm chủ khoa học công nghệ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần