Môi trường kinh tế Việt Nam rất khả quan, thị trường chứng khoán vẫn "hút" vốn

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong những phiên gần đây, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam do ảnh hưởng từ nước ngoài nên nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Hùng Linh - Giám đốc Phân tích và Tư vấn Đầu tư Khối Dịch vụ chứng khoán Khách hàng cá nhân, Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài gòn (SSI) để nhà đầu tư nhìn nhận thị trường khách quan và đưa ra quyết định đầu tư đúng.

- PV: Thưa ông, trong những phiên gần đây, thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục bị lao dốc, trong khi đó kinh tế vĩ mô rất khả quan, nhiều DN vẫn công bố lãi cao, nhưng các chỉ số chứng khoán vẫn giảm mạnh, vậy nguyên nhân do đâu dẫn đến tình trạng này?
 Nguyễn Đức Hùng Linh.
Ông Nguyễn Đức Hùng Linh: Nguyên nhân quan trọng nhất là ảnh hưởng tâm lý từ các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới, đặc biệt là thị trường Mỹ và thị trường Trung Quốc.
Đối với thị trường Mỹ, giới đầu tư đang lo ngại về lạm phát gia tăng sau khi Bộ Lao động Hoa Kỳ công bố Báo cáo việc làm vào đầu tháng 10. Theo đó, mức lương bình quân của người lao động làm việc trong lĩnh vực phi nông nghiệp tăng tăng 2,8% so với cùng kỳ. Lạm phát gia tăng kéo theo lo ngại về khả năng FED tăng lãi suất trong tháng 12/2018 và năm 2019. Kỳ vọng lạm phát, FED nâng lãi suất kéo lợi suất trái phiếu 10 năm của Mỹ lên trên 3%, ngưỡng tâm lý quan trọng của TTCK.
Đối với thị trường Trung Quốc, mặc dù giới chức nước này đã lên tiếng trấn an thị trường trong những ngày gần đây tuy nhiên chỉ số Shanghai Composive vẫn đang vận động ở vùng thấp nhất 4 năm. So với thời điểm đầu năm, chỉ số này đã giảm 22,2%. Ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ khiến cho tốc độ tăng trưởng GDP quý 3 của Trung Quốc chỉ đạt 6,5% YoY, là mức thấp nhất kể từ quý 1/2009.
Bên cạnh những ảnh hưởng từ diễn biến TTCK toàn cầu, thị trường Việt Nam còn chịu tác động từ kết quả kinh doanh quý 3/2018 của một số DN chưa đạt kỳ vọng của nhà đầu tư, lấy ví dụ như một số công ty thuộc nhóm Ngân hàng, Chứng khoán. Xu hướng bán ròng của NĐTNN qua kênh khớp lệnh từ tháng 4/2018 vẫn chưa cho thấy dấu hiệu dừng lại, thậm chí còn gia tăng vào tháng 10 cùng chiều với đà giảm của TTCK thế giới. Giá dầu Brent sau khi tăng lên mức 86 USD/thùng, hiện đang điều chỉnh mạnh về vùng 76 USD/thùng, gây ảnh hưởng tới các cổ phiếu thuộc nhóm upstream trong ngành dầu khí, đặc biệt là GAS, cổ phiếu có vốn hóa lớn thứ 4 trên sàn HOSE.
- PV: Nhận định của chuyên gia về thị trường trong thời gian tới có những yếu tố tác động nào tốt và không tốt đối với thị trường chứng khoán Việt Nam?
Ông Nguyễn Đức Hùng Linh: Về mặt tích cực: Các công cụ điều hành vĩ mô của Việt nam trong thời gian qua đã được chứng minh là hiệu quả, đặc biệt là chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Đối với chính sách tài khóa: Mức thâm hụt NSNN đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2011, các khoản chi thường xuyên được hạn chế trong khi mức chi cho phát triển kinh tế được đẩy mạnh.
Đối với chính sách tiền tệ, tỷ giá duy trì ổn định và tăng trưởng tín dụng được kiểm soát chặt chẽ sẽ hạn chế các bất ổn vĩ mô trong tương lai. Tăng trưởng của nhiều ngành công nghiệp tiếp tục khả quan, thậm chí còn đạt mức tăng trưởng cao nhất nhiều năm như: Dược phẩm, may mặc, lọc hóa dầu, sắt thép, sản xuất ô tô… Đây sẽ là những ngành hỗ trợ và kéo tăng trưởng chung trong tương lai.
Về các rủi ro: Điểm cần quan tâm chính là các diễn biến từ thế giới. Các diễn biến bất thường theo chiều hướng tiêu cực của TTCK Mỹ, Trung Quốc có thể lây lan ra toàn cầu. Xu hướng rút ròng của nhà đầu tư nước ngoài ra khỏi các thị trường mới nổi vẫn chưa dừng lại. Chiến tranh thương mại leo thang dẫn đến các hệ lụy khó lường có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng của Việt nam trong tương lai.
- PV: Trong bối cảnh như hiện nay, ông có lời khuyến cáo nào đối với nhà đầu tư để tránh khỏi bị bán tháo cổ phiếu, khiến cho thị trường tiếp tục xuống dốc?
Ông Nguyễn Đức Hùng Linh: Mặc dù bất ổn thế giới đang gia tăng nhưng cần thấy rằng kinh tế Mỹ vẫn đang trong trạng thái rất tốt. Xu hướng tăng lãi suất của Mỹ thực chất là dựa trên nền tảng cơ bản là kinh tế tăng trưởng cao và nếu như tăng trưởng chậm lại, xu hướng tăng lãi suất sẽ chậm lại thậm chí đảo chiều.

Điều này sẽ có tác động lớn đến chiến lược đầu tư của các quỹ nước ngoài. Mặc dù trước mắt họ đang co cụm để phòng ngừa rủi ro nhưng trong tương lai họ sẽ quay trở lại các thị trường mới nổi, trong đó có Việt nam. Điều đó sẽ không có khủng hoảng hay sụp đổ nền kinh tế trên phạm vi lớn.
Để giảm bớt ảnh hưởng của chiến tranh thương mại, chính phủ Trung Quốc đang nới lỏng cả tài khóa lẫn tiền tệ và dư địa để Trung Quốc nới lỏng còn khá nhiều. Rủi ro hạ cánh cứng của Trung Quốc là chưa thể loại trừ nhưng đây là câu chuyện đã diễn ra nhiều năm, trong thời gian này tăng trưởng kinh tế thế giới và dòng tiền đầu tư đã qua nhiều đợt tăng giảm.
Với Việt nam, nhiều ngành công nghiệp vẫn có tăng trưởng khả quan và cùng với đà giảm của TTCK, nhiều DN đang trở nên hấp dẫn hơn. Những nhóm ngành sản xuất và có thị trường tiêu thụ nội địa ổn định nên được chú ý trong thời gian tới khi các nhóm ngành nóng như ngân hàng, tài chính tăng trưởng chậm lại.
Trân trọng cám ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần