Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Môi trường Kinh doanh Việt Nam 2013: Cải thiện nhưng chưa thực chất

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sáng 23/10 tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố Báo cáo Môi trường Kinh doanh 2013. Theo đó, môi trường kinh doanh của Việt Nam được xếp ở vị trí thứ 99 trên tổng số 185 quốc gia được xếp hạng, giảm một bậc so với báo cáo đưa ra năm 2011.

Môi trường Kinh doanh Việt Nam 2013: Cải thiện nhưng chưa thực chất - Ảnh 1

Việt Nam đã cải thiện môi trường kinh doanh thông qua cải cách pháp lý, tạo thuận lợi cho việc thành lập doanh nghiệp. Ảnh: Tâm Ánh

Môi trường kinh doanh được cải thiện

Báo cáo Môi trường Kinh doanh 2013 cho thấy, Việt Nam đã thực hiện tổng cộng 18 cải cách về thể chế pháp lý ở 8 trên 10 lĩnh vực trong phạm vi phân tích của báo cáo. Việt Nam tiếp tục giữ vững tốc độ cải thiện các quy định và môi trường kinh doanh, với những nỗ lực đáng ghi nhận trong đơn giản hóa thủ tục thành lập doanh nghiệp (DN). Cụ thể, năm 2011 - 2012, với việc cho phép sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng tự in, các DN đã giảm được gần 20% chi phí thành lập (từ mức 10,5% xuống 8,7% GNI đầu người). Thời gian thành lập DN cũng được rút ngắn xuống chỉ còn 34 ngày.

Đáng chú ý, thương mại quốc tế của Việt Nam đã được cải thiện rõ rệt với minh chứng rõ ràng nhất là xuất nhập khẩu (XNK) tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh các nền kinh tế thuộc khu vực thị trường truyền thống phải đối mặt với nhiều khó khăn. Trong năm 2011 - 2012, Việt Nam cũng là một trong 10 nền kinh tế có mức chi phí XNK tính trên một container thấp nhất (khoảng 600 USD), nhờ các cải cách về thương mại quốc tế. Cũng theo báo cáo đưa ra, Việt Nam xếp thứ 12 trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương về những tiến bộ trong việc thu hẹp khoảng cách đến mức độ thuận lợi nhất.

Các chuyên gia kinh tế của WB nhận định, việc Việt Nam xếp hạng thứ 99 không phải là một bước lùi. Vấn đề nằm ở chỗ, trong khi Việt Nam có những cải thiện thì các quốc gia xếp trên cũng tích cực thực hiện các cải cách của họ. Chính vì vậy, để thực sự tạo nên chuyển biến về mặt thứ hạng, Việt Nam cần nỗ lực nhiều hơn nữa.

Chưa thể vui mừng

Báo cáo chung của WB nhìn nhận sự cải thiện đáng kể môi trường kinh doanh của Việt Nam trong khó khăn chung của nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia nhận định, một số chỉ số trong bản báo cáo là chưa thực chất. Và thực tế cho thấy, nền kinh tế vẫn còn rất nhiều vấn đề.

Chỉ số bảo vệ nhà đầu tư của Việt Nam chỉ đứng ở vị trí thứ 169/185 cho thấy, nhà đầu tư vẫn phải đắn đo khi quyết định có đầu tư vào Việt Nam hay không. Ông Karim O. Belayachi, chuyên gia kinh tế trưởng WB nhận định, chỉ số này phản ánh thực tế là tính minh bạch và cởi mở đối với nhóm giao dịch thiểu số tại Việt Nam đang có vấn đề. Các cải cách của Việt Nam chỉ có thể bảo vệ một nhóm nhỏ trong từng lĩnh vực phát triển cụ thể, nhưng chưa thực chú trọng đảm bảo hành lang pháp lý cho các nhà đầu tư nước ngoài. Việc tiếp cận điện năng của Việt Nam còn nhiều khó khăn do tình trạng thiếu điện diễn ra triền miên trong nhiều năm qua, mà một trong những nguyên nhân chính nằm ở việc độc quyền kinh doanh điện năng hiện nay.

Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cao cấp, cũng tỏ ra "nghi ngờ" về mức độ "chân thực" của báo cáo khi cho rằng, nhiều chỉ số chưa thực sự sát với thực tế cuộc sống. Ví như, chỉ số Cấp phép xây dựng của Việt Nam xếp hạng 28/185, chỉ số Thực thi hợp đồng cũng ở vị trí rất cao 44/185, dù thực tế cho thấy, các dự án phải "nằm chờ" vẫn còn rất nhiều. Bên cạnh đó, bà Phạm Chi Lan cũng bày tỏ sự lo lắng về những khó khăn hiện tại của các DN. Sức ép cạnh tranh từ bên ngoài, đầu vào - đầu ra, tín dụng bị thắt chặt… là những nguyên nhân khiến chỉ trong 9 tháng đầu năm 2012 đã có tới gần 40.000 DN buộc phải giải thể. Điều này có thể dẫn tới tình trạng tham nhũng gia tăng vì DN sẽ tìm đủ mọi cách "lách luật" để có thể tồn tại. Bà nhấn mạnh, Việt Nam đã nhận ra được những vấn đề của nền kinh tế, đưa ra nhiều quyết sách như Nghị quyết 11/2011 hay Đề án 30 về cải cách DN. Tuy nhiên, việc thực thi các giải pháp trên vẫn chưa phát huy hiệu quả, đủ để Việt Nam có một vị trí tốt hơn trong bảng xếp hạng trên.

Trong khi đó, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam khẳng định, Việt Nam đã thực hiện nhiều cải cách trong những năm qua để cải thiện môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, kết quả báo cáo cũng thể hiện rằng, Việt Nam cần nỗ lực nhiều hơn để đưa đất nước sánh ngang với các nền kinh tế khác trong khu vực.

Báo cáo Môi trường Kinh doanh 2013 không đánh giá toàn bộ các lĩnh vực của môi trường kinh doanh có ảnh hưởng đến DN và nhà đầu tư, thay vào đó, thứ hạng chung về mức độ thuận lợi kinh doanh được đánh giá dựa trên 10 chỉ số của 185 nền kinh tế.

Cũng theo báo cáo, Singapore năm thứ 7 liên tiếp là nền kinh tế có môi trường pháp lý thuận lợi nhất thế giới cho kinh doanh; đứng thứ hai là đặc khu hành chính Hongkong (Trung Quốc). Tại khu vực Đông Nam Á, Malaysia là quốc gia có thứ hạng cao nhất, xếp thứ 12/185 quốc gia. Kế đến là Thái Lan xếp hạng 19.